Thổi “hơi thở thời đại” vào ca khúc lịch sử

Hiện nay những tác phẩm âm nhạc về đề tài lịch sử không nhiều, đặc biệt là những tác phẩm lớn như nhạc kịch, vũ kịch, hợp xướng… Làm thế nào để các nhạc sỹ quan tâm đến các tác phẩm âm nhạc đề tài lịch sử, để các tác phẩm ấy đến được với công chúng, là một bài toán khó đang được đặt ra.

 

 

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Cô Sao” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận vừa được dàn dựng lại. ảnh: Nguyễn Đình Toán  

 

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, nếu lấy mốc thế kỉ XIX trở về trước, thì chủ đề lịch sử xuất hiện rất sớm trong ca khúc, bởi rất nhiều nhạc sỹ đã lấy tích xưa nói chuyện nay để bày tỏ niềm tự hào dân tộc và ý thức nối tiếp truyền thống chống ngoại xâm, nhằm tránh sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền thời bấy giờ. Có những truyền thuyết, sự kiện, địa danh, tên tuổi lịch sử đã đi vào lời ca ngay từ những năm 1930-1940 (thời kì đầu của tân nhạc) như nhân vật Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, vua Đinh Tiên Hoàng, vua Trần Thánh Tông, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… đã xuất hiện trong tác phẩm của các nhạc sỹ “tiền bối” như: Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Hoàng Quý, Tô Vũ, Văn Cao… Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng giải phóng dân tộc luôn được các nhạc sĩ đề cập đến trong các tác phẩm âm nhạc ở tất cả các thể loại, từ ca khúc, đến thanh nhạc, khí nhạc, hợp xướng…


Không chỉ các nhân vật lịch sử, mỗi khi xảy ra một sự kiện lịch sử, rất nhiều ca khúc đậm màu sắc ghi chép lịch sử cũng đã ra đời, như bài hát “Mười chín tháng Tám” (của nhạc sỹ Xuân Oanh), hay ca khúc ghi lại chiến công vang dội của quân dân ta trong thời kì kháng chiến chống Pháp như “Người Hà Nội”, “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi; “Thủ đô huyết thệ” của Lương Ngọc Trác, “Sông Lô” của Văn Cao… Tiếp đó là các ca khúc ra đời trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, những bài hát đi cùng chiến dịch Hồ Chí Minh - Đường 9 Nam Lào, chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam… những sự kiện lịch sử này là nguồn cảm hứng đối với các thế hệ nhạc sĩ.


Đánh giá về những tác phẩm âm nhạc đề tài lịch sử, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam khẳng định, kể từ những năm 30 của thế kỷ 20, số lượng các tác phẩm âm nhạc viết về đề tài lịch sử là rất nhiều, có hàng trăm ca khúc, hợp xướng, giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch… các tác phẩm này đã đóng góp những giá trị to lớn vào đời sống văn nghệ trong những thời kỳ nhất định, trở thành sức mạnh tinh thần của quân và dân ta trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cũng thừa nhận, 25 năm qua, nền âm nhạc Việt Nam thiếu vắng những tác phẩm có tầm cỡ, có quy mô, có chất lượng và ít ca khúc về đề tài lịch sử.


Nguyên nhân của tình trạng này là do khai thác mảng đề tài lịch sử khó, dễ trùng lặp, đầu tư công sức lớn nhưng thù lao lại không tương xứng, khó tìm được đầu ra, nhiều tác phẩm lớn như giao hưởng, thanh xướng kịch viết xong rồi để đấy... Bên cạnh đó, công tác quảng bá tác phẩm lịch sử chưa được chú trọng, chúng ta đã có hàng trăm ca khúc hay, hàng chục tác phẩm quy mô lớn về đề tài lịch sử do các nhạc sỹ Việt Nam sáng tác từ hơn 70 năm qua, nhưng hầu như đến nay không được quảng bá, ca sỹ không hát, đài phát thanh truyền hình không phát, các nhà hát không dàn dựng… Những khó khăn đó khiến cho nhiều nhạc sỹ trẻ hiện nay ít say mê với đề tài lịch sử.


Thực tế cho thấy, hiện nay việc sử dụng và quảng bá các tác phẩm về đề tài lịch sử còn thưa thớt, trừ những dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn như giải phóng Điện Biên, giải phóng miền Nam, 40 năm Quảng Trị, 40 năm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không… còn lại phần lớn các tác phẩm không được biểu diễn trên sân khấu và phát sóng trên hệ thống phát thanh, truyền hình. Số phận của các tác phẩm âm nhạc đề tài lịch sử dần dần đi vào lãng quên, trong khi các ca khúc thể loại pop, chạy theo các đề tài tình yêu đôi lứa, cô đơn, ít quan tâm đến vấn đề xã hội, đến ý nghĩa, nội dung, tính giáo dục, thẩm mỹ lại thống trị đời sống âm nhạc… đó là một nghịch lý rất đáng buồn hiện nay.


Nhiều nhạc sỹ có tên tuổi cho rằng, tác phẩm âm nhạc khi đi vào cuộc sống thì sẽ có sức mạnh khôn lường, có tính giáo dục rất lớn, góp phần không nhỏ vào vốn hiểu biết lịch sử, tăng thêm niềm tự hào về truyền thống dân tộc ở lớp trẻ. Vì vậy, cần có những nhạc sỹ, đặc biệt là các nhạc sỹ trẻ hướng tới đề tài xã hội, đề tài lịch sử, viết theo phong cách mới, với hơi thở thời đại để công chúng hôm nay chấp nhận và đồng cảm được. Bên cạnh đó, cần có những sáng tác thể loại lớn như giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, vũ kịch về đề tài lịch sử. Nhưng muốn có được những tác phẩm âm nhạc lớn, dài hơi về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, cần có sự đầu tư chiều sâu, cả về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện về thời gian, tâm lý, phương tiện và cả đầu ra để các nghệ sỹ nhiệt tình, hăng say, tin tưởng và yên tâm sáng tạo.


Để khắc phục tình trạng thiếu vắng tác phẩm âm nhạc về đề tài lịch sử, theo nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Nhà nước cần tạo điều kiện để văn nghệ sỹ đi sâu vào cuộc sống, hiểu sâu về lịch sử dân tộc để văn nghệ sỹ chắt lọc và xây dựng hình tượng nghệ thuật trên tinh thần lịch sử. Nhà nước cần có cơ chế đặt hàng các văn nghệ sỹ viết về đề tài lịch sử cũng như những đề tài lớn như chiến tranh cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh…


Phương Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN