Nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút du khách trong đêm lễ hội Oóc Om Bóc tại Trà Vinh

Tối 27/11, tại Khu Văn hóa Du lịch Ao Bà Om, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức đêm lễ hội Oóc Om Bóc năm 2023.

Chú thích ảnh
Tiết mục múa Khmer mở màng đêm lễ hội. 

Đây là lễ hội truyền thống, còn được gọi là lễ cúng trăng của đồng bào Khmer Nam Bộ, được tổ chức định kỳ vào ngày Rằm tháng 10 (Âm lịch) hàng năm. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2014. Đêm lễ thu hút hàng chục nghìn người dân, du khách khắp nơi cùng đồng bào Khmer tại địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết, lễ hội Oóc Om Bóc năm 2023 diễn ra trong không khí phấn khởi trước những thành tựu về kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đã đạt được. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2023 ước đạt 8,19%; thu nhập bình quân đầu người đạt 85,05 triệu đồng/người/năm; 23/23 chỉ tiêu Nghị quyết năm đề ra đều đạt và vượt, các chỉ số đánh giá năng lực cấp tỉnh đều tăng so với các năm trước. Toàn tỉnh có 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Năm nay, tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ hội Oóc Om Bóc cùng với chuỗi các hoạt động của Tuần lễ Văn hóa, Du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ, với quy mô cấp tỉnh, mở rộng các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều hoạt động phong phú, sôi nôi, diễn ra từ ngày 21 - 27/11/2023. Tiêu biểu là các hoạt động như: Hội chợ xúc tiến thương mại, sản phẩm công nghiệp nông thôn và OCOP; không gian ẩm thực Nam Bộ; trình diễn nghề làm bánh dân gian; Hội thi trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh lần thứ III năm 2023 và các hoạt động triển lãm, chương trình đêm lễ hội  Oóc Om Bóc. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, các trò chơi dân gian như: đua ghe Ngo, bóng chuyền thanh niên dân tộc Khmer, bóng đá 5 người thanh niên dân tộc Khmer, chạy quanh ao Bà Om, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, đi cầu khỉ, đập nồi… Đây cũng là dịp để đồng bào Khmer họp mặt, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, động viên nhau thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác; tiếp tục giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Chú thích ảnh
Tiết mục múa giã cốm dẹp tại đêm lễ. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình kêu gọi các ngành, cấp, quý chư tăng, đồng bào Khmer trong tỉnh tiếp tục giữ gìn sự đoàn kết, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị di sản, giáo dục truyền thống cho các thế hệ tương lai, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Trà Vinh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh đã bày tỏ lòng biết ơn sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với đồng bào Khmer trong tỉnh thời gian qua. Hòa thượng kêu gọi, toàn thể đồng bào phật tử, chư tăng Khmer Trà Vinh phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước, đoàn kết lương giáo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Toàn thể đồng bào phật tử, chư tăng Khmer Trà Vinh nêu cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các thành phần cực đoan tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để chia rẽ khôi đại đoàn kết dân tộc; góp phần xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng giàu mạnh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chú thích ảnh
Nghi thức cúng trăng, đút cốm dẹp của đồng bào Khmer trong lễ cúng trăng được tái hiện trên sân khấu. 

Tại đêm lễ hội, người dân được thưởng thức các tiết  mục văn nghệ đậm bản sắc dân tộc Khmer do Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh biểu diễn. Lễ cúng trăng (là lễ chính trong lễ hội Oóc Om Bóc) theo nghi thức truyền thống của đồng bào Khmer đã được các nghệ sỹ tái hiện trên sân khấu. Cuối cùng, người dân tham gia thả hoa đăng và diễu hành quanh ao Bà Om cầu phúc an lành cho mọi người.
 
Dịp này, Ban Tổ chức đã tặng 20 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh, trị giá 1 triệu đồng/suất.

Tin, ảnh: Thanh Hòa (TTXVN)
Giải đua ghe Ngo tại Sóc Trăng: Hoạt động đặc sắc nhất của Lễ hội Oóc Om Bóc
Giải đua ghe Ngo tại Sóc Trăng: Hoạt động đặc sắc nhất của Lễ hội Oóc Om Bóc

Sau hai ngày tranh tài quyết liệt, chiều 27/11, tại sông Maspero (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), Giải đua ghe Ngo năm 2023 đã bế mạc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN