Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Viện Nghiên cứu tài sản văn hóa Nara của Nhật Bản đang triển khai nghiên cứu, phát triển kỹ thuật bảo tồn các di vật quý bằng gỗ tại di tích Hoàng thành Thăng Long. Theo kế hoạch, viện trên sẽ hợp tác với một số cơ quan nghiên cứu khác như trường Đại học Kyoto để phát triển các loại hóa chất bảo quản di vật gỗ phù hợp với điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tại Việt Nam.
Du khách tham quan các hiện vật tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Dự kiến trong tháng này, Viện nghiên cứu tài sản văn hóa Nara và cơ sở nghiên cứu của trường Đại học Kyoto sẽ tiến hành điều tra hiện trạng và lấy mẫu các di vật quý bằng gỗ phát lộ tại các di tích của Việt Nam, tìm hiểu về tình hình kho bãi, bảo quản của các viện bảo tàng tại Việt Nam.
Ngoài ra, Viện nghiên cứu tài sản văn hóa Nara và đối tác sẽ mở một trạm nghiên cứu tại Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, phối hợp với cơ quan này để nghiên cứu đặc tính cây cổ thụ, đánh giá tình trạng và hiệu quả đối với các loại hóa chất bảo quản…, nghiên cứu các biện pháp sấy khô…
Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, được phát lộ năm 2002, có rất nhiều di vật quý bằng gỗ như hệ thống trụ, cột, thuyền, tranh sơn mài… Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật bảo tồn, trong quá trình trưng bày và bảo quản, nhiều di vật quý đã bị hư hại.
TTXVN/Tin tức