Nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4: Để sách Việt vươn tầm thế giới

Việc nỗ lực gắn kết giữa bạn đọc và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản đã có những bước tiến lạc quan. Tuy vậy, nhiều đơn vị xuất bản ở Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức bắt kịp xu hướng xuất bản thế giới; hy vọng ngành xuất bản có chính sách phát triển cụ thể để đưa các ấn phẩm văn hóa của Việt Nam ra thế giới.

Đông đảo người dân tham quan, mua sắm, đọc sách… tại các hội sách. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Tín hiệu lạc quan

Năm 2017, doanh thu của ngành xuất bản đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng khoảng 31,4% so với năm 2016. Nhiều chuyển biến trong ngành được đánh giá tích cực, trong đó ghi nhận những đóng góp của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách trên cả nước như: Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng; Công ty Cổ phần phát hành sách Fahasa; Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam…

Vừa qua, Hội sách Thành phố Hồ Chí Minh lần 10-2018, một trong những hội sách lớn nhất cả nước đã thành công rực rỡ. Hơn 1 triệu độc giả đến tham quan, mua sắm với tổng doanh thu trong 7 ngày hoạt động của hội sách lên đến hơn 60 tỷ đồng.

Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, hoạt động của các Nhà xuất bản đã và đang dần thay đổi, chuyển dần sang hướng chuyên nghiệp hơn, sát thực với nhu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc. Có đơn vị đã lập hẳn kế hoạch kinh doanh, phát hành sách trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng, giới thiệu đến bạn đọc sách mới sắp ra mắt trong năm. Qua đó, thể hiện quyết tâm của những người “trong cuộc” nhằm đưa đến người đọc những sản phẩm có định hướng và hoàn thiện nhất.

Là một trong những nhà xuất bản năng động, mỗi năm ra mắt hàng trăm ấn phẩm mới phục vụ bạn đọc, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, cho biết: Dù là sách do Nhà xuất bản tự làm hay liên kết, liên doanh, mục tiêu hoạt động của đơn vị vẫn theo tôn chỉ mục đích hướng tới phục vụ độc giả là thanh thiếu nhi, bạn đọc cả nước và tôn trọng nhu cầu bạn đọc trong cuộc sống hiện đại.

Để vươn tầm thế giới

Một góc Hội sách TP Hồ Chí Minh lần thứ 10. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Mặc dù “đời sống” ngành xuất bản trong nước có những tín hiệu lạc quan, song vẫn còn gặp khó trong việc giới thiệu các ấn phẩm sách ra thế giới. Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, dù ngành xuất bản trong nước mỗi năm đều tăng trưởng, song hiện ngành xuất bản, in và phát hành vẫn chưa có định hướng về một chiến lược sách cụ thể mang tầm quốc gia. Trong khi ở các lĩnh vực khác đều có nghiên cứu, quy hoạch và lập chiến lược phát triển, nhưng đối với loại hình văn hóa phẩm mang giá trị đặc biệt này vẫn còn đang “bỏ ngỏ”.

Ông Nhựt cho rằng, cần sớm có chiến lược quốc gia về sách và ưu tiên phát triển sách thiếu nhi Việt Nam, tầm nhìn từ 10 - 20 năm. Nhất là hiện nay có khá ít tác giả viết cho thiếu nhi trong khi trên thị trường xuất hiện tràn lan các sách thiếu nhi đến từ nước ngoài được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam. Một thế hệ lớn lên bằng truyện tranh Doraemon, Conan sẽ khác hoàn toàn với một thế hệ lớn lên bằng những câu chuyện cổ tích dân gian Việt Nam như Thánh Gióng, Tấm Cám…

“Hơn hết, không thể đánh đồng sách - sản phẩm văn hóa đặc biệt với những mặt hàng sản xuất, tiêu dùng khác mà thiếu tính định hướng cụ thể từ các nhà lãnh đạo, cơ quan quản lý cấp nhà nước”, ông Nhựt bày tỏ.


Chia sẻ về xu hướng xuất bản thế giới, bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt, cho biết: Xu hướng xuất bản thế giới năm 2018 và những năm tiếp theo vẫn tập trung vào các ấn phẩm dành cho thanh thiếu nhi. Tương lai của ngành xuất bản sách vẫn là dành cho trẻ em. Do vậy, việc xác định chiến lược sách cụ thể sẽ rất hiệu quả trong việc định hình phát hành ấn phẩm và phục vụ từng đối tượng độc giả.

Đề cập làm thế nào ngành xuất bản Việt Nam có thể tham gia tại Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt, bà Claudia Kaiser dẫn chứng, Indonesia, quốc gia trong khu vực ASEAN đã đầu tư hơn 5 triệu USD để giới thiệu những tác phẩm sách của quốc gia họ ra thế giới thông qua Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt.

Đây không phải là việc làm của một cá nhân hay một đơn vị mà cần có sự đồng hành của Chính phủ, cùng với đó là lời cam kết của quốc gia đối với việc lập kế hoạch, phát triển lâu dài cho ngành xuất bản, in ấn và phát hành.

Bà Claudia Kaiser nhấn mạnh, trước khi Việt Nam tham gia Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt cần xác định làm gì, mua bản quyền hay bán nội dung cho đối tác. Bên cạnh chuẩn bị kinh phí đầu tư từ 5 - 20 triệu USD còn cần đảm bảo tốt công tác dịch thuật và cam kết các kế hoạch thúc đẩy ngành xuất bản. Theo bà Claudia Kaiser, Việt Nam cần chuẩn bị thật tốt về mọi mặt trước khi tham gia vào các hoạt động của ngành xuất bản thế giới.

Gia Thuận (TTXVN)
Nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4 - Bài 1: Gắn kết sách và độc giả
Nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4 - Bài 1: Gắn kết sách và độc giả

Những năm gần đây, nhiều hoạt động kết nối sách và bạn đọc liên tục được tổ chức trên khắp cả nước với quy mô lớn, chất lượng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN