Nhạc sỹ Hoàng Long- Hoàng Lân được công chúng biết đến với những ca khúc sáng tác quen thuộc cho thiếu nhi. Với tình yêu thương dành cho trẻ em, hai anh em Hoàng Long- Hoàng Lân đã cho ra đời hơn 500 bài hát thiếu nhi, phải kể đến một số bài có sức sống mãnh liệt cho tới ngày nay như : “Đi học về”, “Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác”, “Mèo con đi học”, “Những bông hoa những bài ca”...Đồng ý gặp mặt chúng tôi vào một chiều Hà Nội oi bức, nhạc sĩ Hoàng Long, người đàn ông ngoài sáu mươi, vẫn thoăn thoắt xách cặp rảo bước tươi cười.
Chào nhạc sĩ Hoàng Long. Với một gia tài đồ sộ là hơn 500 bài hát viết tặng thiếu nhi, lý do gì khiến ông chọn thiếu nhi là đối tượng hướng đến trong tác phẩm của mình ?
Lý do tôi gắn bó gần như trọn đời với đối tượng thiếu nhi có lẽ rất nhiều. Thời gian công tác của tôi tính đến nay cùng gần 50 năm, không chỉ là một nhạc sĩ, còn là một thầy giáo nghiên cứu biên soạn sách âm nhạc cho thiếu nhi tại Viện Khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục. Quãng thời gian đó cũng đủ để chứng minh sự gắn bó gần gũi của tôi với trẻ em. Bên cạnh đó, bài hát đầu tiên tôi viết vào năm 17-18 tuổi, gây dựng được tiếng vang cũng là bài hát giành cho thiếu nhi. Tôi cảm thấy mình có khả năng và phù hợp với dòng nhạc này.
Cảm xúc của ông khi viết các tác phẩm giành cho thiếu nhi như thế nào , thưa ông?
Chỉ hai từ để miêu tả: đắm chìm. Mỗi ca từ, mỗi nốt nhạc luôn văng vẳng trong đầu tôi hằng tuần lễ. Lúc nào trong đầu cũng hiện lên giai điệu, lời ca của tác phẩm đó. Cứ viết rồi lại sửa, cứ thể cho tới khi nào tôi thật sự hài lòng về nó.
Theo ông, nhạc thiếu nhi dễ viết hay khó viết?
Nếu tôi bảo dễ thì không đúng, bảo khó cũng không đúng. Điều này tùy vào từng nhạc sĩ. Có nhiều người giỏi nhưng không viết được nhạc thiếu nhi. Có những người tôi biết dành đa số thời gian viết nhạc thiếu nhi nhưng khi đưa tác phẩm vào thi trường thì thiếu nhi trẻ em không đón nhận.
Dường như không gian âm nhạc của riêng các bé đang dần bị thu hẹp lại, ông có ý kiến gì về điều này?
Về phía xã hội, nhạc thiếu nhi của những năm trước đây được giới âm nhạc và xã hội quan tâm rất nhiều. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi kinh tế thị trường với nhiều biến động, nó không còn được chú trọng nữa. Về phía truyền thông, trước đây phát thanh truyền hình luôn có những chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi.
Sau một số năm tồn tại, dường như mọi thứ đã không còn như trước, đặc biệt là truyền hình. Bên đài phát thanh tuy còn duy trì nhưng không còn có sức ảnh hưởng nhiều. Nhạc thiếu nhi phải viết bằng cái tâm chứ không phải vì tiền. Nếu viết vì tiền, đó sẽ là nhạc thị trường. Phải chăng do thù lao bồi dưỡng cho các sáng tác nhạc thiếu nhi thấp hơn nhạc thị trường nên các nhạc sĩ không còn mặn mà?
Thị trường nhạc ngoại chiếm được nhiều tình cảm của các em thiếu nhi hơn nhạc Việt Nam. Điều này có đúng không , thưa nhạc sĩ?
Hiện nay, thông tin đại chúng quá nhiều, quá phong phú. Trẻ em được tiếp cận rất sớm và chúng thường tiếp cận học hỏi rất nhanh cùng với đặc tính của trẻ là thích cái mới, cái lạ, chúng thích khám phá những điều đó. Truyền hình lại luôn phát những âm nhạc mang tính quốc tế để thu hút lượt xem, như vậy thì sao trẻ em có thể tiếp xúc với nhạc thiếu nhi Việt Nam.
Sẽ rất khó khăn cho nhạc Việt có chỗ đứng trong lòng trẻ em. Vấn đề nữa là trẻ em hiện nay đang hát những bài không đúng với lứa tuổi của chúng. Điều đó có thể ảnh hưởng tới cả tâm tính và cách chúng nhìn nhận về xã hội sau này.
Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!
Thùy Linh
(thực hiện)