Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn: 'Với tôi, hình tượng phụ nữ luôn đẹp'

Tiến sĩ Văn học, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn được biết đến như một tác giả tài năng của sân khấu chèo Việt Nam, có người gọi ông là "vua chèo".

Cảnh trong vở "Nam dược Thánh nhân". Nguồn: tienphong.vn

Nói đến chèo, người ta không thể không nhắc đến đóng góp của ông. Tuy nhiên, ít ai biết được ông cũng từng làm thơ, chơi nhạc, vẽ tranh và đặc biệt hơn là ông dành một tình yêu, sự trân trọng đặc biệt cho phái đẹp.

Kỷ lục của làng chèo Việt Nam

Tại quán cà phê trên phố Ngô Quyền vào một buổi chiều muộn tháng 3, tôi đã gặp tác giả Trần Đình Ngôn - người đàn ông nhỏ nhắn, đã qua độ tuổi tuổi thất thập nhưng còn rất nhanh nhẹn, thần thái toát ra vẻ lanh lợi, hóm hỉnh, dân dã của người từng trải.

Bên tách cà phê thơm nồng, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn kể rằng cuộc đời ông có rất nhiều kỷ niệm đẹp gắn với phái nữ. Câu chuyện hấp dẫn nhất có lẽ diễn ra ở đất cảng Hải Phòng, mảnh đất cửa bể của nữ tướng Lê Chân, nơi ông “biên chế” trong Đoàn chèo Hải Phòng tới 26 năm, lập gia đình với cô con gái rượu một cán bộ của Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Ông bố của cô gái ấy là “nghệ sĩ nghiệp dư”, hay tham gia văn nghệ phong trào trong nhà máy. Trần Đình Ngôn may mắn được nghệ sĩ nghiệp dư này "gả" con gái yêu cho sau nhiều lần đàm đạo về chèo. Sau này, Trần Đình Ngôn đưa cả gia đình bé nhỏ về Thủ đô.

Cũng chính tại mảnh đất kinh kỳ Thăng Long, ông "trình làng" hàng loạt những sáng tác ở nhiều thể loại. Trong giai đoạn từ năm 1963-2014, ông đã có 109 kịch bản, riêng thể loại chèo là 99 kịch bản. Ông đã dành được 73 giải thưởng trong đó có Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007; 16 giải thưởng cho tác giả kịch bản. Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn cũng viết kịch bản cho 56 vở diễn được tặng giải thưởng với 12 huy chương Vàng, 9 huy chương Bạc, 1 giải Vàng miền duyên hải; 2 giải B văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng, 28 tác phẩm xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam…

Trần Đình Ngôn hiện đang là cái tên được nhắc nhiều nhất trên chiếu chèo Việt Nam. Ông đang giữ những kỉ lục khó vượt của một tác giả sân khấu nói chung và một tác giả viết chèo nói riêng của nước ta. Trong số 112 kịch bản dài cho sân khấu ông đã viết, có hơn 100 kịch bản chèo được dàn dựng, đáng nói là có nhiều vở diễn được trên chục đoàn dựng. Đặc biệt trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp hơn 40 năm trở lại đây, tên tác giả Trần Đình Ngôn được xướng lên rất nhiều và đa phần những vở diễn đó đều được trao giải thưởng.

Bắt đầu với "Tắt đèn"...

Đã viết hàng trăm kịch bản song Trần Đình Ngôn vẫn nhớ như in kịch bản chèo đầu tiên ông hoàn thành khi mới 20 tuổi, vừa gia nhập Đoàn chèo Hải Phòng, được chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” (của nhà văn Ngô Tất Tố). Có lẽ từ lúc đó hình tượng người phụ nữ đã “bén duyên” với ông, trở thành mạch nguồn cho nhiều sáng tác sau này.

Nếu theo dõi kỹ những tác phẩm của Trần Đình Ngôn sẽ dễ dàng nhận thấy những nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa, nhất là nhân vật nữ luôn được đề cao. Cũng có ý kiến cho rằng: Đó là sự tiếp mạch của chèo cổ với hình bóng phụ nữ là trung tâm. Về điều này, tác giả Trần Đình Ngôn cho biết: Những nhân vật hay, thành công là thường là nữ, nhân vật tạo nên sự rung động, để lại ấn tượng với người xem cũng thường là nhân vật nữ. Ngay cả những vở ông viết về một danh nhân văn hóa nhưng nhân vật gây được ấn tượng có khi không phải là danh nhân ấy mà lại là những bóng hồng bên cạnh họ.

Trần Đình Ngôn cũng cho rằng Đạo mẫu ảnh hưởng nhiều đến sáng tác của ông, những nhân vật nữ của ông thường sống, suy nghĩ, hành động, phát ngôn với tư cách người mẹ; nhiều trường đoạn giàu chất thơ, gây được cảm xúc cho người xem là những lời nói, hành động của những người vợ, người mẹ. Đó là người vợ của nhân vật chính - ông chủ nhiệm hợp tác xã, người mẹ trong vở “Chiếc nón bài thơ”; là bà Thái phi trong vở “Lời sấm truyền từ Quán Trung tân” hay Ni cô Đàm Liên trong vở “Nam dược Thánh nhân”…

Một trích đoạn chèo cổ. Ảnh: Việt Cường

Hiện nay, Trần Đình Ngôn đang viết một vở về bà Bùi Thị Lý, người được ông coi là “Hải Đông nữ kiệt”. Bà là một họa sĩ, thương nhân, nhà hàng hải ở thế kỷ thứ 15, người đã góp phần tạo dựng nên dòng gốm nổi tiếng của Việt Nam là gốm Chu Đậu. Sắp tới, ông dự định viết về tài nữ hiếm có trong sử sách Việt - bà Đoàn Thị Điểm với tên gọi “Hồng Hà nữ sĩ”.

Đi quá 2/3 đời người, Tiến sĩ Văn học, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn chỉ có duy nhất một điều còn chưa bằng lòng với mình đó là thời trẻ ít quan tâm đến việc học ngoại ngữ “để đến bây giờ già rồi, học không vào nữa!”. Ông hài hước chia sẻ: Cũng khá may mắn là lĩnh vực hoạt động của ông không cần nhiều tiếng Anh, bởi vậy ông dành nhiều thời gian để học tiếng “em” và vận dụng vào các sáng tác... Ông cho rằng, trong những kịch bản từng viết, vở nào cũng ca ngợi người phụ nữ ở mức độ khác nhau với các trạng thái, tình ý khác nhau. Và nếu như ai đó tìm đề tài nghiên cứu, họ có thể làm luận án tiến sĩ về tình yêu đơn phương của người phụ nữ trong kịch bản chèo của Trần Đình Ngôn...

Ông dẫn chứng ra nhân vật điển hình là bà Thái phi trong vở “Lời sấm truyền từ Quán Trung tân”. Bà vốn là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau khi được lập làm Quý phi vẫn đem lòng yêu, luôn ủng hộ Thầy trong mọi việc. Hình tượng này được ông xây dựng đậm chất trữ tình, để lại một hình mẫu đẹp về người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, có tâm hồn rộng lượng, biết đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết và cũng biết chủ động trước tình yêu.

Một dẫn chứng khác là quận chúa Ngọc Liên trong vở “Nam dược Thánh nhân”. Sau khi được danh y Tuệ Tĩnh chữa bệnh, quận chúa đem lòng yêu ông. khi Tuệ Tĩnh quyết định đi tu, hiến dâng cả cuộc đời cho việc nghiên cứu thuốc chữa bệnh cứu người, quận chúa cũng quy y (pháp danh là ni cô Đàm Liên) để được giúp ông hoàn thành tâm nguyện. Hình tượng Ni cô Đàm Liên được Trần Đình Ngôn xây dựng có tính cách khác hẳn nhân vật nữ chính hay lệch trong sân khấu chèo truyền thống...

Không chỉ những nữ trung hào kiệt, người phụ nữ - người bạn đời thủy chung bên cạnh ông cũng để lại ấn tượng tốt đẹp không kém. Với ông, bà có thể chưa thật hoàn hảo như những nhân vật điển hình mà ông xây dựng nhưng bà là người có công lớn, luôn bên cạnh hỗ trợ, giúp ông trong sự nghiệp.

Khi Trần Đình Ngôn có những đoạn viết trữ tình, rung động hoặc có những giây phút lãng đãng, phu nhân của ông cũng rất hiểu, thông cảm nên thường động viên, cổ vũ ông.


Khoảng 20-30 năm trở lại đây, bà luôn là người đầu tiên đọc kịch bản của ông và với khả năng thẩm định tương đối tốt, bà cũng giúp ông hoàn thiện nhiều tác phẩm. Bên cạnh đó, bà cũng là người mẹ hiền luôn chăm sóc, dạy dỗ con cái để ông yên tâm sáng tác, cống hiến cho văn học nghệ thuật.

Hơn bảy chục tuổi, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn vẫn giữ được sự trẻ trung, nhạy bén. Bí quyết được ông tiết lộ là luôn giữ tâm hồn trẻ trung; những rung động trước cuộc sống, trước một nửa của thế giới vẫn tươi mới. Ông vẫn hóm hỉnh rằng mình “yêu thì vẫn như thời trai trẻ, chỉ khác là cách thể hiện đã chững trạc hơn”.

Dịp này vinh dự nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2017, Trần Đình Ngôn rất vui. Ông hy vọng có thể chia sẻ niềm vui chung ấy với bạn bè, đồng nghiệp và trên hết là với một nửa của đời mình.

Chia tay nhà viết kịch Trần Đình Ngôn, tôi chợt mỉm cười khi nhớ những câu thơ hài hước, dân dã được ông đọc tại buổi giao nhiệm vụ vở dựng vở “Thị Hến” giữa 2 nữ nghệ sỹ nổi danh của làng chèo Việt Nam là Giám đốc đoàn Chèo Việt Nam, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Ngoan và lãnh đạo Đoàn 2, Nghệ sĩ ưu tú Vân Quyền:

“Váy đỏ xuống rồi, váy tím lên.
Thị dưới giao hòa với thị trên
Thị Hến lên sàn hay đích thị
Khán giả mê chèo hẳn xướng rên”.

Mỹ Bình (TTXVN)
Thông tin về việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2016
Thông tin về việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2016

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 24/2 cho biết: Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã ký văn bản số 39/BC-BVHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ nhằm báo cáo chi tiết về công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016. Đây là báo cáo mới nhất của Bộ về công tác này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN