Nhà văn “sống mãi với Thủ đô”

Gần đến ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2015), giới nghiên cứu, những người yêu văn học lại nhớ đến nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (ảnh), lớp nhà văn cách mạng đầu tiên của nền văn học mới. Năm 2015, cũng là tròn 55 năm ngày mất của nhà văn tài hoa này.


Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912 tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ông bước chân vào làng văn hơi muộn. Sau năm 1940, người ta thấy xuất hiện những tác phẩm đầu tiên của ông là “Đêm hội Long Trì” và “Vũ Như Tô” đăng trên tạp chí Tri Tân. Và chỉ với 2 tác phẩm này, tên tuổi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được khắc họa.

Trong cuộc đời cầm bút của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết nhiều thể loại khác nhau, từ truyện, ký, đến kịch… với nhiều mảng đề tài khác nhau, từ đề tài lịch sử, chiến tranh vệ quốc, đến viết cho thiếu nhi, Thăng Long Hà Nội… Ở thể loại nào, đề tài nào, các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng cũng mang giá trị vượt thời gian bởi những tư tưởng lớn rất sâu sắc. Đặc biệt, với mảng đề tài viết về Thăng Long Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng đã tái hiện một cách chân thực, sinh động những thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội trong những thời khắc huy hoàng với tình yêu thiết tha, sâu nặng.

Nhà nghiên cứu, lý luận Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận xét: “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết về Thăng Long - Hà Nội với nhiều xúc cảm: Ngợi ca, tự hào trước những chiến công; lưu luyến, nhớ nhung, tiếc nuối khi nhiều nét đẹp của Thủ đô bị tàn phá, và cả những xót xa, đau đớn khi Hà Nội đối mặt với những khó khăn, thách thức của công cuộc đổi mới, chuyển mình. Thăng Long - Hà Nội trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng không đơn thuần là không gian cơ học, mà nó như một nhân vật sống động, có tính cách, tâm hồn với những vẻ đẹp độc đáo”.

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Phòng, nhìn lại hành trình sáng tác của nhà văn, hình ảnh Thăng Long - Hà Nội luôn hiện hữu trong nhiều trang viết, trở thành không gian nghệ thuật, “vùng quê sáng tác” của nhà văn. Với quá khứ lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng đề cập đến công cuộc dựng nước, giữ nước của vua tôi Âu Lạc trong buổi bình minh của dân tộc. Viết về Thăng Long - Hà Nội thời vua tôi nhà Trần đại phá quân Nguyên trong tiểu thuyết “An Tư”, Nguyễn Huy Tưởng đã tái hiện một cách sinh động những chiến công vang dội của nhà Trần như trận Hàm Tử, Chương Dương, gắn liền với tên tuổi của các vị tướng dũng mãnh, tài ba như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản… Viết về Thăng Long - Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Huy Tưởng không giấu nổi niềm xúc động, tự hào trước khí thế sục sôi, tinh thần quyết chiến quyết thắng của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Trong “Sống mãi với Thủ đô”, những chàng trai, cô gái ngày hôm qua còn là những cô cậu học trò, nhưng với tình yêu Hà Nội, họ sẵn sàng đương đầu với mọi hiểm nguy, quyết giữ bằng được Thủ đô yêu dấu…

Cũng bởi vì quá yêu Hà Nội, nên ông luôn trăn trở, suy tư và không yên lòng khi nhìn thấy một Hà Nội đang bị biến đổi từng ngày. Những trăn trở của ông hiện qua thiên tùy bút “Một ngày chủ nhật”, viết vào cuối năm 1956 với những đoạn văn đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc. Ông đã quan sát cảnh trí Hồ Gươm - danh thắng bậc nhất của đất kinh kỳ Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội sau 2 năm kể từ ngày tiếp quản Thủ đô với một sự bất bình sâu sắc: “Hồ Gươm đã mất nhiều vẻ đẹp lắm rồi. Nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng xứng đáng được mệnh danh là “Nhà văn của Hà Nội” - người đã dệt nên những bức tranh đẹp về Thủ đô qua hàng ngàn năm lịch sử bằng chất liệu đặc biệt của ngôn từ.

Bờ không được sạch, lủng củng những quảng cáo vụng về, bày vô tổ chức, những biển giới thiệu hình ảnh các nước bạn, hầu như không ai săn sóc, vì mặt kính không mấy khi sạch xác ruồi muỗi. Có cảm tưởng hồ bị bưng kín, và bé lại. Đường đi có nhiều chỗ lầy lội. Thùng rác như chiếc quan tài lù lù bên lối đi”. Ông cũng nhận thấy trong các cơ quan, trong các phố phường Hà Nội cũng đang mất dần nét hào hoa, thanh lịch. Không chỉ băn khoăn, nhà văn còn dũng cảm nói lên tiếng nói của mình, thiết tha kêu gọi những người có trách nhiệm không được xóa sạch những dấu vết văn hóa của cha ông bởi “cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng…”.

Nói đến tình yêu Hà Nội của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Tô Hoài đã từng viết trong cuốn “Tô Hoài hồi ký” (NXB Hội nhà văn 2005) rằng: Hai mươi năm cầm bút, Nguyễn Huy Tưởng đã sáng tác nhiều thể loại văn xuôi nhiều đề tài khác nhau. Nhưng, với Nguyễn Huy Tưởng, đề tài Hà Nội là tiềm lực sức sống liên tục trong tất cả các giai đoạn và là những tác phẩm chính của ông. Ở mỗi trang Nguyễn Huy Tưởng đều có thể gặp được bóng dáng của Cổ Loa, của Thăng Long, của Hà Nội. Trong đó, cuộc sống và con người, từ truyền thuyết tới ngày nay, qua mọi giai đoạn lịch sử, vẫn là một con người Việt Nam nhẫn nại, kiên cường đương đầu với mọi thử thách, mọi biến thiên và đứng vững. Là cây bút sử thi hùng tráng, Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng bao giờ cũng lộng lẫy và hùng vĩ, ngay từ những tác phẩm ban đầu… Còn nhà văn Nguyễn Tuân thì lại viết: “Bằng những liên tưởng, đối chiếu giữa kiến thức sách vở với những trải nghiệm trong cuộc đời, Hà Nội đã vào văn ông, làm nên toàn bộ hồn cốt và đường nét trong văn ông, khiến cho độc giả không chỉ thiện cảm với tác giả tiểu thuyết, mà còn yêu quý hơn Hà Nội - trung tâm tim óc của cả nước. Qua bao triều đại, chế độ, cái tim óc bền dẻo, vĩ đại ấy đã đập đều trên chín thế kỷ rưỡi”.

Mặc dù đời viết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không dài, kể từ vở kịch “Vũ Như Tô” (1941) đến tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” (xuất bản năm 1961, một năm sau khi tác giả qua đời), nhưng với tình yêu, tấm lòng ông dành cho Hà Nội qua những trang viết của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng xứng đáng được mệnh danh là “Nhà văn của Hà Nội” - người đã dệt nên những bức tranh đẹp về Thủ đô qua hàng ngàn năm lịch sử bằng chất liệu đặc biệt của ngôn từ với lối viết tài hoa, độc đáo.
Phương Hà
“Người tài” Nguyễn Huy Tưởng
“Người tài” Nguyễn Huy Tưởng

Thấm thoắt đã 55 năm nhà văn lớn Nguyễn Huy Tưởng rời cõi trần, ở cái tuổi quá trẻ và còn quá nhiều việc ông có thể làm ở phía trước (ông qua đời khi mới 48 tuổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN