Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Lạnh lùng câu chữ, xa xót tâm can

Nguyễn Thị Thu Huệ là một trong số ít nữ nhà văn “tài - sắc vẹn toàn” của văn học Việt Nam đương đại. Chị khám phá cuộc sống hàng ngày bằng văn chương và đang rất hạnh phúc vì được sống trong niềm đam mê ấy.

Từ những năm 1990, Nguyễn Thị Thu Huệ được độc giả nhớ đến với những câu chuyện viết về cuộc sống hiện đại muôn hình vạn trạng lấy hình tượng người phụ nữ làm tâm điểm (“Hậu thiên đường”, “Biển ấm”, “Cõi mê”, “Nào, ta cùng lãng quên”,…). Nỗi ám ảnh phái yếu trong truyện của chị không phải là tiền tài, danh vọng, không phải là bổn phận và trách nhiệm, càng không phải những giá trị đạo đức mà xã hội mặc nhiên khoác lên vai họ mà chính là tình yêu.


Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.


Những nhân vật phụ nữ của Thu Huệ dù già hay trẻ, dù đã yên ấm gia đình hay đang đổ vỡ, dù thiếu nữ hay thiếu phụ đều có một điểm chung, là những tâm hồn khát yêu, luôn luôn tất tả trên hành trình khám phá, kiếm tìm tình yêu, dâng hiến, hy sinh cho tình yêu đến kiệt cùng tuổi trẻ và hạnh phúc. Nhưng bẵng đi khoảng 6 năm, chị quay lại với văn chương bằng một dung mạo truyện ngắn khác, lý tính và lạnh lùng hơn. Ở “Thành phố đi vắng” chị sử dụng lối viết khách quan, trung tính, tiết chế cảm xúc tối đa, mỗi truyện ngắn như một bản tường thuật đời sống. Thay vì kiếm tìm tình yêu, tập truyện là những ưu tư về tình người ngày một cạn kiệt thậm chí biến mất trong đô thành hiện đại. Tình người băng giá, sự vô cảm, nỗi bất an và cái chết trở thành những ám ảnh trong đời sống đương đại.


Chị chia sẻ: “Ngày trước, những câu chuyện của đời sống đến với tôi, và tôi kể lại chúng theo cách nhìn của một người trẻ, trong một xã hội ít bất an, đâu đó còn nhiều góc bình yên. Bây giờ, đời sống của đám đông, của những thân phận bị trồi lên trụt xuống quẫy đạp nhằm tồn tại trong những cơn sóng táp thẳng, khiến tôi chao đảo, buồn bã và đau đớn. Và tôi đã kể những chuyện qua lăng kính của tôi, những ngày tháng này. Lạnh lùng ở câu chữ, nhưng xa xót trong tâm can. Tuy vậy, tôi chưa mất hẳn niềm tin vào con người. Rải rác ở đâu đó vẫn còn những người đau đáu làm điều tốt, làm ra những thứ có ích cho cộng đồng”.


Ám ảnh


Nguyễn Thị Thu Huệ luôn bị ám ảnh về những dòng chảy đang xoay chuyển những thế hệ người Việt theo hướng xấu đi, đang đi xuống. Sự thanh cao, phẩm chất đáng quý của người Việt một là dần bé lại, bị đè nén trước sự trần trụi và thô tục, sự suy cấp đạo đức, bế tắc không lối thoát. Sự bất an, đời sống khó khăn, đơn điệu, những thói quen sinh hoạt văn hóa cộng đồng ít dần làm người ta mất cảm xúc… Những giá trị tốt đẹp bị triệt tiêu từ từ, thay bằng sự hào nhoáng phô trương của trang phục, đồ dùng tỷ lệ nghịch với văn hóa sống…


Nguyễn Thị Thu Huệ kể rằng luôn nhớ mãi về một buổi chiều ở Thụy Điển, vào cuối mùa xuân. Chị và một người thân ngồi trên ghế đá, trước mặt là một ngã tư nhỏ. Bên này đường, có chiếc cột nháy số điện tử để đếm những chiếc xe đạp chạy qua. Bên kia, trên vỉa hè, có một cái bơm xe đạp. Rất nhiều người, đủ mọi lứa tuổi, đi một mình hay đi cùng nhiều người đã đạp xe qua ngã tư đó. Những con số đếm tăng nhanh. Nhiều người dừng lại bơm căng thêm lốp xe và đi tiếp. Những tiếng cười, những câu đối thoại, tiếng ai hát lẫn trong tiếng nhạc đường phố. Ba tiếng ngồi lặng. Và chị đã nghe được hơi thở đời sống ở nơi ấy, sự thanh bình, thói quen sống văn minh, và trùm lên tất cả, là ý thức công dân - cái mà đất nước chúng ta đang thiếu một cách sâu sắc.

Hơn 20 năm cầm bút, Nguyễn Thị Thu Huệ đã tạo dựng được phong cách riêng và đặc biệt, chị khá có “duyên” với các giải thưởng: Giải nhất Cuộc thi Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải A Cuộc thi tiểu thuyết và truyện ngắn Hà Nội, Giải thưởng Tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền phong, Giải thưởng Hội nhà văn với tác phẩm “Hậu thiên đường”. Mới đây nhất tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng” đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2012.


“Hôm qua xe bus của thằng cháu tôi, đỗ một chỗ đợi, có bà tự lao vào đuôi xe, nằm trong đấy. Đúng lúc thằng bé nổ máy chạy đi thế là cán nát bươm. Chết gì như tự tử ấy…”.


“Tối qua… có con bé giận mẹ, cầm dao trong túi quần đi tự tử… Nó điên lên, rút ngay dao đâm bị thương mấy người rồi nhảy xuống lao đầu vào ô tô tải”.


“Giá rau muống lên rồi, mà rau thì toàn hóa chất, đàn vịt nhà tôi, mới hôm kia lăn ra chết vì ngộ độc rau muống sống…”.


Một bà tự lao vào đuôi xe - một con bé cầm dao trong túi quần đi tự tử - đàn vịt lăn ra chết ngộ độc rau muống… Các sự kiện trồi lên rồi lại chìm đi - chẳng liên quan tới nhau, chỉ hiện ra khi ta nhìn nó và lại biến đi khi ta nhìn chỗ khác. “Thành phố như người đông máu, vô cảm dửng dưng…”.


Khám phá cuộc sống mỗi ngày


Đọc truyện của Thu Huệ bây giờ thấy chị đã ít nhiều đổi thay so với thời “Hậu thiên đường”. Chị từng thừa nhận rằng mình là một phụ nữ “không dễ chơi”, cuộc sống đối với chị ngày ấy còn có phần u ám nhưng giờ đây người đàn bà đẹp viết văn đã có những xúc cảm yêu đời với một tình yêu giản dị mà chị hằng mơ ước. Tuy được mệnh danh là một nhà văn đẹp nhưng bản thân chị lại cho rằng mình được mọi người ưu ái và quý mến, chưa bao giờ chị ý thức về những năm tháng trôi qua sẽ ảnh hưởng thế nào đến hình thức của mình. Chị luôn hài lòng với những gì mình có. Chị nói rằng, càng sống, càng đi lại nhiều, càng thấy mình thay đổi. Quan trọng nhất là giá trị đích thực của cuộc sống được chị khám phá không ngừng mỗi ngày, cảm nhận rõ sự vô cùng vô tận của đời sống này. Từ những cảm nhận hàng ngày, văn chương cũng vô thức mà thay đổi.


Đã có một thời gian chị rời khỏi Hà Nội để “di trú” vào Sài Gòn và đi các nước. Đến mỗi một nước chị thường ở lại khá lâu vì theo chị, đấy là một thói quen từ nhỏ. Di chuyển liên tục cho chị cảm giác mới mẻ, yêu quý hơn những nơi mình đã đi qua. Vào Sài Gòn sống mấy năm thực ra là với chị là về quê. Họ nội của chị sống dọc từ Sài Gòn tới mũi Cà Mau, nên việc thay đổi nơi ở với mọi người có thể là lớn, nhưng với chị thì bình thường. Hơn nữa, với người viết, việc có nhiều nơi chốn để mình gắn bó, yêu thương và nhớ nó khi chia tay luôn là những cảm xúc quý giá.


Những năm xa Hà Nội, chị thấu hiểu cảm xúc người Hà Nội xa quê là thế nào. Và ngược lại, bây giờ khi sống hẳn ở Hà Nội, lại nao lòng nhớ những chiều mưa bất chợt, những cơn gió mang mùi biển và hương thơm của trái cây Sài Gòn. Di chuyển, với chị, là sự nuôi dưỡng tinh thần, giữ gìn cảm xúc và cảm giác bình yên cho riêng mình.


Dương thị Thùy Chi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN