Nhà văn Hồ Phương: 'Vui vẻ là tính trời cho'

Nhà văn Hồ Phương (ảnh), tác giả của “Cỏ non”, “Thư nhà”… là nhà văn Quân đội đầu tiên được phong tướng. Đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, các tác phẩm của nhà văn Hồ Phương hầu như đều gắn với thời kỳ oanh liệt sôi nổi ấy.


 

“Chủ bút” của tờ báo “Con bò lười”


Những ai gặp nhà văn Hồ Phương đều không khỏi ngạc nhiên khi biết năm nay ông đã 83 tuổi; bởi nhìn ông vẫn rất nhanh nhẹn, tinh tường, nói cười hào sảng, dí dỏm, vô cùng hồn hậu. Dường như tuổi tác không khuất phục được ông. Nói chuyện cùng ông, lúc nào người đối diện cũng nhận thấy nụ cười tươi, khi câu chuyện được khơi đúng nguồn, ông nói liên tục không nghỉ với chất giọng trầm ấm, giàu nội lực. Tôi không hiểu ông lấy ở đâu nguồn sinh lực dồi dào ấy để có thể bền bỉ với nghiệp văn, đi qua hai cuộc kháng chiến rồi trở về với đời thường đầy hứng khởi và khỏe mạnh đến thế.


Nhà văn Hồ Phương kể rằng, ông yêu văn học từ nhỏ do ảnh hưởng từ hai anh trai mình, trong đó, anh trai Nguyễn Văn Côn, từng là tình báo viên thời chống Pháp, hoạt động trong nội thành Hà Nội ra Hà Đông, hy sinh khi 25 tuổi, ảnh hưởng nhiều tới ông nhất. Những câu chuyện văn học Pháp như Ba người lính ngự lâm, thơ của Alphonse de Lamartine, tiểu thuyết của Victor Hugo,.. do anh trai kể đã hấp dẫn cậu bé Hồ Phương một cách tự nhiên đầy ma lực. Khi học lớp Nhất trường Bưởi ông đã viết văn, được phong làm “chủ bút” của tờ báo “Con bò lười” chuyên viết những câu chuyện hài hước, dỉ dỏm của lớp.


Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã khơi gợi cho ông, dù lúc ấy vẫn đang tuổi niên thiếu, nguồn cảm hứng sáng tác, định hướng cho ông là một công dân nên sống như thế nào, tương lai nên đi về đâu. Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, Hồ Phương khi ấy mới 16 tuổi lên đường đi bộ đội. Từ đó, trên mỗi bước đường hành quân, những năm tháng chiến trận đầy oanh liệt đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong các sáng tác của Hồ Phương.
Nhà văn - người lính

Nhà văn Hồ Phương tên thật là Nguyễn Thế Xương. Tôi hỏi ông, bút danh Hồ Phương là thế nào vậy? Ông tủm tỉm bảo rằng, đơn giản thôi, tên ấy được ghép từ tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ông rất ngưỡng mộ cụ Hồ) và tên của một cô bạn gái xinh xinh mà ông thích thời đi học.


Nhà văn Hồ Phương kể rằng, thực tế kháng chiến là chất liệu chính trong các tác phẩm của ông. Những năm tháng hành quân, sự trưởng thành của người lính khiến cho tay bút của ông ngày càng chắc chắn, vững vàng. Ông viết về cuộc kháng chiến gian khổ, viết về Điện Biên Phủ, viết về các cô dân công, những em bé mất cha mẹ được hết người này đến người kia nuôi và họ trở thành những bà mẹ tập thể, những câu chuyện xúc động về người vợ bị giặc hãm hiếp,… Thư nhà (truyện ngắn, 1948), Là cờ chuẩn đỏ thắm (truyện, 1957), “Cỏ non” (truyện ngắn, 1960), Nhằm thẳng quân thù mà bắn (truyện, 1965), Chúng tôi ở Cồn Cỏ (Ký sự, 1966),… là những tác phẩm gắn với thực tế kháng chiến, gắn với mỗi vùng đất và con người nơi ông từng đi qua.


Qua những sáng tác của ông, người đọc nhận ra một Hồ Phương luôn nặng lòng với từng số phận con người, nhất là những con người ông từng sống, từng gặp trên mỗi bước đường hành quân. Xuyên suốt các tác phẩm của ông là tính nhân văn, sự cảm thông sâu sắc những con người ở hậu phương, những người vợ, người mẹ, những người âm thầm lặng lẽ phía sau cuộc chiến đầy khốc liệt. Ông cũng là người chồng đi kháng chiến và ông hiểu sự mất mát, thiếu thốn, hy sinh thầm lặng ấy to lớn như thế nào.


“Cho đến giờ, khi nhắc lại các tác phẩm của mình, không thể không nhắc đến Thư nhà (tác phẩm gây được tiếng vang rất lớn trong sự nghiệp viết văn của Hồ Phương). Đó là câu chuyện xúc động về một đôi vợ chồng. Người vợ bị giặc hãm hiếp, cô ấy đã phải trốn chạy, người chồng đi tìm vợ trong đêm trăng, nhưng không phải để trách móc. Câu chuyện được hư cấu, vì thực tế, nhiều gia đình tan vỡ vì người chồng không thể vượt qua những ám ảnh dù lỗi ấy không do vợ mình gây ra. Đây là cái khốc liệt của chiến tranh. Nhiều người vợ chung số phận như thế, nhưng tôi viết Thư nhà vì mong những cách nhìn khác nhân văn và chia sẻ”, ông nói.


Càng về sau, sức viết của Hồ Phương càng dồi dào, ông không chỉ viết ký, truyện ngắn mà viết nhiều tiểu thuyết như: Kan Lịch (1967), Những tầm cao (2 tập, 1972), Biển gọi (1980), Bình minh (1981), Mặt trời ấm sáng (1985), Chân trời xa (1985), Cánh đồng phía Tây (1994). Trong vòng năm đến bảy năm gần đây, ông cho ra mắt thêm bốn tiểu thuyết dày dặn: “Yêu tinh”, “Ngàn dâu”, “Những cánh rừng lá đỏ”, “Cha và con”. Trong đó, hai tiểu thuyết “Ngàn dâu”, “Những cánh rừng lá đỏ” đã mang lại cho ông giải thưởng cao quý - Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2012).
“Trong hai tiểu thuyết này, thì “Ngàn dâu” đến giờ vẫn ám ảnh tôi (tiểu thuyết “Những cánh rừng lá đỏ” viết về chiến tranh biên giới năm 1950). Đó là câu chuyện của một thanh niên trí thức Hà Nội gặp những rắc rối, bị hiểu lầm, có lúc phải bỏ đơn vị, chạy về phía bên kia; nhưng khi bị địch bắt thì sâu thẳm con người của đất Việt trong anh lại trỗi dậy. Và điều tôi muốn nói đến ở đây là “lòng yêu nước rất Việt Nam”, yêu nước không tuyên bố, không nói lớn, tình yêu ấy âm thầm nhưng mạnh mẽ vô cùng, bền bỉ vô cùng”, nhà văn Hồ Phương nói.


Sẽ viết tiểu thuyết về vợ mình


Trong sự nghiệp viết văn của mình nhà văn Hồ Phương có trên dưới 40 tác phẩm, nhưng tôi hỏi ông đã viết những tác phẩm nào thì nhà văn lắc đầu bảo ông chẳng nhớ hết. Có truyện ngắn ông còn không nhớ là mình đã từng viết cho đến khi có người nhắc lại. “Một lần, NSND Đình Quang gặp tôi (năm nay NSND Đình Quang cũng ngoài 80), ông ấy lẩm nhẩm: “Chị Bích Chân Cầm, chị Bích tóc mây” khiến tôi giật mình. Thì ra có người vẫn nhớ đến truyện ngắn ấy của tôi, mà bản thân tôi trong tay đến bản thảo của truyện ngắn này cũng không còn giữ. Sau này, một người bạn là Nguyệt Tú đã cho tôi mượn lại, bà ấy nói, không được lấy của bà ấy đâu đấy, vì bà ấy chỉ có mỗi quyển truyện ấy”. Truyện ngắn này ông rất thích, đấy là truyện ngắn “Hà Nội nơi xa”, viết về cô gái ở phố Chân Cầm có tài pha trà rất ngon, cô có mái tóc dài đen óng ả, mặc áo trắng, hay chạy chân trần, gót chân hồng màu cánh sen rất đẹp.


Bây giờ, nhà văn Hồ Phương dự định dành thời gian viết truyện về vợ mình, vợ ông đã mất cách đây hai năm, ông nói “đương nhiên đó phải là tiểu thuyết chứ”. “Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình chưa thông cảm được hết cho vợ. Bà ấy vốn là con nhà khá giả ở Hà Nội thời bấy giờ. Tôi đi bộ đội hết năm này qua tháng khác, mình bà ở nhà, nuôi bốn đứa con bằng đồng lương chết đói, bao nhiêu tem phiếu để mua vải cũng đem bán hết. Khi tôi đi B về, nhìn thấy vợ gầy đen, mặc quần lụa đen đã bạc màu, gấu quần bị xích cắn (đi xe đạp mà), đội nón lá, trông thương lắm”, nhà văn rưng rưng nói.


Ngồi nghe nhà văn Hồ Phương nói về dự định của mình mới thấy sức viết của ông thật đáng nể (trên 60 năm cầm bút). Viết với ông luôn là nhu cầu tự thân, dù là lúc chiến tranh hay thời bình. Có lẽ, con người văn chương của đất Hà thành với những nét bút tinh tế, sâu sắc, đậm tính nhân văn lại được tôi luyện trong môi trường của người lính đã làm nên con người của Hồ Phương sức sống-sức viết dẻo dai, tràn đầy nhiệt huyết và lạc quan. Vì thế, khi tôi hỏi, tại sao ông có thể viết khỏe thế ở tuổi này (ông sinh năm 1930), ông cười nói rằng bởi trời cho ông tính vui vẻ, đi qua hai cuộc chiến mà không khi nào thấy bi quan, thì tôi tin là ông nói thật.



Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN