Nhà giáo - vị tướng được dân mến mộ

Cách đây 173 năm (1840) tại làng Cách Bi (Quế Võ, Bắc Ninh) nơi hạ lưu sông Đuống, một con người được sinh ra, khi lớn lên trở thành một nhân cách lớn: Nguyễn Cao, nhà giáo/vị tướng hết mình vì sự tồn vong của dân tộc.


Nguyễn Cao xuất thân trong một gia đình hiếu học, đỗ đạt làm quan thanh liêm chính trực. Năm 27 tuổi, ông thi đỗ đầu khoa Đinh Mão (1867) nhưng không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học. Năm 1873, ông chiêu mộ được hơn 1.000 nghĩa dũng (chủ yếu là học trò) đánh đồn Pháp ở Gia Lâm, vượt sông Đuống giải phóng phủ Thuận Thành. Năm 1875 triều đình mời ông cầm quân dẹp phỉ ở vùng Bắc Giang. Thắng lợi, ông được điều về làm tri huyện Yên Dũng, một nơi đang rất nhiễu nhương.

 

Đền thờ Nguyễn Cao tại thôn Cách Bi (đông), xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TL


Tại đây, nhân dân truyền miệng về ông: “Tặc úy như thần, dân thân như phụ” (giặc sợ như thần, dân quý như cha). Ông chăm lo an dân, ổn định đời sống trong vùng, ông cho mở trường học ở Hương Tảo (Yên Dũng, Bắc Giang ngày nay). Năm 1877, do có công, ông được phong làm Tri phủ Bắc Ninh. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, ông từ quan về nhà dạy học. Đến năm 1880 triều đình lại ép ông ly hương, làm quan Án sát tại Nam Định.


Nghĩa lớn, lòng nhân


Năm 1881, Nguyễn Cao dâng “13 chước nên làm” lên vua Tự Đức, xin đi khẩn hoang lập đồn điền ở vùng biên giới. Một vùng đất rộng Cao Bằng, Thái Nguyên được đội quân của ông cùng dân địa phương khai hoang ruộng nương, lập làng bản. Ông được phong chức Bố chánh ở Thái Nguyên. Ông lại xin triều đình khai khẩn vùng Nhã Nam, Yên Thế (Bắc Giang) tạo nên một khu căn cứ kháng chiến. Trong thời gian này, ông làm được một việc hiếm thấy: bảo lãnh, giáo hóa số tù trọng án của năm tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, theo cách xóa án tại chỗ, biến họ thành nông dân khai hoang, lập gia đình, lập làng bản mới. Ngày nay, nhiều làng ở Quảng Tiến (Tân Yên, Bắc Giang) còn đền thờ tưởng nhớ công lao và tấm lòng nhân hậu của ông.


Khi hay tin Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết ở thành Hà Nội, ông lập tức chiêu mộ các nghĩa dũng kéo về Bắc Ninh, chỉ huy chặn quân Pháp ở Gia Lâm. Ông là một trong số các tướng lĩnh can trường của vùng Kinh Bắc, dũng cảm chỉ huy quân chặn đứng bước tiến của giặc Pháp. Căn cứ Đồn Thủy đương thời được coi là nhượng địa bất khả xâm phạm của chúng, cũng bị nghĩa binh của ông tiến công, nức lòng dân.


Chiều ngày 13/5/1883, trong trận đánh ác liệt chống quân Pháp, Nguyễn Cao bị một mảnh đạn pháo vào bên ngực trái rất nguy hiểm, song ông vẫn giữ vị trí chỉ huy đến cùng. Triều đình thưởng ông 20 lạng bạc và đưa ông về ngôi chùa ở xã Đại Phúc chữa bệnh. Tại nơi dưỡng thương, ông vẫn một lòng một dạ nghĩ đến nghĩa binh, nghĩ đến đồng bào. Ông đã dành cả 20 lạng bạc in sách thuốc Hải Thượng Lãn Ông, phân phát đi các nơi, để các thầy thuốc sử dụng chữa bệnh cho dân.


Can trường, yêu nước


Hiệp ước Ac/mang 25/8/1883 ghi nhận sự đầu hàng nhục nhã của triều đình nhà Nguyễn, không làm Nguyễn Cao nhụt chí chống quân xâm lược. Nếu thời trai trẻ ông ngược xuôi tầm sư học đạo (vào Thanh Hóa học thầy Cát Ngạn Tiên Sinh, lên Sơn Tây học thầy Ngô Phùng, xuôi Nam Định học thầy Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị…) thì giờ đây trước cảnh nước mất nhà tan, mặc dù tuổi tác, ốm yếu thương tật, ông vẫn có mặt khắp nơi trong tỉnh Bắc Ninh, rồi đến Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định vận động liên kết “Tam tỉnh Nghĩa Đoàn” chống Pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề. Suốt những năm từ 1883 đến 1887 nhiều trận đánh quả cảm, nhiều thắng lợi của nhân dân ta gắn liền với tên tuổi và uy tín của ông. Giặc Pháp mở phiên tòa vắng mặt ông, kết án tử hình, treo giải lớn cho kẻ giúp chúng bắt được ông.


Trong vòng vây của giặc, ông nhiều lần thoát hiểm, vì được nhân dân che chở. Ông giả làm sư, dạy học. Mật thám lần theo dấu vết của ông. Nhiều người dân vùng chùa Kim Giang bị giặc bắt bớ đánh đập tàn bạo nhưng không ai khai ra nơi trú ngụ của ông. Không muốn để vì mình mà nhiều người dân bị họa, ông đã ung dung xuất hiện trước mặt giặc và mắng chúng “Dân có tội gì mà các ngươi đánh đập họ? Muốn bắt ta, thì ta đã đến đây”. Hôm ấy là ngày 27/3/1887.


Nửa tháng tiếp theo, sau nhiều thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc Nguyễn Cao không thành, giặc đưa ông ra công đường luận “tội”, với ý đồ hạ uy thế của ông trước dư luận. Bình tĩnh can trường như khi chỉ huy quân ngoài mặt trận, ông đanh thép kết tội bọn Pháp xâm lược và bọn tay sai hại dân, rồi tự tay đưa con dao rạch bụng mình, moi ruột thể hiện khí phách kiên cường của người dân Việt Nam yêu nước bất khuất. Ngày 14/4/1887 giặc Pháp bêu đầu ông tại Hồ Gươm, Hà Nội, hòng làm lung lạc ý chí của đồng bào ta. Bất chấp nguy hiểm, sau khi giải thoát cho ông không thành, nhân dân và các đồng chí của ông đã cướp xác ông, tổ chức tang lễ long trọng. Các bài trướng, câu đối của các sĩ phu yêu nước tỏ lòng kính trọng, thương xót ông, xếp chật ba gian nhà. Bài khóc ông của Tôn Thất Thuyết có câu: Nổi tiếng can đảm hơn đồng liệt/tiếng ông Cách Bi trội hơn hết... Bài của Nguyễn Quang Bích, Ngô Quang Huy là nỗi niềm của những thủ lĩnh đương thời đã cùng ông sát cánh, chan chứa mà đanh thép: Sấm động ngang trời hồn trung vang muôn thủa, mưa tuôn mặt đất lệ sầu như tắm ba quân.


Tình cảm của nhân dân đối với ông thật sâu đậm. Trong nhân dân còn ghi lại nhiều giai thoại, nhiều bài thơ ca ngợi ông. “Nguyễn Cao rất mực anh hùng, lưỡi dao trắng nhuộm máu hồng lòng son”. Những nơi có đền thờ ông, nhân dân treo những câu đối thể hiện lòng kính trọng tột bậc đối với ông.


Nguyễn Cao để lại hơn một trăm bài viết. Bài nào cũng thể hiện tình cảm dạt dào của ông với dân với nước nói chung, với học trò nói riêng. Dương Bá Trạc, người thà chết chứ không hợp tác với giặc Nhật, từng khóc đầm đìa khi may mắn được đọc những nét chữ di cảo của Nguyễn Cao, thì nhận định: “Từ xưa đến nay, anh hùng hào kiệt đời nào cũng có, nhưng chưa thấy ai can đảm kỳ, chí khí kỳ, tiết liệt kỳ và xử trí cảnh ngộ kỳ như Trác phong Nguyễn Cao”.


Bích Thực

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN