Người sở hữu số bản Kiều Nôm lớn nhất Việt Nam

Những pho tượng bằng đất nung kỳ lạ được trưng bày trong tủ, trên giá gỗ, ở vách tường là những đồng tiền xu được treo lửng lơ cùng với những cuốn sách chữ Hán – Nôm cổ bằng giấy dó... Chủ nhân của “kho” đồ cổ “khủng” này là thầy lang Nguyễn Khắc Bảo, Chi hội trưởng di sản thành phố Bắc Ninh - người đã nổi tiếng vì thú chơi đồ cổ hàng chục năm nay ở Bắc Ninh.

52 bản Kiều Nôm cổ

Ông Bảo sinh năm 1947, trong một gia đình 5 đời làm nghề thuốc đông y gia truyền ở Bắc Ninh. Khi trưởng thành, ông theo nghề sư phạm và trở thành thầy giáo dạy Toán ở trường Sư phạm I (tỉnh Hà Bắc cũ) rồi chuyển về dạy một trường phổ thông ở Bắc Ninh. Năm 1989, khi Nhà nước có chủ trương giảm biên chế, ông xin nghỉ mất sức sau 26 năm công tác trong ngành giáo dục, trở về với nghề thuốc đông y. Vốn từ bé ông đã được các cụ dạy cho một “mớ” chữ Hán, khi nghỉ dạy học trở về với thầy thuốc đông y ông bắt đầu học lại chữ này. Ông cho rằng: Nghề thuốc đông y có hai loại truyền dạy, một loại truyền bằng miệng, nhớ trong đầu, nhập tâm rồi cứ thế mà làm. Loại thứ hai là đông y ghi chép bằng chữ Hán – Nôm những bài thuốc chữa bệnh. Trong sách thuốc các cụ để lại, nửa trên cuốn sách các cụ viết bằng chữ Hán, nửa dưới viết bằng thơ Nôm lục bát. Do đó, muốn hiểu hết được những bài thuốc, vị thuốc trong đông y thì phải hiểu biết chữ Hán – Nôm.

Ông Nguyễn Khắc Bảo và những bản Kiều Nôm cổ. Ảnh: Thái Hùng-TTXVN


Vốn có “chất” của một thầy giáo dạy Toán, đòi hỏi ông cẩn trọng trong việc khám, bốc thuốc cho người bệnh khi làm thầy thuốc nên ông học lại chữ Hán – Nôm để đọc thấu những sách thuốc cha ông để lại. Rất may, trong số sách các cụ để lại có bản Kiều chữ Hán - Nôm (sách có khoảng từ thế kỷ 19), ông dùng bản Kiều chữ quốc ngữ đối chiếu chữ với bản Kiều chữ Nôm để học chữ Nôm. Không có thời gian để học bài bản vì nghỉ bán thuốc là “đói”, ông vừa học vừa làm. Ông bảo: Khi đã biết được chữ Nôm, đọc và hiểu rõ sách thuốc thì làm thuốc, bốc thuốc chỉnh chu, hiệu quả hơn rất nhiều.
Năm 1990, ông bắt đầu sưu tầm bản Kiều Nôm cổ để đối chiếu so sánh, khảo cứu với bản truyện Kiều chữ quốc ngữ. Ông nhận thấy có nhiều chữ được dịch không sát. Vậy là cứ nghe thông tin ở đâu có sách Kiều Nôm cổ là ông tìm đến hỏi mua, không bán thì ông mượn phôtô lại. Sau nhiều năm sưu tầm, đến nay ông Bảo đã có trong tay 52 bản Kiều Nôm cổ, trong đó 22 bản gốc và 30 bản phôtô. Ông trở thành người có bản truyện Kiều Nôm lớn nhất cả nước. Với “kho” Kiều Nôm này, ông tái lập lại nguyên tác trong truyện Kiều với việc sửa 918 chữ ở 701 câu Kiều cổ trước khi được Hội đồng giáo dục thẩm định và cho xuất bản, đăng ký bản quyền. Tháng 8/2009, bản truyện Kiều hướng tới phục nguyên, khảo đính và chú giải của Nguyễn Khắc Bảo đã được in tại Nhà Xuất bản Giáo dục.

Không xây được nhà vì thú chơi  tiền cổ, tượng cổ

Từ khi thông thạo chữ Hán, chữ Nôm, một số “tay chơi” đồ cổ ở thành phố thi thoảng lại tìm đến ông Bảo để nhờ đọc chữ trên bức hoành phi hay cái đĩa, cái bát có chữ để tìm hiểu niên đại và ý nghĩa của đồ cổ. Có người đào được cả chum tiền xu mang đến nhờ ông đọc và dịch chữ khắc trên đồng xu để biết giá trị của đồ vật. Xong việc, người ta biếu quà, ông không nhận chỉ xin một nắm tiền cổ. Từ đó, ông bắt đầu sưu tầm tiền cổ, hễ cứ thiếu đồng tiền của từng đời ông lại tìm để mua bổ sung vào bộ sưu tập. Theo chân ông Bảo lên gác 2, trong căn phòng vẻn vẹn chưa đầy 20 m2, trên giá đỡ, từng ngăn đầy ắp những vỉ, cặp chứa những đồng tiền xu cổ và những pho tượng đất nung. Giở từng cặp, ông giới thiệu cho chúng tôi từng loại đồng tiền xu ở các thời kỳ của nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam được đánh chữ cẩn thận. Tiền xu cổ Việt Nam có từ đời Đinh, tiền Lê đến đời Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn... tiền giấy từ những năm 1946 cho đến nay và những đồng tiền xu cổ Trung Quốc có từ thời nhà Tần, Minh, Thanh, Tống, Nguyên... cùng một số đồng tiền của các nước Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Ôxtrâylia có từ thế kỷ 18 – 19. Tổng hợp lại có đến hàng vạn đồng tiền cổ với hàng trăm loại khác nhau ông sưu tầm được.

Xen lẫn những sách cổ, tiền cổ là trên 2.000 pho tượng các loại bằng đá, gốm sứ, trong đó chủ yếu là đất nung như rắn, khỉ, cá, cóc, kỳ lân... và pho tượng người Việt cổ có kích thước khoảng 20 cm trở lên với đủ các tư thế đứng, ngồi, cách biểu lộ cảm xúc đa dạng khác nhau trên khuôn mặt. Tất cả đều có điểm chung là sản phẩm của những đường nét nghệ thuật hồn nhiên, thô phác, những pho tượng hình người thì lộ vẻ hoang dã, phô trưng các bộ phận trên cơ thể mang đậm tính tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ xưa kia. Ông Bảo cho biết, đây là những tượng ông mua được từ những người đào thấy khi làm nhà. Có người làm gạch đào đất tìm thấy ở bãi phù sa sông Đuống, có khi là vùng Chí Linh - Hải Dương tìm được mang đến bán cho ông. Pho tượng rẻ nhất ông mua với giá vài trăm nghìn đồng cho đến những pho tượng ông mua với giá từ 5 - 10 triệu đồng. Bởi vậy mà bao nhiêu tiền kinh doanh từ nghề thuốc đông y, ông “nướng” hết vào thú chơi đồ cổ. Đến nỗi, căn nhà 3 tầng quá chật hẹp và cũ kỹ nhưng hiện cả gia đình đang ở cũng không có tiền để xây mới.

Thái Hùng – TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN