Chính thức mở cửa cho công chúng từ ngày 12/3, khu vực triển lãm mới “Thế giới Tương lai” với diện tích 1.500 mét vuông khéo léo dẫn dắt khách tham quan vào
thế giới nghệ thuật đương đại bằng thứ ngôn ngữ của công nghệ cao. 15 khu vực triển lãm thuộc “Thế giới Tương lai” là 15 khía cạnh để khách tham quan hòa mình vào sự giao thoa của nghệ thuật, khoa học và những câu chuyện đầy ý nghĩa nhấn mạnh mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Nếu con người có thể mang lại sự sống cho thế giới sinh vật, để chúng bước ra từ những hình vẽ vô tri vô giác trên những trang giấy trắng tại thành phố hay đại dương phác họa một cách vô cùng sống động, thì cũng chính con người có thể đặt dấu chấm hết cho tự nhiên tại vương quốc của ngàn hoa và bươm bướm...
Khách tham quan hòa mình vào không gian của những chiếc hộp ma thuật đầy sắc màu. |
Một trong những điểm nhấn mang tính mới lạ của “Thế giới Tương lai” là du khách có thể “giao tiếp” với các tác phẩm nghệ thật số ấn tượng tại đây và để lại dấu ấn của chính mình tại bảo tàng. Một cái chạm tay, một bước chân dẫm... đều làm thay đổi không gian bên trong. “Khi nhắc đến nghệ thuật, mọi người thường nghĩ đến những bức tranh treo tường hay các tác phẩm điêu khắc. Nhưng chúng tôi sử dụng công nghệ để tạo ra một thế giới để người tham quan có thể tương tác trực tiếp và thấy vui vẻ”, cô Noriko Taniguchi, thành viên của nhóm teamLab chia sẻ.
Nói như bà Honor Harger, giám đốc điều hành của bảo tàng, đặt trong bối cảnh “người ta không muốn nghệ thuật”, “Thế giới Tương lai” đáp ứng hoàn hảo chức năng là sân chơi đúng nghĩa của gia đình để kích thích trí sáng tạo. “Một trong những mà dự án nhắm tới là trẻ em. Chúng tôi không muốn một không gian nghệ thuật thú vị với người lớn nhưng lại buồn chán với trẻ. Với không gian này, trẻ sẽ luôn luôn được khám phá, nghệ thuật sẽ xích lại gần hơn với mọi người và gần hơn với trẻ... để góp phần tạo ra những thế hệ tương lai biết sáng tạo và thấy hạnh phúc”, cô Noriko cho biết thêm.
Đứa con tinh thần “Thế giới Tương lai” của nhóm teamLab đến từ Nhật Bản cũng là cách tập hợp các nghệ sĩ, lập trình viên, kĩ sư, nhà đồ họa, toán học, kiến trúc sư, thiết kế và biên tập viên định nghĩa lại cách làm và cách hiểu nghệ thuật. Sự kết hợp của những nguồn kiến thức khác nhau trên các lĩnh vực hoạt hình, âm thanh, biểu diễn, Internet, thời trang và thiết kế là cơ sở để các nghệ sĩ cùng nhau tạo nên sự đột phá và hướng đến thứ nghệ thuật số hứa hẹn trở thành xu hướng của thế giới tương lai.
Theo đúng dòng chảy trải nghiệm sự giao thoa của nghệ thuật, khoa học và công nghệ, “Thế giới Tương lai” được Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật Singapore đánh giá mở ra một chương mới trong sự phát triển của bảo tàng, đồng thời được kỳ vọng góp phần thay đổi hình hài của các cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại tại đảo quốc sư tử.
“ ‘Thế giới Tương lai’ là một bước tiến lớn với chúng tôi trong việc xây dựng thương hiệu là một trong những cơ sở văn hóa tiên phong hàng đầu của châu Á... Đây là nơi chúng tôi chứng kiến những ý tưởng mới nảy mầm, cũng đồng thời là địa chỉ nơi tương lai được thành hình. Sự kết hợp mượt mà teamLab mang đến trong phong cách diễn tả nghệ thuật, sự khéo léo của công nghệ... phù hợp với sứ mệnh của chúng tôi”, bà Harger cho hay.
Theo bà, giáo dục là một trong những khía cạnh được chú trọng với thông điệp một thế giới tốt đẹp hơn cần một mối quan hệ cộng sinh bền vững giữa con người và tự nhiên. Tuy nhiên, bà Harger cho hay, cá nhân bà, bảo tàng hay nhà sáng lập của teamLab ông Toshiyuki Inoko không triển khai “Thế giới Tương lai” theo hướng khiến du khách cảm thấy bị nhồi nhét bởi họ không đến đây để “bị giáo dục”.
Công nghệ là một thế mạnh của “Thế giới Tương lai” nhưng các nhà làm nghệ thuật cũng không đặt ra mục tiêu khiến du khách choáng ngợp bởi xét đến cùng, công nghệ cũng chỉ là một thứ phương tiện để diễn đạt nghệ thuật. “Tôi không muốn du khách đi vòng quanh và trầm trồ đếm xem họ thấy bao nhiêu cái máy chiếu, họ thấy bao nhiêu cái máy cảm biến. v.v. Nếu quả như vậy thì chúng tôi đã làm sai mất rồi”, bà Harger chia sẻ.
Khi nghệ thuật và khoa học vẫn không ngừng phát triển, “Thế giới Tương lai” sẽ tiếp tục vận động và tự làm mới bản thân theo thời gian cùng với sự góp sức của khách tham quan. “Chúng tôi muốn tạo ra một bảo tàng luôn tươi mới và những người đã từng đến thăm vẫn sẽ quay trở lại bởi không gian bên trong luôn thay đổi. Và đây là bảo tàng dành cho tất cả mọi người. Tôi tin rằng khu vực triển lãm mới này sẽ là sự báo hiệu của một kỷ nguyên nghệ thuật số”, bà Harger tự hào nói.