Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm - người nặng lòng với rối nước truyền thống

Sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống theo nghệ thuật múa rối nước, cùng tình yêu với nghệ thuật múa rối, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm đã tự tìm cho mình một con đường riêng để phát triển và lan tỏa nghệ thuật độc đáo này ra thế giới.

Khám phá nghệ thuật rối nước tại gia

Chú thích ảnh
Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm giới thiệu mô hình con rối do anh chế tạo.

Ngôi nhà nhỏ trong ngõ 338, đường Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) của nghệ sỹ Phan Thanh Liêm thường xuyên đón khách ghé thăm. Rất nhiều khách du lịch được các công ty lữ hành đưa đến, vừa để chiêm ngưỡng bảo tàng rối nước của gia đình nghệ sỹ , vừa tìm hiểu và thưởng thức các tiết mục múa rối hấp dẫn.

Bước chân vào cửa, du khách đặc biệt ấn tượng với không gian trưng bày hàng nghìn con rối với đủ các nhân vật, từ chú Tễu, cô tiên, con rồng, lân, phượng, rồi đến những nhân vật hiện đại, như: xe mô tô, siêu nhân… Tại không gian biểu diễn trên tầng 4, trong tiếng nhạc rộn ràng, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm đã biểu diễn những tích trò quen thuộc của múa rối nước như: chăn trâu thổi sáo, đua thuyền, chọi trâu, múa rồng, đấu sư tử… tích trò nào cũng nhận được những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt tình từ khán giả.

Bên cạnh những tích trò cổ, nhiều khán giả đặc biệt ấn tượng với tiết mục biểu diễn đua xe ô tô, đua xe máy gây hậu quả nghiêm trọng tuyên truyền về văn hóa giao thông, hay tiết mục có chủ đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường sống...

Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm cho biết, khách du lịch đến sân khấu nhỏ của anh không chỉ để xem biểu diễn múa rối, họ còn có cơ hội tham quan bảo tàng trưng bày các con rối qua nhiều thế hệ của gia đình anh, những con rối được chế tác từ thời ông nội, thời bố anh và những con rối anh chế tác sau này. Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử múa rối nước, quy trình tạo tác ra những con rối và cách thức để những con rối hoạt động dưới nước. Nhiều du khách háo hức tự tay điều khiển con rối trong nước và họ vô cùng thích thú…

Chú thích ảnh
Một góc bảo tàng con rối của gia đình nghệ sỹ Phan Thanh Liêm.

Cùng với sân khấu ở Xã Đàn, năm 2017, nghệ sỹ Phan Tham Liêm đã cho ra mắt sân khấu nhỏ thứ 2 ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Cả hai cơ sở của anh đều hoạt động, đón khách thường xuyên. Sân khấu Khâm Thiên phục vụ khoảng 15 -16 người, còn sân khấu ở Thạch Bàn đón được khoảng 40 người. Vào mùa du lịch, có những ngày cao điểm, anh biểu diễn từ sáng đến tối.

Không chỉ biểu diễn tại nhà, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm còn mang sân khấu múa rối nước thu nhỏ đi biểu diễn khắp nơi. Anh đến các trường học, các trung tâm trẻ em tàn tật, đến cả những vùng sâu vùng xa. Không chỉ vậy, với sân khấu rối nước thu nhỏ, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm còn được rất nhiều tổ chức trên thế giới mời đi biểu diễn ở nhiều nước nước, như: Italy, Ba Lan, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... Những chuyến lưu diễn của nghệ sỹ Phan Thanh Liêm đã góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam với bạn bè thế giới.

Người sáng tạo ra sân khấu rối thu nhỏ

Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm kể, anh sinh ra trong một gia đình 7 đời biểu diễn múa rối nước ở thôn Trạch (Nam Chấn, Nam Trực, Nam Định) - một trong những cái nôi của sân khấu rối nước cổ truyền. Ông nội anh là nghệ sỹ Phan Văn Huyên, bậc thầy về nghệ thuật điêu khắc tạo hình rối nước truyền thống. Cha anh là nghệ sỹ Phan Văn Ngải - người góp công đào tạo nghệ thuật rối nước truyền thống cho nhiều thế hệ diễn viên của Nhà hát Múa rối nước Trung ương và ở các địa phương. Nghệ sỹ Phan Văn Ngải là người góp công nghiên cứu tạo ra nhiều trò rối nước, thiết kế thành công mô hình sân khấu múa rối nước di động. Nhà thủy đình di động do ông thiết kế nay vẫn được các nhà hát múa rối nước từ Trung ương đến địa phương sử dụng. Tác phẩm "Chú Tễu" hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp) do nghệ sỹ Phan Văn Ngải tạo tác. 

Chia sẻ lý do gắn bó với nghệ thuật múa rối nước, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm cho biết, từ nhỏ, anh đã xem các cụ làm con rối, rồi thường xuyên xem biểu diễn múa rối, vì vậy tình yêu nghệ thuật múa rối đã "ngấm" vào anh lúc nào không hay. Sau này, anh tham gia phường rối của địa phương, rồi tham gia hoạt động trong đoàn nghệ thuật múa rối nước của gia đình do cha anh thành lập.

Chú thích ảnh
Tiết mục Đua thuyền do nghệ sỹ Phan Thanh Liêm biểu diễn. 

Trong quá trình tham gia biểu diễn cùng gia đình, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm nhận thấy mô hình sân khấu múa rối nước vừa cồng kềnh, vừa khó di chuyển, không thích hợp với một đoàn biểu diễn có ít người theo kiểu gia đình. Những buổi biểu diễn dù đông khán giả đến xem nhưng vẫn không bù lại được chi phí phải bỏ ra, như: công vận chuyển, đồ nghề cồng kềnh, hao tốn nhân lực... khiến người làm nghề nản chí. Với suy nghĩ cần phải thay đổi, sau nhiều ngày trăn trở, anh đã mày mò nghiên cứu, cho ra đời mô hình rối nước thu nhỏ, với những cải tiến về thủy đình và con rối, thuận tiện cho những chuyến biểu diễn phục vụ khán giả ở xa. 

Mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ đầu tiên của nghệ sỹ Phan Thanh Liêm ra đời năm 2000, được trưng bày tại triển lãm nghệ thuật Vân Hồ, Hà Nội, có bể nước dài 80cm, rộng 50cm và những con rối được tạo tác cực nhỏ. Sau bước thử nghiệm ban đầu, năm 2001, anh tiếp tục cho ra đời sân khấu rối nước có kích thước lớn hơn, toàn bộ thủy đình và bể nước rộng khoảng hơn 1 mét vuông, chứa khoảng 2-3 mét khối nước, con rối cao nhất chỉ khoảng 20-30 cm, chỉ cần một người biểu diễn.

Mô hình sân khấu múa rối nước "mini" này vẫn giữ nguyên được những những yếu tố cơ bản của sân khấu rối nước truyền thống nhưng gọn nhẹ, cơ động hơn nhiều, rất tiện lợi khi di chuyển, phù hợp khi biểu diễn phục vụ khán giả ở những không gian hạn chế, chật hẹp, như: trường học, cơ quan, gia đình… Đồng thời, tiện lợi khi đi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là khi ra nước ngoài biểu diễn. Mô hình sân khấu thu nhỏ này kéo gần khoảng cách giữa sân khấu và khán giả, người nghệ sỹ biểu diễn và công chúng có cơ hội giao lưu, tìm hiểu kỹ hơn về nghệ thuật múa rối nước truyền thống của Việt Nam - nghệ sỹ Phanh Liêm cho biết.

Chia sẻ khó khăn khi vận hành sân khấu rối nước mini, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm cho biết, ở các nhà hát có nhiều người, mỗi người một khâu nhưng ở đây, anh tự làm tất cả, từ chế tạo con rối, sắp đặt sân khấu, biểu diễn, trò chuyện với khách, biểu diễn xong lại đi lau nhà cửa, đón khách… Vất vả là thế, nhưng anh rất vui khi thấy nghệ thuật múa rối được nhiều người yêu thích, ngày càng đến gần hơn với công chúng.

Sau hơn 20 năm thực hiện mô hình rối nước thu nhỏ, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm đã tạo dựng được một lớp công chúng riêng. Giờ đây, sân khấu rối nước mini của anh đã trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Ghi nhận tâm huyết của nghệ sỹ Phan Thanh Liêm với việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghệ thuật múa rối nước truyền thống, năm 2023, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc đã tôn vinh, trao tặng nghệ sỹ Phan Thanh Liêm Giải thưởng Đào Tấn - dành cho người sáng tạo, thực hành xuất sắc sân khấu múa rối nước thu nhỏ trong và ngoài nước hơn 20 năm qua. Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm chia sẻ, Giải thưởng Đào Tấn  tiếp thêm động lực để anh theo đuổi và gìn giữ nghệ thuật truyền thống, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay.

"Mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là, làm sao để truyền bá được nghệ thuật múa rối nước đến được với nhiều khán giả trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn và phát triển môn nghệ thuật múa rối nước độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam", nghệ sỹ Phan Thanh Liêm bày tỏ.

Bài và ảnh: Phương Hà (TTXVN)
Bảo tồn, quảng bá nghệ thuật múa rối nước truyền thống qua các lễ hội
Bảo tồn, quảng bá nghệ thuật múa rối nước truyền thống qua các lễ hội

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Lễ hội đền Trần năm 2023, Ban Tổ chức Lễ hội đã mời các đoàn múa rối nước trên địa bàn tỉnh Nam Định về biểu diễn các tiết mục để phục vụ người dân và du khách. Đây là một trong nhiều cách làm của tỉnh Nam Định để phần bảo tồn, gìn giữ giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN