Cây đàn tính 12 dây có thể chơi được nhiều làn điệu then, dân ca và múa.
Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng nghệ nhân Dương Văn Thục vẫn say mê lẩy tính và hát then. Cây đàn tính đã gắn bó với ông từ nhỏ, là nhạc cụ mà ông luôn mang bên mình mỗi khi có dịp lễ hội, tết. Khi còn là nhạc công của Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Thái (cũ), trong một lần sưu tầm những làn điệu then cổ của người Tày, tình cờ ông được biết truyền thuyết về cây đàn tính 12 dây.
Theo tích cổ, xưa có người con trai tên là Xiên Câm, tuổi đã ba mươi mà vẫn chưa lập gia đình riêng. Sống một mình buồn nên chàng xin Ngọc Hoàng làm cây đàn tính để khuây khỏa. Người trời cho giống bầu làm bầu đàn, cho gỗ mộc hương làm thân và dây tơ làm dây tính.
Chàng Xiên Câm đã làm ra cây đàn tính 12 dây từ những vật liệu đó. Khi tiếng tính cất lên, người dân quên ngủ, quên cả vụ mùa, bỏ bê công việc, không thiết làm gì. Biết chuyện, Ngọc Hoàng mới sai Pụt Luông xuống cắt đi 9 dây đàn để người dân thoát khỏi sự mê mẩn quay về với ruộng nương, đồng áng. Từ đó, đàn tính chỉ còn có 3 dây.
Nghệ nhân Dương Văn Thục chia sẻ: Tích xưa cây đàn tính có 12 dây, sao giờ chỉ có 3 dây, tôi nghĩ mãi không biết đàn 12 dây sẽ đánh như thế nào, tiếng có hay không. Từ đó tôi quyết tâm làm cho được cây đàn tính 12 dây.
Khi mới bắt tay vào làm, ông Thục gặp rất nhiều khó khăn. Ông mày mò, hỏng thì làm lại. Theo nghệ nhân Dương Văn Thục, đàn 12 dây đòi hỏi bầu đàn phải to hơn, tròn hơn, cần đàn bằng gỗ mộc hương tươi bằng phẳng, không được cong vênh. Làm đàn 12 dây không chỉ thiên về số lượng dây mà phải tính toán chi tiết làm sao cho cần đàn ngắn hơn thì độ vang khác, dài hơn thì độ vang khác.
Sau thời gian dài suy ngẫm, ông đã tìm ra hướng giải quyết khi chia dây ông để 6 dây lùi về phía bầu đàn, bằng cách này người chơi có thể thuận tiện khi dùng dây tính và đàn các bản nhạc khác hay đệm hợp âm. Cây đàn 12 dây giúp ông Thục có thể chơi được nhiều làn điệu dân ca khác nhau ngoài điệu then, thậm chí cả cho những bài múa.
Làm đàn 12 dây là ý tưởng mà nghệ nhân Dương Thục ấp ủ, mày mò hơn 20 năm nay. Đến nay, ông đã làm được 3 chiếc đàn, một chiếc đã được đưa vào Bảo tàng Bắc Kạn, một chiếc được một nhạc sỹ mang về Hà Nội, còn lại một chiếc ông sử dụng.
Anh Hoàng Ngọc Thấm, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Đến thời điểm này, nghệ nhân Dương Văn Thục là người duy nhất ở Bắc Kạn chế tạo và đánh được cây đàn tính 12 dây. Ông được người dân nơi đây gọi là “Vua tính tẩu”. Ông mong muốn truyền lại cho con cháu sau này để giữ gìn nét đẹp của cây đàn tính cùng với những làn điệu then.
Cây đàn tính cùng với những làn điệu then được người dân vùng hồ Ba Bể biểu diễn phục vụ du khách. Đây cũng là cơ hội để quảng bá cây đàn tính, làn điệu then đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, đồng thời góp phần bảo tồn những làn điệu then cổ đang dần mai một.