Ngày Thơ Việt Nam 2024: Tới thăm 'di sản thơ ca' của các dân tộc Việt Nam

Nhà Ký ức - nơi trưng bày các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ của văn học Việt Nam, do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp, tiếp tục là điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam năm nay.

Clip không gian Nhà ký ức của những nhà thơ dân tộc Việt Nam:

Bước qua cổng thơ - là những vầng trăng non uốn lượn trên hành trình tròn đầy vào đúng ngày rằm- tiếp tới là đường thơ được trang trí bằng những mầm lá non cách điệu, với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trên mỗi mầm lá viết 1 câu thơ hay. Tổng cộng có 54 câu thơ, tương ứng với con số 54 dân tộc.

Tiếp đến là cây thơ, trên có một nửa vầng trăng, dưới là 54 câu đố thơ được treo trên cành cây. Cuối Ðường thơ, khán giả sẽ đến Nhà ký ức, nơi trưng bày các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp.

Chú thích ảnh
Không gian Nhà ký ức là nơi trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu.

Không gian Nhà ký ức là nơi trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu, đứng đầu là nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 nhà thơ người dân tộc thiểu số đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Nhà ký ức mang hình dáng kiến trúc một ngôi nhà dài của đồng bào Tây Nguyên.

Năm nay, công chúng sẽ được gặp hình ảnh của các nhà thơ nổi tiếng của các dân tộc thiểu số tại Nhà ký ức như nhà thơ Nông Quốc Chấn (dân tộc Tày), Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy), Y Phương, Mạc Phi (dân tộc Tày), Bàn Tài Đoàn (dân tộc Dao Tiền)…

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tại Nhà ký ức.

Chia sẻ về nét mới của Nhà ký ức, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh, chủ đề năm nay và sự tham gia của các nhà thơ đã là một nét mới, bởi lẽ, lần đầu tiên kể từ khi tổ chức, trong ngày thơ có sự hiện diện của các nhà thơ đại diện cho nhiều dân tộc như: Kinh, Mường, Tày, Giáy, Pa Dí, Dao, Chăm…

“Có thể, chúng ta chưa có được sự góp mặt các nhà thơ đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam, nhưng ở đây các nhà thơ là người dân tộc thiểu số xứng đáng trong vai trò đóng góp vào sự phát triển của văn học Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển của thơ ca Việt Nam nói riêng. Họ mang đến một vẻ đẹp mới, giọng điệu mới cho văn học Việt.

Cùng với sự hiện diện các nhà thơ đang sống, đang viết thì có sự hiện diện của những “di sản thơ ca” của các dân tộc. Lần đầu tiên người yêu thơ sẽ được hưởng thụ những vẻ đẹp khác biệt trong thơ ca của các dân tộc hay các vùng văn hóa khác biệt trên mảnh đất thiêng liêng Hoàng thành Thăng Long. Thơ của các dân tộc cùng cất tiếng để mỗi một vẻ đẹp không phải đứng cô đơn mà hòa quyện với nhau làm nên vẻ đẹp lớn; tất cả 54 dân tộc Việt Nam mang đến vẻ đẹp văn hóa của mình để tạo nên một nền văn hóa lớn gọi là văn hóa Việt” - Chủ tịch Hội nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định.
 

Chú thích ảnh
Người yêu thơ có thể xem các kỷ vật của nhiều nhà thơ tại đây thay vì phải đến Bảo tàng Văn học.

Chia sẻ về cách trang trí, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Chúng tôi dùng tất cả các hoa văn họa tiết của các dân tộc khác nhau để trình bày. Ngôi nhà mang tính cách điệu của nhà sàn, nhà dài thậm chí ngôi nhà của người Kinh. Và ở đó, khi bước vào, chúng ta có thể nhìn thấy màu sắc của các dân tộc khác nhau, nghe thấy nghe được giọng điệu của các dân tộc khác nhau, hay cảm nhận được hương vị của các dân tộc khác nhau trên cả nước quần tụ về. Tất cả vẻ đẹp đó hòa quyện, mang đến cho bạn đọc cái nhìn đầy đủ về những điều mà các dân tộc đó đã từng làm nên, từng lan tỏa.

Tại Ngày Thơ, người yêu thơ sẽ nhìn thấy hình ảnh một hình ảnh nhà thơ như nhà thơ Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí) từ núi cao bức xuống. Ông luôn mang theo bên mình một túi xách đầy thơ và một bầu rượu. Nhà thơ Kiều Mai Ly (dân tộc Chăm), Trúc Linh Lan (dân tộc Khmer) mang đến Ngày Thơ câu thơ, vũ điệu, trang phục truyền thống và cả vẻ đẹp của giọng nói. Mỗi người đó chỉ cần xuất hiện cất lên giọng nói của dân tộc mình đã mang đến một vẻ đẹp, một thông điệp.

Chú thích ảnh
Những chiếc hộp bút trở thành kỷ vật quan trọng nhất của người viết.

Nhờ thế, lần đầu tiên những người yêu thơ ở Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận về đây sẽ được chiêm ngưỡng một thực thể sống chính là những nhà thơ để chiêm nghiệm vẻ đẹp và giọng nói nội tâm sự âm vang của từ nền văn hóa mà họ mang tới”.

Mỗi kỷ vật đều có tiếng nói riêng, giúp công chúng hiểu hơn quá trình sáng tác của các nhà thơ. Đặc biệt những bản thảo được viết tay tại chiến trường được nâng niu gìn giữ để thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về chặng đường gian lao mà anh dũng của các nhà văn, nhà thơ đã có đóng góp rất lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một số hình ảnh Nhà ký ức tại không gian Ngày Thơ Việt Nam:

Chú thích ảnh
Kỷ vật của nhà thơ Y Điêng.
Chú thích ảnh
Kỷ vật của nhà thơ Yến Lan.
Chú thích ảnh
Kỷ vật của nhà thơ Yến Lan.
Chú thích ảnh
Kỷ vật của nhà thơ Hoàng Triều Ân.
Chú thích ảnh
Kỷ vật của nhà thơ Y Phương.
Chú thích ảnh
Kỷ vật của nhà thơ Y Phương.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước” diễn ra tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) trong hai ngày 23 và 24/2/2024 (tức 14 và 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Minh Tuệ/Báo Tin tức
Ngày Thơ Việt Nam 2024: Tôn vinh di sản thi ca và khối đại đoàn kết dân tộc
Ngày Thơ Việt Nam 2024: Tôn vinh di sản thi ca và khối đại đoàn kết dân tộc

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024 có chủ đề “Bản hòa âm đất nước” diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) trong hai ngày 23 và 24/2/2024 (tức 14 và 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN