Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, chủ đề “Bản hòa âm đất nước” được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra trong Ngày Thơ Việt Nam năm 2024 với mong muốn, đây là ngày hội của các nhà thơ các dân tộc Việt Nam. Ngày Thơ sẽ mang đến bản hòa âm thơ ca muôn màu về cuộc sống, con người Việt Nam trên mọi miền đất nước, đồng thời đây cũng là ngày hội của vẻ đẹp đời sống và văn hóa của tất cả các dân tộc anh em thông qua thơ ca.
Theo đó, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ mời các nhà thơ, nhà văn đại diện các dân tộc thiểu số Việt Nam như Mường, Thái, Tày, Khơmer, Ê-đê, Chăm, Hoa… từ nhiều miền đất nước về Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) để cùng nhau cất lên những “bài ca” về con người, về dân tộc và về những điều tốt đẹp; tham gia hội thảo, tọa đàm để bàn về bản sắc văn hóa dân tộc trong các sáng tạo thi ca, các giải pháp để vừa có thể giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đưa văn hóa dân tộc tiếp cận với hiện đại, vươn ra thế giới…
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, đến nay, đại diện Ban chấp hành Hội đã làm việc với Hoàng thành Thăng Long, tiến hành chọn lựa và mời các nhà thơ tham gia, chọn lựa những di sản thơ hay, như các trường ca “Đẻ đất đẻ nước”, trường ca Đam San, trường ca Xinh Nhã… để giới thiệu trong đêm thơ Nguyên tiêu, để công chúng được nghe đồng bào kể chuyện trong ánh lửa về trường ca của dân tộc mình.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, việc tổ chức hội thơ ca "Bản hoà âm đất nước" cũng là một cách triển khai có hiệu quả chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Trước đó, để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho ngày Thơ Việt Nam năm 2024 trên phạm vi cả nước, từ tháng 11/2023, Hội Nhà văn Việt Nam đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo và tạo điều kiện tốt nhất cho các Hội Văn học nghệ thuật địa phương tổ chức thành công Ngày Thơ Việt Nam tại địa phương.
Năm 2023, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức thành công Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 với chủ đề "Nhịp điệu mới" tại di tích Hoàng Thành Thăng Long.