Kim Lân được mệnh danh là nhà văn của làng quê, hẳn nhiên là thế, bởi ông viết về làng quê thật sành sỏi và kỹ càng. Nhưng có một điều mà ít người biết là dù sinh ra ở làng quê Kinh Bắc, miêu tả người dân quê chân thực trong văn mình như “Vợ nhặt”, nhưng nhà văn Kim Lân lại có những thú vui rất thị thành, thú vui của người nhàn nhã, rất mực phong lưu. Và ngày Tết với nhà văn Kim Lân cũng mang đầy đủ những nét tao nhã, phong lưu ấy.
Nhà văn Kim Lân có một sở thích đặc biệt không khi nào thay đổi là Tết đến trong nhà nhất nhất phải có một cành đào phai, mà phải là đào tự nhiên, không tạo thế này thế kia gì hết. Cành đào ấy do đích thân nhà văn đi chợ hoa hoặc đến làng hoa Nhật Tân, chợ hoa trên đê Nghi Tàm, Yên Phụ chọn mua về.
Cành đào phai đã được chọn về rồi, ông cẩn thận cắm vào một cái chum hoặc một lọ sành lớn, chứ không bao giờ dùng bình hoa lòe loẹt. Sau này, các con ông cũng thường dùng bình hoa mộc như thế để cắm hoa khi đã có gia đình riêng. Cũng vì thích đào phai mà có lần ông trồng một cây đào phai bên cửa sổ, Tết đến hoa nở từ gốc đến ngọn rất đẹp.
Nhà văn Kim Lân trong một lần trở về thăm ngôi nhà cũ tại làng Phù Lưu (xã Tân Hồng, Tiên Sơn, Bắc Ninh). Ảnh: Do gia đình cung cấp. |
Không chỉ thích đào, nhà văn Kim Lân còn mê các loại hoa, cây cảnh. Tết đến trong nhà không thể thiếu hoa. Ngày còn ở phố Hạ Hồi (Hà Nội), dù nhà chật chội, ông vẫn phải có một mảnh vườn nhỏ để trồng cây. Trong vườn có một cây chi mai, hoa trắng toát, nhị màu hồng điều được ông chăm chút hàng ngày. Mảnh vườn nhỏ ấy ông còn trồng cả đỗ quyên, cúc đại đóa (các màu tím, đỏ, huyết dụ, vàng, trắng), thanh lan, mạc lan…
Cúc đại đóa là loài hoa ông thường trưng trong nhà nhất. Vì thế bây giờ các con ông khi thắp hương cho bố cũng vẫn giữ thói quen ấy, trên ban thờ không khi nào thiếu một lọ hoa cúc. Thanh lan màu xanh non hơi ngả vàng, gân xanh đậm. Mạc lan màu nâu ngả vàng ủng, gân nâu sậm. Loại lan này rất khó “nuôi”, nhà văn Kim Lân phải tỉ mẩn viên từng viên đất to bằng đầu ngón tay cái, xếp chồng lên nhau để cho cây có đủ oxy trong đất, nước lau cho lá cây phải là nước thuốc lào pha loãng, khi bụi đất bám vào lá thì dùng bông thấm nước lau từng lá. Cây lan được chăm sóc kỹ lưỡng như thế nên ra hoa rất đẹp.
Nhà văn Kim Lân chơi hoa, trồng hoa không chỉ để trưng trong nhà mà còn đem tặng những người bạn văn của mình. Họa sỹ Nguyễn Thị Hiền, con gái cả của nhà văn Kim Lân, hay được cha sai đem hoa đến tặng nhà văn Nguyễn Tuân, lúc thì cành thanh lan, lúc thì mạc lan. Lúc ấy, nhà văn Nguyễn Tuân còn nói với cô bé Hiền một cách ví von đầy hóm hỉnh rằng: “Hương thơm của thanh lan, mạc lan thoắt ẩn thoắt hiện, cao quý, không xộc thẳng vào mũi người ta chẳng có ý tứ gì cả”. Khi nhà văn Nguyễn Tuân ốm sắp mất, nhà văn Kim Lân đến thăm mang theo cành hoa lan mình trồng. Khi tới nơi, nhà văn Nguyễn Tuân đã ngủ say, người nhà hỏi có cần đánh thức ông dậy không, nhà văn Kim Lân bảo: “Không cần, khi nào cụ Tuân tỉnh dậy sẽ biết ai là người mang hoa tới”, bởi chỉ có Kim Lân hay tặng hoa cho Nguyễn Tuân chứ chẳng phải ai khác.
Các con của nhà văn Kim Lân kể lại rằng, dù là con vợ lẽ, cuộc sống không lấy gì làm sung túc (vì thế, dù mê vẽ tranh nhưng nhà văn Kim Lân không có điều kiện theo học, dù đã có lúc đi phụ làm sơn mài cho họa sỹ Nguyễn Gia Trí), nhưng ông lại rất được nuông chiều. Khi lấy vợ rồi, mọi việc trong nhà đều do vợ ông một tay quán xuyến, việc trong nhà ông chẳng biết làm gì. Ngay cả việc cắt tóc, gội đầu cũng do vợ ông làm cho chứ ông nhất quyết không chịu ra hiệu. Ấy thế mà, trang trí nhà cửa ngày Tết lại do ông xắn tay vào làm chứ không phải ai khác. Chuẩn bị cành đào xong rồi, thứ đến là nhà văn mua tranh Đông Hồ về treo ngoài cửa. Ông thích những bức tranh truyền thống làm từ giấy dó, quét điệp màu vàng, vẽ gà, lợn, cá,…; những bức tranh mộc mạc nhưng thấm đẫm hồn cốt của dân tộc, của xứ sở Kinh Bắc nơi ông sinh ra.
Và ngày Tết, cái mà ông cẩn thận lựa chọn nữa là trà thơm và rượu ngon để gia đình thưởng lãm và tiếp đón khách tới nhà. Nhà văn của làng quê cũng có cách pha trà, thưởng trà rất cầu kỳ. Ông cũng hay độc ẩm, coi đấy như một cái thú của riêng mình. Chị Nguyễn Thị Hiền kể rằng, cha mình có thói quen độc ẩm mỗi sáng khi vừa ngủ dậy. Ông thường tự tay chuẩn bị một bếp lò nhỏ bằng than đặt trên bàn để đun nước, sắp sẵn một chén hạt mít, một chén tống (khoảng bằng bát con), một ấm trà nhỏ. Trà được bỏ vào ấm, đun nước sôi đổ vào, nước thứ nhất ông rót ra chén tống (gọi là rửa trà) rồi đổ đi, nước thứ hai mới là để uống. Để ấm trà được nóng, ấm và chén được cho vào chén tống, ông rót nước sôi đang bốc khói nghi ngút tràn trên nắp ấm và chén hạt mít, ấm nóng rồi ông mới cho trà vào ấm. Trong lúc đợi trà ngấm, ông làm một điếu thuốc lào cho tâm trí sảng khoái rồi rót trà ra chén, vừa uống vừa ngắm vườn cây, khoan khoái và tĩnh tại trong buổi sớm mai, nhất là trong không khí thanh tịnh của sớm đầu năm mới.
Xuân Phong