Chương trình thu hút sự tham gia của trên 50 nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia lịch sử cùng đông đảo sinh viên ngành văn hóa - lịch sử đến từ các trường đại học trên địa bàn Thành phố. Tại đây, các bạn sinh viên có cơ hội được tiếp thu kiến thức về văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam; các công trình lịch sử tại Thành phố Hồ Chí Minh và vấn đề bảo tồn di sản đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh,…
Giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Hội luôn hướng đến tạo dựng các hoạt động văn hóa đều đặn, thực chất và mang nhiều ý nghĩa; đồng thời cổ vũ, động viên tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học của các em sinh viên chuyên ngành lịch sử - văn hóa. Với nỗ lực chung tay, chung sức, Ngày hội Sử học nói riêng, hoạt động của giới Sử học Thành phố nói chung là nguồn đóng góp thiết thực, trách nhiệm, hiệu quả hơn cho sự phát triển của đất nước nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Chia sẻ về văn hóa Óc Eo và thời kỳ Phù Nam, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu và bảo tồn di tích - di vật văn hóa Óc Eo sẽ góp phần làm sáng tỏ quá trình khai phá, mở mang và phát triển vùng đất Nam bộ một cách xác thực nhất. Nội hàm của Văn hóa Óc Eo chứa đựng những giá trị lớn về vật chất và tinh thần, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ngày nay ở Nam bộ - một vùng đất giàu tiềm năng.
Nhằm giúp các sinh viên hình dung rõ hơn về bức tranh lịch sử Thành phố xưa và nay, tại chương trình, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng, Giảng viên Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ các vấn đề về Nam kỳ và Bảo Đại với Chính phủ quốc gia Việt Nam ở Sài Gòn (1946 - 1950); mối quan hệ giữa nội thành (Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn) với ngoại thành (tỉnh Gia Định) trên các lĩnh vực, hệ thống chính trị kinh tế, văn hóa - xã hội giai đoạn 1945 - 1954; đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn và tỉnh Gia Định thực hiện tập kết chuyển quân và việc bố trí lực lượng ở lại sau Hiệp định Genève.
Đồng thời làm rõ bài học lịch sử về phong trào đô thị Sài Gòn trước, trong và sau tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; lực lượng chính trị thứ 3 ở Sài Gòn trước, trong và sau Hiệp định Paris; các chiến dịch cải tạo tư sản sau năm 1975 ở Thành phố Hồ Chí Minh; những vấn đề về công cuộc cải tạo các thành phần kinh tế tư nhân, nhất là tư sản thương nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1978…
Nhân dịp này, Ban tổ chức trao 30 phần học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cùng thành tích học tập xuất sắc thuộc ngành Khoa học Lịch sử và Di sản văn hóa của 4 trường đại học: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia - Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Văn hóa, Đại học Sài Gòn và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.