Đây là hoạt động chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 do Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông và An Giang tổ chức.
Triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam. Qua đó góp phần khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa du lịch, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Khu triển lãm chung giới thiệu không gian di sản văn hóa Việt Nam và sản phẩm thủ công truyền thống thông qua hệ thống tư liệu, hiện vật và hơn 200 bức ảnh đẹp. Cùng với đó là khu trưng bày di sản được UNESCO vinh danh, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam, cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào cả nước...
Triển lãm "Đặc trưng văn hóa các dân tộc trong di sản văn hóa Việt Nam" sẽ làm nổi bật những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng, phản ánh truyền thống, lịch sử và niềm tự hào của các dân tộc Việt Nam thông qua di sản văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, trang phục dân tộc… theo 6 vùng miền.
Khu trưng bày ảnh "Du lịch qua các làng nghề truyền thống Việt Nam có 80 bức ảnh về nghề, làng nghề truyền thống tiêu biểu; gần 100 tác phẩm đoạt giải tại "Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023". Đây là những sản phẩm có ý tưởng mới, tính thẩm mỹ và kỹ năng cao, mang giá trị truyền thống, thân thiện với môi trường, có tiềm năng cao. Không gian của một số làng nghề được tái hiện sinh động như: Gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, gỗ Vân Hà, nón làng Chuông, lụa Vạn Phúc, thêu ren Thắng Lợi, mây tre đan Phú Vinh, gốm Bát Tràng, bánh kẹo truyền thống, hương Quảng Phú Cầu, sừng Thụy Ứng (Hà Nội); gốm Chu Đậu (Hải Dương); mỹ nghệ An Dương (Hải Phòng)...
Bên cạnh đó còn có các không gian trưng bày: "Nghe lụa là gấm vóc kể chuyện" của Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao (Thái Bình), "Áo dài Phú Xuân - nghệ thuật thêu tay truyền thống Huế", trưng bày "Cổ phục Việt", "Quạt giấy dó Việt Nam", "Sản phẩm thay lời nói", không gian văn hóa Trà, khu giới thiệu "Không gian du lịch văn hóa cộng đồng". Tổ hợp các hoạt động trải nghiệm, trình diễn tay nghề của nghệ nhân, thợ thủ công (đan tre, chằm nón, quay tơ, đánh ống, đan quạt, chần bông ghép vải, nặn gốm)…, giúp khách tham quan trải nghiệm tại các không gian trưng bày.
Xuyên suốt các ngày diễn ra triển lãm là chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật tôn vinh nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trình diễn di sản văn hóa vùng miền; giao lưu học sinh sinh viên với chủ đề "Tuổi trẻ với Di sản Văn hóa Việt Nam", chương trình nghệ thuật "Về miền Di sản"…
Triển lãm "Không gian di sản văn hóa và sản phẩm thủ công truyền thống" tại Ninh Bình năm 2023 là hoạt động văn hóa có ý nghĩa, góp phần quảng bá hiệu quả về di sản văn hóa, thiên nhiên của Việt Nam, thúc đẩy phát triển du lịch, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng trong việc cùng chung tay bảo tồn di sản của đất nước.