Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung thảo luận làm rõ những giá trị tiêu biểu của văn hóa thời Nguyễn; ảnh hưởng của văn hóa thời Nguyễn đến con người Huế; bảo tồn, phát huy giá trị to lớn của văn hóa thời Nguyễn đối với quá trình hội nhập và phát triển. Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản thời Nguyễn vẫn còn hạn chế như: Địa phương chưa có chính sách toàn diện và hài hòa với việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; thiếu đội ngũ chuyên gia bảo tồn di tích chuyên nghiệp; nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, tu bổ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế…
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Trường Đại học Đông Á cho rằng, để phát huy hiệu quả di sản văn hóa thời Nguyễn, địa phương cần xây dựng chính sách quản lý, có sự đầu tư thích đáng cho việc trùng tu, tôn tạo tất cả các loại hình di tích và có chính sách tuyên truyền, quảng bá hấp dẫn đối với di tích, di sản văn hóa Huế; xây dựng bộ quy tắc về công tác bảo tồn, trùng tu di tích lịch sử, văn hóa theo đúng chuẩn quốc gia, quốc tế; kiểm kê, xây dựng hồ sơ, số hóa các di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương cần lan tỏa việc bảo tồn và phát huy văn hóa thời Nguyễn ra cộng đồng, bằng cách thúc đẩy nghiên cứu, giáo dục di sản văn hóa đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Là cố đô của vương triều Nguyễn, tại Huế lưu giữ phần lớn những di sản văn hóa quan trọng nhất mà vương triều này để lại, cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nổi bật là quần thể công trình kiến trúc thành quách, lăng tẩm, phủ đệ, đàn miếu, chùa chiền; lễ hội cung đình, nhã nhạc cung đình, múa cung đình, ca Huế; ẩm thực Huế, hệ thống sử liệu…
Thời gian qua, bằng nguồn lực từ Trung ương đến địa phương cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế đạt được những thành tựu to lớn, nổi bật nhất là việc đưa di sản cố đô Huế từ tình trạng "cứu nguy khẩn cấp” sang thời kỳ “ổn định và phát triển bền vững”.
Cố đô Huế không chỉ là địa phương đầu tiên của Việt Nam có di sản được UNESCO vinh danh mà còn giữ vai trò dẫn đầu cả nước về công tác bảo tồn di sản văn hóa. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế tự hào có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993), Nhã nhạc Cung đình Huế (năm 2003), Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (năm 2016). Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.