Năm 2014 là năm đáng ghi nhận với những thành công của ngành văn hóa, với nhiều chính sách quan trọng được thực thi. Đây cũng là năm thành công với di sản Việt Nam khi chúng ta có 2 di sản được UNESCO công nhận, nhưng bên cạnh đó cũng còn những tồn tại cần khắc phục.Năm 2014 đã diễn ra Hội nghị toàn quốc, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có những tổng kết đầy đủ, cặn kẽ 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII, từ đó tham mưu Bộ Chính trị, TƯ Đảng ban hành Nghị quyết 33-NQ/TƯ “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó khẳng định “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”...
Năm 2014 cũng là năm thắng lợi đối với di sản Việt Nam, khi chúng ta có 2 di sản (một vật thể và một phi vật thể) được UNESCO công nhận.
Lần đầu tiên Việt Nam có một di sản hỗn hợp. |
Tháng 6/2014, quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), đã được UNESCO ghi nhận trên cả tiêu chí di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới, trở thành di sản kép đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận, với các giá trị về văn hóa, danh thắng nổi bật toàn cầu. Việc quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới năm 2014 đã góp phần nâng tổng số các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của Việt Nam lên tám khu di sản.
Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận năm nay là hát ví, dặm Nghệ Tĩnh, loại hình nghệ thuật có từ rất lâu đời, là "đặc sản" văn hóa quý báu, gắn với đời sống lao động của người dân Nghệ An, Hà Tĩnh. Việc hát ví, dặm Nghệ Tĩnh được công nhận đã nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam lên đến 9 di sản có tên trong danh mục di sản của UNESCO tại Việt Nam.
Trước thực trạng ở nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng... Để góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần yêu nước, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, tháng 8/2014, Bộ VHTTDL đã ban hành công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL gửi các ban, bộ, ngành, sở VHTTDL các tỉnh/thành, các cơ quan đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuyên truyền và vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi các nơi công cộng. Đồng thời, yêu cầu Sở VHTTDL các tỉnh/thành tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và đề xuất xử lý việc trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở các nơi công cộng, đặc biệt là các khu di tích lịch sử văn hóa tại địa phương.
Hát ví, dặm Nghệ Tĩnh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thứ 9 của Việt Nam được UNESCO công nhận. |
Ngay sau khi ban hành công văn, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và triển lãm cũng đã nhanh chóng triển khai hàng loạt động thái nhằm từng bước đưa linh vật ngoại lai ra khỏi các nơi thờ tự, đưa ra một danh sách, hình ảnh những linh vật Việt để các đơn vị nghiên cứu, sử dụng. Các sở VHTTDL địa phương cũng tiến hành kiểm tra các di tích có linh vật ngoại lai để di dời. Một số cuộc triển lãm về linh vật Việt cũng được tổ chức ở một vài địa phương, nhằm giúp cho người dân nhận biết linh vật Việt, hiểu về ý nghĩa, giá trị của các linh vật Việt để từng bước loại bỏ linh vật ngoại lai ra khỏi di tích. Có thể nói, đây là một trong những văn bản ngay từ khi ra đời đã nhanh chóng được thực thi, được nhiều người ủng hộ, cơ quan quản lý nhanh chóng vào cuộc… và là một thành công đáng ghi nhận trong việc công tác quản lý di sản hiện nay.
Năm 2014, Chính phủ đã ban hành hai nghị định quan trọng, có ảnh hưởng lớn đối với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Đó là Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" (NSND), "Nghệ sĩ ưu tú" (NSƯT), chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11 tới. Theo đó, trong những tiêu chuẩn xét chọn, nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu NSƯT còn phải có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, có ít nhất hai giải vàng quốc gia hoặc một giải vàng và hai giải bạc quốc gia; nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu NSND phải bảo đảm thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, có ít nhất hai giải vàng quốc gia sau khi đạt danh hiệu NSƯT. So với thông tư số 06/2010/TTBVHTTDL do Bộ VHTTDL ban hành cách đây bốn năm, quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Nghị định 89 đã tạo điều kiện hơn cho các nghệ sĩ khi đưa thêm quy định: ở lĩnh vực múa, xiếc, bên cạnh tiêu chí về giải thưởng, thời gian hoạt động chuyên nghiệp của nghệ sĩ được rút xuống 15 năm (đối với danh hiệu NSND) và 10 năm (đối với danh hiệu NSƯT)...
Sau rất nhiều tranh cãi, sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng, Nghị định số 62/2014/NĐ-CP xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” (NNND), “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức được ban hành. Nghị định này được áp dụng cho công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian và các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Mặc dù Nghị định này còn nhiều điểm bất cập, gây khó khăn cho người được xét tặng, nhưng việc ban hành Nghị định này kèm những hướng dẫn đã chứng tỏ, Nhà nước đã bước đầu có sự quan tâm đến các nghệ nhân, quan tâm đến việc gìn giữ và bảo tồn giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể.
Mặc dù có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, song trong năm 2014 cũng xảy ra nhiều bất cập trong công tác quản lý, trong đó chủ yếu là liên quan đến những sai phạm việc trùng tu, tôn tạo di tích. Liên tục từ đầu năm, nhiều sai phạm trong công tác trùng tu di tích đã được phát hiện, đó là việc trùng tu như… phá di tích lịch sử quốc gia đình Quang Húc (xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) và chùa Sổ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội), rồi đến việc xây bức bình phong có hình “quái thú” ở lăng Ngô Quyền (làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội)… Những sai phạm liên tiếp trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích khiến nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa và người dân bức xúc. Và dù ngành văn hóa đã vào cuộc, song những sai phạm này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Điều này một lần nữa chứng tỏ sự yếu kém, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý di sản của ngành văn hóa, của hệ thống các Ban quản lý di tích và chính quyền địa phương…
Có thể nói, 2014 là năm để lại nhiều dấu ấn trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, với những thành tích đáng khen ngợi, cũng có những hạn chế, tồn tại… Chính vì vậy, trong phương hướng, nhiệm vụ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian tới, theo như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi làm việc với Bộ VHTTDL hồi tháng 10/2014, ngành văn hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về văn hóa, nhất là nội dung Nghị quyết 33-NQ/TƯ, với trọng tâm của việc phát triển văn hóa là xây dựng con người và môi trường văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Đặc biệt lưu ý đến vai trò vừa là trụ cột, vừa là nền tảng của văn hóa trong cách nhìn nhận “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Bên cạnh đó, ngành văn hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng thành cơ chế chính sách, thành chương trình và kế hoạch hành động, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống; đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ; xây dựng đội ngũ đủ tâm, đủ tầm, có nhân cách, đạo đức và lối sống tiêu biểu. Tăng cường, quyết liệt trong công tác thanh, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng; đẩy mạnh hoạt động văn hóa đối ngoại, bằng nhiều hình thức để quảng bá rộng rãi về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Phương Hà