Triển lãm trưng bày hơn 50 bức thư pháp của các thư pháp gia trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên mỗi khi Tết đến, Xuân về nhằm tôn vinh sự học, đồng thời lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tham gia triển lãm có các thư pháp gia đến từ Câu lạc bộ Hán Nôm trên địa bàn tỉnh và các ca nương đến từ Câu lạc bộ Ca trù ở thành phố Hưng Yên.
Tại triển lãm, các hoạt động xin chữ đầu Xuân thu hút đông đảo học sinh và người dân tham gia. Theo quan niệm của người xưa, việc xin chữ vào mỗi dịp đầu năm không chỉ thể hiện quan niệm trọng nghĩa, trọng trí thức mà còn cầu mong một năm an lành, tài lộc, phúc thọ đầy nhà.
Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy cứ đến mùng 4 Tết, anh Trần Văn Hưng, trú tại phường An Tảo, thành phố Hưng Yên lại cùng vợ con đến Văn Miếu Xích Đằng để xin chữ đầu năm mới. Niềm vui của gia đình anh càng được nhân lên khi hôm nay con gái lớn được vinh danh là học sinh giỏi cấp thành phố. Anh Hưng chia sẻ, năm nay gia đình anh xin cho các con chữ “đỗ đạt” với ước nguyện đạt được những mục tiêu học tập trong năm mới và đỗ vào trường học, bậc học mà con mong muốn.
Cũng giống như gia đình anh Hưng, cứ mùng 4 Tết hàng năm, chị Đoàn Thị Minh Hằng, trú tại thành phố Hưng Yên lại cùng các con đến Văn Miếu Xích Đằng để xin chữ. Chị Hằng cho biết, năm nay, con gái lớn sẽ bước vào Kỳ thi tuyển lớp 10 Trung học Phổ thông nên chị đã xin cho các con chữ “đạt” với ước vọng con sẽ thi đỗ vào trường cấp 3 mà con mong muốn.
Bên cạnh đó, du khách khi đến với Văn Miếu Xích Đằng còn được lắng nghe những làn điệu ca trù. Các ca khúc được các Quan viên, Kép và Ca nương thuộc Câu lạc bộ Ca Trù trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thể hiện với cách nảy hạt, nhả chữ hòa quyện cùng nhịp phách, tiếng đàn réo rắt, tiếng trống trầm bổng khiến cho lòng người thêm say đắm.
Dịp này, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hưng Yên tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Văn Miếu Xích Đằng là một di tích quan trọng thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, tại phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên (Hưng Yên). Với gần 400 năm tồn tại, Văn Miếu Xích Đằng hiện ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam thượng xưa và trở thành biểu tượng cho nền văn hiến và tinh thần hiếu học của mảnh đất Phố Hiến khi xưa.
Hiện vật quý nhất trong Văn Miếu còn lưu giữ được đến ngày nay là 9 tấm bia đá. Trong đó, có 8 tấm dựng năm Đồng Khánh 1888 và một tấm dựng năm Bảo Đại 1943. Trên 9 tấm bia có ghi danh 161 vị đỗ đại khoa ở trấn Sơn Nam thượng xưa; trong đó có 138 vị ở Hưng Yên và 23 vị ở Thái Bình. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Văn Miếu Xích Đằng là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của Trung ương, xứ ủy, Tỉnh ủy Hưng Yên. Văn Miếu Xích Đằng được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1992.
Triển lãm thư pháp, hát ca trù, cho chữ đầu Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra đến hết ngày 14/2 (tức mùng 5 Tết).