Náo nức trẩy hội vùng Lim

Ngày 9/2 (tức ngày 12 tháng Giêng), Hội Lim xuân Ất Tỵ (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) chính thức khai hội. Đến hẹn lại lên, người dân vùng Lim lại tưng bừng mở hội đón khách gần xa.

Chú thích ảnh
Du khách trảy hội Lim. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Xúng xính áo khăn trẩy hội

Hội Lim là lễ hội vùng của 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay gồm: Thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Lễ hội năm nay diễn ra vào ngày 9-10/2. Trong đó, ngày 9/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) diễn ra các hoạt động phần lễ: Đón bằng công nhận di tích cấp tỉnh đình làng Đình Cả (xã Nội Duệ); Lễ dâng hương tại chùa Hồng Ân. Ngày 10/2 (tức 13 tháng Giêng chính hội) tổ chức lễ rước sắc, tế lễ, dâng hương theo nghi thức truyền thống.

Cùng với phần lễ, phần hội diễn ra tại trung tâm đồi Lim, hồ điều hòa Vân Tương (thị trấn Lim) và một số khu vực lân cận với phong phú hoạt động trình diễn Dân ca Quan họ, trình diễn thư pháp, hội thơ, triển lãm tư liệu, hiện vật bảo tồn di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh...

Bà Nguyễn Thị Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Lim cho biết, Ban tổ chức lựa chọn các làng Quan họ gốc và làng Quan họ thực hành tham gia hát giao lưu Quan họ tại các lán trại. Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Tiên Du phối hợp với Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh tổ chức hát Quan họ vào ngày 12, 13 tháng Giêng.

Tại hội Lim năm nay, Ban Tổ chức bố trí 10 lán hát Quan họ gồm: 6 lán tại đồi Lim và 4 lán ở các khu vực lân cận. Ngoài ra, còn có các hoạt động giao lưu, biểu diễn dân ca Quan họ trên sân khấu, hát cửa đình, cửa chùa, hát Quan họ dưới thuyền, hát Quan họ trong nhà chứa và tại gia đình các nghệ nhân... 

Chú thích ảnh
Liền anh, liền chị chuẩn bị trầu têm cánh phượng mời khách. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian độc đáo và đặc sắc như: Thi dệt vải, cỗ chay, đu tiên, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm, bịt mắt bắt dê, đập niêu... Điểm nhấn đáng chú ý ở hội Lim năm nay là tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp, dự kiến vào 21h tối nay (12 tháng Giêng) tại khu vực hồ điều hòa Vân Tương.

Hội Lim năm nay khai hội đúng ngày Chủ nhật nên thu hút rất đông người dân, du khách thập phương đến du xuân, trẩy hội. Mặc dù thời tiết rét đậm, nhưng càng về chiều, lượng du khách đến trẩy hội càng đông.

Chị Đinh Thu Hà ở thành phố Hải Dương chia sẻ, vì yêu làn điệu dân ca Quan họ mà năm nào nhằm ngày 12 - 13 tháng Giêng chị cũng tìm về hội Lim. Bắc Ninh là cái nôi của các lễ hội dân gian truyền thống nhưng hội Lim là lễ hội lớn, sự tiếp nối lịch sử, đúc kết những tinh hoa của văn hóa miền Kinh Bắc.  

Cùng có tình yêu văn hóa vùng Kinh Bắc chư chị Hà, bà Nguyễn Thị Phương ở Hà Nội cho biết, năm nào đến Hội Lim bà cũng náo nức như đi hội lần đầu, bà chuẩn bị sẵn cho mình một bộ trang phục của miền Quan họ để đi trẩy hội. Đến đây, bà Phương được thỏa mãn niềm đam mê ca hát, được nghe những làn điệu dân ca yêu thích và cảm thấy như được trẻ lại. Ở tuổi ngoài 60, nhưng bà Phương luôn mong muốn được khỏe mạnh để năm nào cũng được "xúng xính" đi trẩy hội Lim. 

Theo thời gian, hội Lim luôn có sức hút đặc biệt đối với du khách gần xa. Nghĩa tình của người miền Quan họ, phơi phới sức xuân, đong đầy trong từng câu ca, làn điệu mượt mà. Những liền anh, liền chị vừa mời trầu, vừa vấn vương câu ca "người ơi người ở đừng về" khiến bao du khách ngẩn ngơ, để rồi bao năm đến hẹn lại lên nô nức trẩy hội Lim.

Khơi dậy lòng tự hào về nét văn hóa Kinh Bắc

Chú thích ảnh
Các liền anh, liền chị Quan họ hát thuyền tại hội Lim. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Lễ hội Lim được tổ chức hàng năm nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của vùng quê Kinh Bắc. Văn hóa Quan họ cũng phản ánh mối quan hệ đoàn kết cộng đồng giữa các làng, xã trong vùng. 

Năm nay, Ban tổ chức bố trí thêm lán Quan họ dành cho Câu lạc bộ măng non. Các em có độ tuổi từ 4 -15, đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ của xã và được các nghệ nhân truyền dạy những câu hát, lề lối Quan họ. Ban tổ chức cũng cho biết, phấn đấu mỗi năm tổ chức lễ hội vùng Lim sẽ tăng thêm các lán dành cho thế hệ măng non nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và lan tỏa tình yêu Quan họ tới thế hệ trẻ.

Không gian đồi Lim rộng mở từ sân đình đến cửa chùa, từ các phương đình, lán trại Quan họ đến sân khấu, dưới thuyền; từ nơi đông hội đến nhà chứa trong vùng, khắp các làng Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông, Đình Cả, Lộ Bao, Duệ Khánh, Hoài Thị, Hoài Thượng, Hoài Trung, Bái Uyên… đâu đâu cũng thấy những liền anh, liền chị thung thăng trẩy hội và ca hát.

Chú thích ảnh
Liền anh, liền chị đắm say với làn điệu giao duyên. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Duyên dáng trong bộ áo mớ bảy mớ ba, nghệ nhân Ngô Thị Hải Hậu, Câu lạc bộ Quan Họ Ngô xá, xã Phật Tích, huyện Tiên Du chia sẻ: “Tôi cũng như rất nhiều liền anh, liền chị khác đều cảm thấy rất vinh dự khi được đóng góp lời ca tiếng hát của quê hương vào không gian linh thiêng và náo nức của hội Lim. Ngoài niềm vui khi được hát, tôi cũng cảm nhận được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa Quan họ. Không chỉ hát cho riêng mình, chúng tôi còn mong muốn truyền lại tình yêu này cho thế hệ trẻ, để họ hiểu và trân quý vốn di sản quý báu của quê hương".

Trẩy hội Lim, mỗi năm người yêu Quan họ lại được đắm mình trong không gian ngập tràn làn điệu dân ca ngọt ngào. Trai thanh, gái lịch nô nức sánh đôi vào chùa Hồng Ân thắp nén nhang thơm, cầu nguyện an lành rồi trở lại đồi Lim dùng dằng cùng câu Quan họ giao duyên. Tối đến, làn điệu dân ca lại được cất lên bên hiên nhà của các nghệ nhân. Người yêu Quan họ và người thực hành Quan họ cứ thế say sưa, chìm đắm trong những canh hát thâu đêm suốt sáng.

Đỗ Huyền (TTXVN)
Dòng người tấp nập trẩy hội chợ Viềng
Dòng người tấp nập trẩy hội chợ Viềng

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, chợ Viềng (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), phiên chợ “mua may, bán rủi” lại thu hút hàng nghìn du khách thập phương về trẩy hội, du xuân, cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN