Tham dự buổi lễ có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, các Mẹ Việt Nam Anh hùng huyện Yên Phong; hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương.
Lý Thường Kiệt là nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc thời nhà Lý nước Đại Việt. Ông nổi bật với việc chinh phạt Chiêm Thành (1069), đánh phá 3 châu Khâm, Ung, Liêm nước Tống (1075 - 1076).
Đặc biệt, cách đây 942 năm, vào mùa Xuân năm 1077, trên bờ sông Như Nguyệt (sông Cầu, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) ông đã chỉ huy trận quyết chiến chiến lược của quân và dân Đại Việt đánh bại đại quân nhà Tống do Quách Qùy, Triệu Tiết chỉ huy, làm thất bại hoàn toàn cuộc xâm lược của nhà Tống.
Trong lịch sử văn học, Lý Thường Kiệt là cây đại bút, nhiều tài liệu cho rằng ông là tác giả của “Nam quốc Sơn hà” - áng hùng thi có giá trị thiêng liêng như bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước ta. Năm 2013, Lý Thường Kiệt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách một trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu của lịch sử Việt Nam.
Từ những công lao, đóng góp to lớn của Việt Quốc Công, Thái úy Lý Thường Kiệt đối với dân tộc, nhằm tri ân các vị anh hùng, các bậc tiền nhân, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Dự án phân khu khu du lịch, lịch sử - văn hóa chiến tuyến Như Nguyệt, với tổng diện tích hơn 250 ha hình thành 5 phân khu.
Trong đó, phân khu 1 là Đền chính có diện tích gần 9ha, là một trong sáu công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh. Sau 2 năm tổ chức triển khai dự án, đến nay, một số hạng mục chính đã được hoàn thành với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 70 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 4 tỷ đồng và huy động từ nguồn xã hội hóa hơn 110 tỷ đồng để thực hiện. Tại Lễ kỷ niệm 1.000 năm ngày sinh Thái úy Lý Thường Kiệt, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã trao bằng xếp hạng Đền thờ Lý Thường Kiệt là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong, để phát huy giá trị của di tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc, huyện Yên Phong cần đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp để giới thiệu, quảng bá di tích cho nhân dân, du khách thập phương; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của di tích theo quy định của pháp luật di sản văn hóa; kết nối với di tích gốc và tổng thể Khu du lịch lịch sử - văn hóa Chiến tuyến Như Nguyệt trên địa bàn; tuyên truyền, giáo dục khơi dậy truyền thống yêu nước, văn hiến, cách mạng của vùng đất Yên Phong, quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, huyện cần tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại để dự án hoàn thành vào dịp kỷ niệm 943 năm Chiến thắng Như Nguyệt, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.
Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Chương trình kỷ niệm 1.000 năm ngày sinh Thái úy Lý Thường Kiệt tái hiện lại không khí hào hùng của những năm tháng lịch sử dưới thời Lý Thường Kiệt.
Đây còn là dịp để Đảng bộ, nhân dân huyện Yên Phong kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử, cách mạng. Từ một huyện thuần nông, đến nay Yên Phong đã chuyển mạnh sang phát triển theo hướng công nghiệp, đô thị và dịch vụ.
Kinh tế tăng trưởng mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Đảng bộ và chính quyền huyện Yên Phong ngày càng phát triển vững mạnh. Những kết quả trên tạo tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Yên Phong tiếp tục phấn đấu để trở thành thị xã vào năm 2020 và trở thành quận vào năm 2022, khi tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến thắng Như Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Nguyễn Anh Tuấn kêu gọi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong huyện; những người con quê hương Yên Phong đang sinh sống, học tập, lao động, công tác ở trong và ngoài nước; cộng đồng các doanh nghiệp cùng đồng tâm, nhất trí, chung sức, chung lòng, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương Yên Phong ngày càng giàu mạnh, văn minh, phát triển.