Có lẽ chưa bao giờ âm nhạc dân tộc lại trở nên “lép vế” so với đời sống sôi động của âm nhạc hiện đại trên các sân khấu như hiện nay. Trước thực tế đó, không chỉ các nhà nghiên cứu mà cả những sinh viên trẻ vẫn đang nỗ lực nhằm bảo tồn, phát huy dòng nhạc này.
Ít người theo học
Thanh Phong, sinh viên khoa Âm nhạc di sản - Học viện Âm nhạc Huế, sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Tình yêu và niềm đam mê với làn điệu dân ca đến với cậu như một lẽ tự nhiên. Hiện nay Phong đang cùng một số người bạn thành lập Câu lạc bộ dân ca ví dặm xứ Nghệ nhằm giữ gìn, phát huy và giới thiệu thể loại nhạc dân gian này đến với đông đảo công chúng.
Lớp học ngoại khóa về âm nhạc truyền thống ở FPT. |
Duy Tùng, sinh viên chuyên ngành đàn nguyệt K37 - Học viện Âm nhạc Quốc gia chia sẻ, cậu đến với đàn nguyệt rất ngẫu nhiên. Ý định ban đầu của cậu là học piano ở trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc nhưng do thi trượt, cậu “bị” thầy giáo "rủ rê" sang học đàn nguyệt. Tưởng là học thử cho biết ai dè càng học cậu càng thấy yêu thích loại nhạc cụ truyền thống này. Được sự ủng hộ của gia đình, đến nay Tùng đã gắn bó với cây đàn nguyệt được 5 năm.
"Khi học, phải học từ những điều rất cơ bản như cách cầm đàn hay ôm đàn làm sao cho chắc, tưởng là dễ nhưng cũng mất đến vài tháng mới làm quen được với nó. Luyện tập hơn một năm thì đánh được mấy bài dân ca, sang đến năm thứ ba mới bắt đầu đánh những bản nhạc hoặc ca khúc”, Tùng kể.
Tuy nhiên, những bạn trẻ yêu thích dòng nhạc này chưa nhiều. Theo ông Cồ Huy Hùng, Phó chủ nhiệm khoa Nhạc cụ truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia: “Có nhiều lý do khiến ngành nhạc truyền thống ít người theo học, trong đó có vấn đề: sau khi ra trường, các em sẽ đi đâu về đâu. Ngày xưa ra trường có thể về làm ở bất cứ đoàn nào nhưng bây giờ điều đó còn rất mịt mờ”.
Vấn đề chất lượng cũng là lý do khiến số lượng sinh viên nhạc dân tộc giảm đi đáng kể. Nếu như trước đây, các nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc được đào tạo từ độ tuổi 6-8 thì bây giờ độ tuổi ấy được nâng lên là 13. Thêm vào đó, thời gian đào tạo được rút ngắn từ 11 năm xuống còn 6 năm (đối với hệ trung cấp). Ở độ tuổi này, tay các em không còn dẻo dai nên phải uốn nắn rất nhiều, khả năng cảm thụ và thẩm thấu âm nhạc không còn nhanh nhạy, tâm lý của các em cũng dễ bị chi phối bởi nhiều yếu tố ngoài xã hội nên các em không còn dành nhiều thời gian chuyên tâm luyện tập.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận với các nhạc cụ truyền thống cũng còn hạn chế. Bà Bùi Lệ Chi, Trưởng bộ môn đàn Bầu - Học viện Âm nhạc Quốc gia, kể lại lần mình cùng các đồng nghiệp ở quỹ Ford đến các trường tiểu học để giới thiệu về nhạc cụ truyền thống thì các bé hoặc không biết, hoặc nói sai tên trong khi các nhạc cụ phương Tây như piano, ghita,… các em có thể dễ dàng gọi tên. Nhìn ra các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… các em bé 6 tuổi đã có thể chơi đàn dân tộc một cách thành thạo.
Đưa âm nhạc truyền thống đến gần công chúng hơn
Nhạc sĩ Quang Long, Phó Ban biên tập - Nhà xuất bản Âm nhạc, người có nhiều đóng góp tích cực trong việc phục hồi nghệ thuật hát Xẩm và dòng Xẩm Hà Nội cho biết: "Hiện chưa có nhiều bạn trẻ quan tâm đến âm nhạc truyền thống, nhưng tôi tin nếu được tiếp xúc thì họ sẽ yêu âm nhạc truyền thống. Thực tế cho thấy đã có nhiều bạn trẻ tự nguyện đến với âm nhạc truyền thống sau những buổi được tiếp xúc với nó. Cái khó của âm nhạc truyền thống là gần như chúng ta vẫn “trắng” trong giáo dục nên người nghe chưa có “nền móng cơ bản” để tiếp nhận. Vì vậy người diễn giải trong mỗi chương trình có vai trò quan trọng. Cũng theo nhạc sĩ Quang Long, thời điểm hiện nay, nhóm Xẩm Hà thành vẫn luôn nhận được những lời đề nghị xin được học hát.
Nhằm phổ biến âm nhạc dân tộc đến với quần chúng, đặc biệt là đối tượng học sinh - sinh viên, đã có nhiều chương trình hoạt động ra đời. Ở Hà Nội, Đại học FPT đã từng tổ chức thành công khóa học đàn tranh - đàn bầu, thu hút nhiều sinh viên tham gia. Còn ở TP Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục - Đào tạo đã đưa ra đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học” được khá nhiều trường ủng hộ.
Thời gian gần đây, có hai nhóm chơi nhạc cụ dân tộc thành công, ghi nhiều dấu ấn trong lòng khán giả là Mặt trời mới và Mặt trời đỏ. Họ vừa chơi những nhạc cụ dân tộc vừa hát với phong cách trẻ trung sôi nổi, được hòa âm phối khí hiện đại, quen thuộc. Đây là một hướng đi mới giúp âm nhạc dân tộc đến gần nhiều người hơn.
Riêng về vấn đề việc làm, theo ông Cồ Huy Hùng: “Các em sinh viên ở đây có thể đi diễn thêm ở ngoài, ra trường các em có thể làm việc ở các đoàn nghệ thuật, nhà văn hóa, cung thiếu nhi hay đi dạy. Không phải cứ học đàn là chỉ biết đánh đàn, các em có thể làm biên tập, dàn dựng,… vì trong quá trình giảng dạy chúng tôi đã trang bị đầy đủ những kiến thức này cho các em”.
Tuy vậy, để âm nhạc dân tộc có sức sống lan tỏa hơn nữa trong xã hội, vẫn cần đến sự đầu tư đúng mức để các nghệ nhân, nghệ sĩ - những người đang trực tiếp lưu giữ những giá trị truyền thống vững tâm hơn vào con đường mình đã lựa chọn. Để từ đó, âm nhạc truyền thống sẽ ngày càng phát triển hơn, xứng với tầm vóc của một nền văn hóa lâu đời của dân tộc.
Thu Hà