Lỗ hổng trong giáo dục âm nhạc phổ thông

Giáo dục âm nhạc ở Việt Nam đang cần có sự đổi mới cho phù hợp với bối cảnh hiện tại, hướng tới hòa nhập với thế giới.


Nhiều bất cập

Theo PGS.TS Trịnh Hoài Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung ương, ở nhiều quốc gia trên thế giới người ta đặc biệt quan tâm đến giáo dục nghệ thuật và sự tác động của nó đến sự hình thành nhân cách và trí tuệ của lớp trẻ. Chính vì thế mà nhiều quốc gia như Nga, Mỹ, Ôxtrâylia… đã đưa một số loại hình nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa… vào giáo dục trong nhà trường. Ở nước ta, việc giáo dục nghệ thuật trong các trường phổ thông lại bị xem nhẹ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Phải đến tận năm 2002, các môn nghệ thuật, trong đó có môn Âm nhạc và Mỹ thuật mới được coi là môn học chính thức trong hệ thống giáo dục phổ thông, nhưng chỉ dừng ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS), còn Trung học phổ thông (THPT) thì hoàn toàn bỏ ngỏ.

Cô giáo Bùi Thị Hồng, Trường THPT Dân tộc nội trú Tuyên Quang hướng dẫn học sinh dân tộc trong CLB Then của trường về hát Then - đàn Tính. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Điểm lại chương trình dạy âm nhạc trong trường phổ thông ở Việt Nam cho thấy, ở cấp tiểu học, riêng lớp 1 và lớp 2 được học 12 bài/năm. Từ lớp 3 đến lớp 5 giảm còn 10 bài/năm và bắt đầu học thêm xướng âm. Ở THCS, từ lớp 6 đến lớp 8, các em được học 8 bài/năm, riêng lớp 9 chỉ còn 4 bài. Như vậy, có thể thấy rõ số lượng bài hát giảm dần theo lứa tuổi, và danh sách bài học cố định cho tất cả các vùng miền.

Theo nhạc sỹ Nguyễn Thị Minh Châu, Ủy viên thường vụ Hội Nhạc sỹ Việt Nam, giáo trình “đóng khung” danh mục các bài hát đó quả là nhàn cho thầy cô và cũng để các nhà quản lý giáo dục dễ kiểm soát, song điều này làm giảm đi tính linh hoạt của một nghệ thuật luôn cần sự tươi mới và sinh động theo dòng chảy thời gian như âm nhạc. Bên cạnh đó, hầu hết các bài hát trong giáo trình giáo dục âm nhạc phổ thông hiện nay đều có tuổi đời khá cao, được hát qua nhiều thập niên, có nghĩa là những bài hát của tuổi thơ thế hệ giờ đã lên chức ông, chức bà. Chính vì vậy, dù có hay, có thuộc các “bài ca đi cùng năm tháng” đi nữa, thì nội dung lời ca chưa chắc còn phù hợp với tuổi thơ hôm nay.

“Một nền giáo dục tốt không chỉ đóng khung trong việc trang bị kiến thức cho con trẻ, không nhồi sọ quá tải lý thuyết suông, mà quan trọng hơn thế, đó là giúp các công dân tương lai biết thực hành kỹ năng sống, biết cảm nhận cái đẹp trong thiên nhiên, biết rung động trước cái đẹp trong tình người, để từ đó biết sống lương thiện với đúng nghĩa một con người có nhân cách” - NS. Nguyễn Thị Minh Châu, Ủy viên thường vụ Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

Nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường cũng chỉ ra những bất cập trong hệ thống sách giáo khoa về âm nhạc hiện nay như: Về hình thức, một số cuốn sách in chưa đẹp, bị chồng màu, ảnh lúc sử dụng ảnh màu, lúc dùng ảnh đen trắng dẫn đến sự không thống nhất. Về nội dung, một số cuốn sách còn mắc lỗi chính tả, một số chi tiết bài giảng chưa chính xác hoặc thiếu. Ngay cả thông tin về tác giả bài hát có chỗ cũng in sai. Bên cạnh đó, tỷ lệ các bài hát Việt Nam với bài hát nước ngoài chưa cân xứng. Cụ thể, trong hệ thống sách giáo khoa âm nhạc từ lớp 1-9 có 192 ca khúc.

Trong số này có 30 bài dân ca Việt Nam (chiếm 15,6%), nhưng lại có đến 35 bài hát nước ngoài (chiếm 18,2%). Nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường cho rằng, nên giảm số lượng bài hát nước ngoài, bổ sung thêm các bài hát dân ca Việt Nam như ca trù, ví dặm, hát xoan… vào bài học. Đối với các vùng miền có các làn điệu dân ca phát triển, thì nên tăng cường danh mục bài hát do địa phương tự chọn…

Ngoài những bất cập về sách giáo khoa, thì nhiều ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay, chất lượng giáo viên âm nhạc chưa đồng đều, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu xã hội. Thêm vào đó, phương pháp dạy âm nhạc trong các trường phổ thông hiện nay vẫn còn rất cứng nhắc, mô phạm nên không hấp dẫn được học sinh, dẫn đến tình trạng học sinh học nhạc một cách đối phó, học vẹt nên nhiều em dù được đọc nốt nhạc từ khi 9-10 tuổi, nhưng đến tuổi trưởng thành vẫn mù nhạc.

Bỏ ngỏ cấp trung học phổ thông

Một trong những bất cập lớn nhất hiện nay là ngành giáo dục bỏ ngỏ chương trình giáo dục âm nhạc ở cấp THPT.

Các chuyên gia về giáo dục và nghệ thuật cho rằng, học sinh lứa tuổi THPT đang phát triển hoàn thiện về thể chất và tư duy, rất cần được tiếp tục học tập về âm nhạc, mỹ thuật để hình thành định hướng thẩm mỹ và nghệ thuật. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, việc giáo dục hai môn nghệ thuật này đang bị bỏ ngỏ, dẫn đến nhiều học sinh yêu thích nghệ thuật, có năng khiếu về lĩnh vực này không có môi trường để phát triển.

PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai, nguyên Trưởng khoa Sư phạm âm nhạc cho rằng, học sinh phổ thông hiện đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc học các môn tự nhiên và xã hội. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai, nếu áp lực học kiến thức của học sinh phổ thông bớt đi, sau giờ học chính các em được tham gia vào những sinh hoạt nhảy múa, ca hát ít nhất 1-2 lần/tuần, thì sự căng thẳng sẽ được giải tỏa phần nào. Đồng thời, qua các hoạt động vui chơi đó, các em sẽ gắn bó với nhau hơn và vấn nạn bạo lực học đường chắc chắn sẽ giảm.

Theo nhạc sỹ Nguyễn Thị Minh Châu, lứa tuổi THPT là lứa tuổi đang định hình nhân cách, nhu cầu giải trí bằng âm nhạc nói riêng, bằng các loại hình nghệ thuật khác nói chung không hề giảm đi, mà ngược lại nó càng thiết thực hơn, bởi đây là lứa tuổi các con đang rất muốn chứng tỏ mình với mọi người và khao khát khám phá thế giới xung quanh mình. Song lứa tuổi này, các con cũng chưa đủ bản lĩnh để phân biệt hay - dở, thật - giả trong muôn vàn sự phức tạp của cuộc sống hiện tại, nếu không có sự gợi mở, điều chỉnh và dẫn dắt trong việc cảm thụ âm nhạc, thẩm mỹ… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách và kỹ năng xã hội cho thế hệ tương lai, vì thế không thể xem nhẹ giáo dục âm nhạc cũng như giáo dục nghệ thuật nói chung trong chương trình phổ thông.

Phương Hà
Lối đi nào cho âm nhạc truyền thống
Lối đi nào cho âm nhạc truyền thống

Có lẽ chưa bao giờ âm nhạc dân tộc lại trở nên “lép vế” so với đời sống sôi động của âm nhạc hiện đại trên các sân khấu như hiện nay. Trước thực tế đó, không chỉ các nhà nghiên cứu mà cả những sinh viên trẻ vẫn đang nỗ lực nhằm bảo tồn, phát huy dòng nhạc này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN