Lễ hội nơi vua Đinh đóng quân, luyện tập binh mã thu hút du khách

Ngày 7/2 (mùng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia động Hoa Lư (xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã diễn ra Lễ hội truyền thống động Hoa Lư.

Lễ hội thể hiện lòng thành kính của nhân dân địa phương và du khách đối với vua Đinh Tiên Hoàng và những người có công với đất nước; thu hút đông đảo người dân và du khách dâng hương, vãn cảnh. Lễ hội được địa phương, cộng đồng dân cư tổ chức nghiêm trang với nhiều nghi lễ tế, rước cùng với các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian như cờ lau tập trận, múa lân, hát chèo, thi đấu cờ tướng và chương trình giao lưu văn nghệ… tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Lễ hội diễn ra tại 4 địa điểm: Đình Trai, chùa Hưng Quốc, động Thung Lau, đền Thung Lá.

Ông Đinh Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Gia Hưng cho biết, Lễ hội truyền thống động Hoa Lư là hoạt động văn hóa truyền thống, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để người dân và du khách nhớ về cội nguồn, ghi nhớ công lao dựng nước và giữ nước, tạo lập làng, xã...

Động Hoa Lư còn có tên là Thung Lau, Thung Ông. Xưa kia, Đinh Tiên Hoàng đế lấy chốn sơn động Hoa Lư làm nơi luyện tập binh mã, chiêu hồi quân sĩ. Sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng tự xưng là Vạn Thắng Vương, lập lên nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta. Động Hoa Lư được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996. Nằm giữa động Hoa Lư là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và hội đồng văn võ triều Đinh, phía sau đền vua Đinh là đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không - người có công xây dựng đất nước.

Trong khuôn khổ lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với UBND huyện Gia Viễn tổ chức Giải Vật dân tộc tỉnh Ninh Bình Năm 2025. Tham dự giải có 7 đơn vị huyện, thành phố với gần 40 đô vật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về thể lực, kỹ, chiến thuật đại diện cho các đơn vị tham gia tranh tài ở các hạng cân: 50kg, 50kg - 55kg, 55kg - 60kg, 60kg - 65kg, 65kg - 70kg, 70kg - 75kg, 75kg - 80kg và trên 80kg.

Khai mạc Lễ hội chùa núi Thần Đinh

Cùng ngày, UBND huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) và Ban Trụ trì Chùa Thần Đinh khai mạc Lễ hội Di tích danh thắng chùa núi Thần Đinh năm 2025.

Chú thích ảnh
Ban Trụ trì chùa núi Thần Đinh cùng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Ninh dâng hương tại Lễ khai hội chùa núi Thần Đinh. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ nhấn mạnh, lễ hội diễn ra hằng năm, thu hút hàng nghìn lượt khách và phật tử, qua đó gắn kết cộng đồng trong một khối thống nhất của tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, góp phần xây dựng giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, truyền thống lịch sử văn hóa tín ngưỡng địa phương.

Lễ hội gồm nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Lễ rước nước thiêng giếng Tiên; đại lễ cầu quốc thái, dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc; liên hoan văn nghệ; các hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn...

Chú thích ảnh
Nghi thức tại Lễ khai hội chùa núi Thần Đinh. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Di tích danh thắng chùa núi Thần Đinh tọa lạc tại thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, cao 342m so với mực nước biển. Nơi đây không chỉ thu hút du khách với phong cảnh hữu tình mà còn là câu chuyện tương truyền về vùng đất “đa phật” qua lời truyền tụng dân gian rằng “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật”.

Hiện trên núi có dấu tích chùa Non, miếu, mộ cổ; sườn núi có động sâu thẳm, nước mạch trong lành, quanh năm không bao giờ cạn. Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định xếp hạng núi Thần Đinh là di tích danh thắng của tỉnh.

Phóng viên TTXVN các địa phương
Khai mạc Lễ hội chùa núi Thần Đinh, Quảng Bình
Khai mạc Lễ hội chùa núi Thần Đinh, Quảng Bình

Sáng 7/2 (tức mùng 10 tháng Giêng), tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) diễn ra Lễ khai hội chùa núi Thần Đinh năm 2025. Lễ hội nhằm cầu nguyện cho một năm với nhiều may mắn, an lành. Đây cũng là nơi tìm về cội nguồn dân tộc, hòa mình vào chốn tâm linh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN