Đây là hoạt động thiết thực, đặc sắc, nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa Tây Nguyên, đưa nhạc cụ dân tộc đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là du khách tới tỉnh tham dự Lễ hội.
Chương trình gồm có 2 phần: “Ngày vui sum họp” và “Nhịp điệu Cao nguyên”. Biểu diễn tại chương trình là các nghệ nhân buôn Wiao đến từ huyện Krông Năng, Câu lạc bộ sáo trúc xã Ea Siên ở thị xã Buôn Hồ, đội hát Then - đàn Tính xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin), Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân cùng các nghệ sĩ, nhạc sĩ, Chi hội Văn nghệ dân gian.
Trong chương trình, người dân, du khách đã được hòa mình vào những tiết mục biểu diễn đậm bản sắc văn hóa, góp thêm nhiều trải nghiệm trong các hoạt động của Lễ hội. Đông đảo du khách và nhân dân đã được thưởng thức những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng từ các nhạc cụ dân tộc như: cồng chiêng, đàn T’rưng, đàn đá, chiêng tre, sáo trúc…
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, Đạo diễn Chương trình văn nghệ dân gian “Nhịp điệu Cao nguyên”cho biết, âm nhạc dân gian Tây Nguyên là một trong những kho tàng phong phú, độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nhắc đến âm nhạc dân gian Tây Nguyên, ngoài cồng, chiêng còn có nhiều loại nhạc cụ của các dân tộc khác, như: Tày, Nùng, Dao, M’Nông..., tạo nên bức tranh âm nhạc nhiều màu sắc, giai điệu độc đáo, góp phần làm phong phú kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống với bản sắc văn hóa đa dạng, do đó, tỉnh có sẵn lực lượng nghệ nhân tại buôn làng giàu kinh nghiệm, kỹ năng biểu diễn. Thêm vào đó, mảng văn nghệ dân gian của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng hội tụ được nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ từ tre, nứa. Việc kết hợp văn nghệ dân gian các dân tộc, cùng với giới thiệu nhạc cụ tre, nứa hội tụ trong dịp này vừa quảng bá bản sắc văn hóa, vừa hưởng ứng và tạo cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột càng thêm náo nhiệt, hấp dẫn.
Ngoài thưởng thức các tiết mục, du khách còn được tương tác, trải nghiệm với các nhạc cụ dân tộc, như: đàn đá, Vio Kram (violon tre), piano tre, sáo, chiêng. Nhiều tiết mục được biểu diễn ngẫu hứng nhưng đầy tính nghệ thuật khiến khán giả thích thú. Bà Nguyễn Thị Kim Linh, sinh năm 1943, du khách đến từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, chương trình diễn ra bài bản, vui nhộn, không gian mở và sân khấu đẹp, tạo nhiều thiện cảm cho người xem. Chương trình không chỉ giới thiệu về văn nghệ dân gian, còn đưa khán giả đến những miền ký ức, đến âm thanh rộn ràng của buôn làng, đời sống của đồng bào các dân tộc. Trong đó, bà Linh ấn tượng nhất là tiết mục “Gà gáy” biểu diễn bằng violon tre của một bé gái 11 tuổi.
Trong chương trình, nhiều tiết mục đặc sắc, để lại ấn tượng cho du khách và người xem như: diễn tấu Ching K’nah (gọi Giàng, gọi về sum họp), diễn tấu Ching Kram (Đón khách – mời rượu), Hát Kưưt (Chúc sức khoẻ, chúc buôn làng giàu đẹp), biểu diễn sáo trúc, Hát then - Đàn tính.
Anh Đỗ Như Ý, du khách đến từ thành phố Hà Nội cho biết, cảm nhận của anh là những nhạc cụ tre, nứa rất phổ thông và những người lần đầu tiên tiếp xúc cũng có thể tự tin chơi được. Có thể trong quá trình lao động nương rẫy hoặc đồng áng, người dân đã sáng tạo nên những loại nhạc cụ này để vơi bớt nhọc nhằn. Theo anh Ý, tỉnh cần nghiên cứu biểu diễn chương trình văn nghệ dân gian chủ đề “Nhịp điệu Cao nguyên” nhiều hơn vì chương trình thật sự hấp dẫn, đặc sắc đối với du khách.