Lần đầu tiên Hà Nội cho phép đấu giá cổ vật

Ngày 10/7, Công ty Cổ phần đấu giá số 5 quốc gia đã tổ chức họp báo công bố tài liệu về cuộc bán đấu giá cổ vật có giá trị lịch sử văn hóa, bộ trang sức gắn 2 viên đá Ruby sao và các tác phẩm nghệ thuật.

Tham dự buổi họp báo có đại diện Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội và Hội Đá quý Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên UBND Thành phố Hà Nội cho phép doanh nghiệp bán đấu giá tài sản tổ chức bán đấu giá cổ vật theo văn bản số 3110/UBND-KGVX ngày 27/6/2017. Dự kiến, cuộc đấu giá được tổ chức vào 18 giờ ngày 19/8/2017 tại Khách sạn Hà Nội.

Ban tổ chức cho biết, cổ vật được đưa ra đấu giá gồm: “Bình đồng văn hóa Đông Sơn” có niên đại khoảng 2000 năm, giá khởi điểm gần 1 tỷ đồng, bước giá là 50 triệu đồng; “Thạp gốm hoa nâu” đời nhà Trần (thế kỷ 13 - 14) có giá khởi điểm hơn 740 triệu đồng, bước giá 30 triệu đồng; “Hộp lam pháp Hoàng cung” của thời nhà Nguyễn (giữa thế kỷ 19) có giá khởi điểm hơn 532 triệu đồng, bước giá 20 triệu đồng.

Cổ vật được trưng bày tại một triển lãm. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Theo luật sư Quản Văn Minh, Chủ tịch Hội đấu giá viên Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đấu giá số 5 quốc gia: “Đây đều là những kiệt tác nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa lớn thuộc dạng quý hiếm được lưu giữ và bảo quản trong tình trạng tốt nhất”. Ngoài ra, Công ty Cổ phần đấu giá số 5 quốc gia cũng bán đấu giá bộ trang sức với 2 viên đá quý Ruby sao có giá khởi điểm hơn 1,74 tỷ đồng, bước giá 100 triệu đồng. Đây là loại đá quý hiếm nhất và hiện chỉ còn có ở vài nơi trên thế giới, trong đó có mỏ đá quý Tân Hương, tỉnh Yên Bái.

Cuộc bán đấu giá còn bán năm pho tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dát vàng của làng nghề Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) với giá khởi điểm 100 triệu đồng, bước giá 10 triệu đồng. Đại diện UBND xã Kiêu Kỵ cho biết: Đây là lần đầu tiên sản phẩm của các nghệ nhân xã Kiêu Kỵ được tham gia đấu giá với mục đích quảng bá cho thương hiệu làng nghề Kiêu Kỵ mới được thành phố đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng.

Luật sư Quản Văn Minh phân tích thêm: Cổ vật là một loại tài sản khi đưa ra đấu giá phải tuân theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Di sản, các quy định của luật chuyên ngành, phải có hồ sơ pháp lý, được đăng ký đầy đủ. Cụ thể, với hai viên đá quý, trước khi tổ chức đấu giá, phải thẩm định hồ sơ về thu mua, kê khai, nộp thuế, hợp đồng gia công…

Ông Minh nhấn mạnh "mua cổ vật qua đấu giá sẽ đảm bảo cả về tính pháp lý lẫn kinh tế, giá trị tài sản được khẳng định bằng xác nhận trúng đấu giá”. Cũng theo ông Minh, trong 3 cổ vật được bán đấu giá, chiếc Bình đồng văn hóa Đông Sơn thuộc danh mục cổ vật không được đem ra nước ngoài.

TTXVN/Tin Tức
Người dân Bình Phước tìm thấy cổ vật thời tiền sử
Người dân Bình Phước tìm thấy cổ vật thời tiền sử

Vào cuối tháng 4/2017, trong quá trình đào đất đổ nền nhà, ông Lê Minh Khai (sinh năm 1943, ngụ tại thôn 8, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) phát hiện nhiều đá có hình dạng như lưỡi rìu nghi lưỡi tầm sét.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN