Trong khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa cấp phép cho cuộc thi “Hoa khôi Thể thao bãi biển châu Á 2016”, đồng thời có văn bản điều chỉnh một số nội dung của cuộc thi “Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016”; trong khi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đang chuẩn bị cho vòng chung khảo khu vực phía Bắc và đã chọn được 18 gương mặt phía Nam lọt vào vòng chung kết; thì cũng là lúc dư luận lại “nóng” về những vi phạm của một cuộc thi, cũng thuộc về thi nhan sắc: Cuộc thi “Duyên dáng doanh nhân Việt”.
Vòng chung khảo phía Nam của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. Ảnh: BTC |
Cuộc thi diễn ra từ tối 19/6, nghĩa là đã gần một tháng trôi qua, nhưng có lẽ dư âm về “mưa giải thưởng” vẫn khiến chính các thí sinh tham dự cuộc thi, lẫn dư luận bàng hoàng và bản thân những nhà quản lý cũng… không thể tin nổi vào mắt mình. Có tổng cộng… 33 danh hiệu được trao trong cuộc thi, gồm cả Hoa khôi, Á khôi 1, Á khôi 2, Á khôi 3, rồi các giải phụ. Có lẽ, nên có 1 sự công nhận về “kỷ lục” cho cuộc thi, không chỉ với con số giải thưởng gần bằng với số thí sinh dự thi chung kết một cuộc thi khác; mà còn bởi lần đầu tiên có tới… 10 giải Á khôi 3 và 26 giải phụ.
Điều đáng nói hơn, cuộc thi đã được diễn ra trước khi có giấy phép của cơ quan quản lý. Cụ thể, trong hai ngày 5 - 6/6, vòng 2 cuộc thi đã được tổ chức tại tỉnh Bình Thuận, trong khi ngày 2/6, UBND TP Hồ Chí Minh mới có văn bản chấp thuận đề nghị của Sở Văn hóa- Thể thao (VH&TT) TP Hồ Chí Minh cho phép tổ chức cuộc thi Hoa khôi "Duyên dáng Doanh nhân Việt 2016". Và phải tới ngày 14/6, Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh mới ký văn bản cấp phép cho cuộc thi "Duyên dáng Doanh nhân Việt 2016".
Cũng theo như thông tin mới nhất của Sở VH &TT TP Hồ Chí Minh, cuộc thi không chỉ diễn ra khi chưa được cho phép, mà BTC cuộc thi còn “vượt rào” so với đề án được phê duyệt. Cụ thể, Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh chỉ cấp phép cho cuộc thi “Duyên dáng Doanh nhân Việt” tổ chức tuyển sinh tại thành phố, nhưng BTC cuộc thi lại công bố rộng rãi việc chọn thí sinh trên toàn quốc. Theo đó, cuộc thi tuyển thí sinh từ 22 - 59 tuổi, mỗi thí sinh phải nộp lệ phí 6 triệu đồng để tham dự cuộc thi.
Về phía BTC, Công ty CP Mỹ thuật Truyền thông Ngôi sao Việt trong bản báo cáo giải trình gửi Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh đã lý giải về việc “vượt rào”, trao quá nhiều danh hiệu rằng: Tiêu chí BTC đề ra với cuộc thi là “sân chơi lành mạnh dành cho các nữ doanh nhân nhằm giải tỏa những stress trong công việc làm ăn, tạo môi trường giao thương, vì vậy, vấn đề có nhiều giải thưởng phụ trong cuộc thi nhằm để động viên và khích lệ chị em doanh nhân được vui hơn và tự hào trước gia đình, đối tác và CB - CNV của mình”.
Kết quả cuộc thi đã là điều làm dư luận bất bình, nhưng cách lý giải của BTC cuộc thi càng khiến dư luận… ngẩn ngơ. Rằng liệu BTC cuộc thi “ấu trĩ” hay thực sự cố tình vi phạm. Bởi đã là một cuộc thi, dù là “hoa hậu”, “hoa khôi” hay “duyên dáng”- nghĩa là quy mô có khác nhau; thì vẫn phải có những quy định về luật pháp phải tuân theo. Mà cụ thể ở đây là Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ; cũng như những văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định. Trong đó, không có 1 quy định nào cho phép về “mưa giải thưởng”, càng không có quy định nào cho việc là “sân chơi” của riêng một đối tượng nên được phép tổ chức “theo cách của mình”.
Theo công văn của Thanh tra Bộ VH,TT&DL gửi Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh yêu cầu giải trình về cuộc thi, thì việc Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh cấp phép cho một cuộc thi có tên gọi "Duyên dáng Doanh nhân Việt 2016" và tuyển chọn 50 thí sinh trên phạm vi toàn quốc tham dự vòng chung kết và thực hiện các vòng thi tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố khác là vi phạm điều 18 và điều 20 Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ. Còn bản thân sai phạm của BTC cuộc thi thì đúng là “vô tiền khoáng hậu”, không từng có trong khuôn khổ bất cứ một quy định nào!
Sai thì cũng đã sai, chắc chắn BTC cuộc thi sẽ bị phạt, bản thân Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phép của mình trước Bộ VH,TT&DL. Nhưng điều đáng nói ở đây là liệu vì sao giữa một trong những thành phố lớn nhất nhì cả nước, lại có thể để xảy ra những sai phạm như vậy trong việc tổ chức thi người đẹp, hoa hậu? Phải chăng đó là hậu quả của việc quản lý không chặt chẽ với lĩnh vực này? Và còn một điều nữa, đây có phải là hậu quả của việc “bung” ra với các cuộc thi hoa hậu, người đẹp thời gian gần đây, mà dư luận đã nhắc tới nhiều. Rằng, thay vì 1 năm chỉ cấp phép cho 1 - 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia, thì năm 2016 có tới 3 cuộc thi cấp quốc gia (Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Biển và Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu), chưa kể vô số các cuộc thi kiểu như “duyên dáng”, “hoa khôi” khác nữa. Trong khi văn bản pháp luật về việc quản lý trong lĩnh vực này thì vừa ra đời đã phải sửa đổi do chưa phù hợp.
Những muốn “cuộc thi hoa hậu thực sự không phải là một cuộc thi để lại những điều tiếng, mà để lại tiếng tốt, ảnh hưởng tốt, góp phần thu hút du lịch, quảng bá đất nước, tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam; những người đoạt giải phải tự hào và người chưa được phải tâm phục khẩu phục”, như khẳng định của người phát ngôn Bộ VH,TT&DL, có lẽ ngành VHTT còn phải nỗ lực rất nhiều.