Lễ hội thuộc Ðề án "Tổ chức lễ hội truyền thống khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm", nhằm khôi phục và phát huy lễ hội truyền thống, qua đó tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa phi vật thể của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Lễ hội diễn ra trong không khí trang nghiêm và thành kính, với sự tham dự của các cấp chính quyền địa phương, đông đảo người dân và du khách. Ban tổ chức đã thực hiện lễ dâng hương nhằm tỏ lòng thành kính và tri ân công lao to lớn của Đức Mẫu Hoàng Thái hậu Nguyên Phi Ỷ Lan, người đã có công lao to lớn trong việc xây dựng và phát triển đất nước, mang lại cuộc sống thái bình, ấm no cho nhân dân.
Ông Nguyễn Mạnh Linh, Chủ tịch UBND phường Hàng Gai cho biết, hoạt động này gắn liền với dự án "Chuyện đình trong phố", là lần thứ hai triển khai tại đình Yên Thái, nhằm làm sống lại huyền tích trong ngôi đình gắn với bảo tồn di sản, phát triển du lịch.
Bằng công nhận Di tích Lịch sử văn hóa đình Yên Thái được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Đức Nguyên phi tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày mồng 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), người hương Thổ Lỗi, huyện Siêu Thoại, trấn Kinh Bắc (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trong hơn nửa thế kỷ (1063 - 1117) là Nguyên phi, rồi Hoàng hậu, Nhiếp chính Triều Lý, Ỷ Lan Nguyên phi đã tỏ ra là là bậc nữ lưu kiệt xuất, có tài kinh bang tế thế phò vua giúp nước, người hai lần nhiếp chính, giúp vua đánh thắng giặc, coi trọng nông tang, thương dân nghèo khó, giữ nghiêm phép nước, trừng trị bọn lộng quyền, tham nhũng, được xưng tụng là “Lý Đại Mẫu nghi”.
Năm Kỷ Dậu (1069) có giặc Chiêm thành đến xâm lấn bờ cõi nước ta, vua Lý Thánh Tông phải trực tiếp cầm quân đánh giặc, Thái tử còn nhỏ, vua giao cho Nguyên phi Ỷ Lan trông nom và cai quản triều chính. Năm Nhâm Tý (1072) vua Lý Thánh Tông ốm nặng rồi qua đời, Hoàng Thái tử Kiền Đức lên ngôi vua, tôn mẹ làm Thái hậu Linh Nhân. Vua còn nhỏ tuổi, Thái hậu Linh nhân buông rèm nhiếp chính, cùng hai danh tướng Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành điều hành việc nước.
Trong những năm trị vì đất nước, theo sử sách ghi lại, Đức Nguyên phi Hoàng Thái hậu đã có nhiều chính sách đem lại ấm no, hạnh phúc, yên vui cho dân nước Đại Việt. Nguyên Phi Ỷ Lan không chỉ được nhân dân và đạo Phật phong là "Như lai xuất thế, Lý triều Thiên Nam Đệ nhất", là “Phật Mẫu”, mà còn được thờ và tôn làm Thành Hoàng của làng Yên Thái, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ (nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) phụng thờ.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” và theo lời truyền tụng của các vị bô lão làng An Thái xưa, lịch sử xây dựng đình, đền Yên Thái, tên tự xưa là “Quán Đồng Thiên” (một trong tứ quán của Thăng Long xưa), nay gọi là “Yên Thái linh từ” luôn gắn liền với sự nghiệp to lớn của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan.
Đình còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật giá trị, trong đó có 10 đạo sắc quý, sớm nhất là sắc phong Cảnh Hưng thứ 14 (năm 1753). Ngày 16/1/1995, đình Yên Thái đã được Bộ Văn hoá - Thông tin ra Quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hoá.
Các đại biểu tham quan giếng cổ trong đình Yên Thái.
Triển lãm nghệ thuật "Sắc Lụa" diễn ra từ ngày 4/4 - 4/7/2025.
Trong khuôn khổ lễ dâng hương kỷ niệm 981 năm Ngày sinh Nguyên phi Ỷ Lan, còn có nhiều hoạt động đặc sắc và ý nghĩa như: Nghi thức phóng sinh; hành lễ tế Mẫu, triển lãm nghệ thuật "Sắc Lụa". Triển lãm có khoảng 20 tác phẩm, đa dạng về cách biểu đạt tranh lụa trên khung kính, tranh ứng dụng đèn hoặc sắp đặt, diễn ra từ ngày 4/4 - 4/7.