Tưởng nhớ, tri ân công lao danh nhân lịch sử Nguyên phi Ỷ Lan

Ngày 31/3, UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) tổ chức Lễ kỷ niệm 958 năm Ngày Nguyên phi Ỷ Lan đăng quang (20/2 năm Quý Mão 1063 - 20/2 năm Tân Sửu 2021) để tưởng nhớ tri ân, công lao đức độ danh nhân lịch sử Nguyên phi Ỷ Lan và khai trương điểm giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề nông thôn trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo huyện Gia Lâm và Sở Công thương Hà Nội thực hiện nghi thức cắt băng khai trương điểm thiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề nông thôn huyện Gia Lâm. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày 7/3/1044, quê ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1063, vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi nhưng chưa có con trai kế vị ngai vàng nên về chùa Dâu cầu tự, tình cờ gặp Lê Thị Yến đang hái dâu, đứng tựa vào gốc lan (Ỷ Lan), vừa xinh đẹp vừa thông minh mới cảm mến đưa về triều phong làm cung phi. 

Khác với các hậu phi, Ỷ Lan chăm chỉ học hành, trau dồi kiến thức nên được triều thần bái phục là người có tài. Trước những biến cố của quốc gia như thiên tai, mất mùa, loạn lạc, giặc xâm lược, bà đều vững vàng đưa ra các sách lược đúng đắn, giúp đất nước vượt qua khó khăn, giữ được thái bình thịnh trị. Bà sinh thành ra vua Lý Nhân Tông, lần thứ hai nhiếp chính khi nhà vua tuổi còn nhỏ, giúp nước Đại Việt giữ được con đường cường thịnh, văn hiến.

Với công lao và đức độ, Nguyên phi Ỷ Lan đã được tôn phong là Mẫu nghi thiên hạ, Thượng Đẳng Tối Linh Thần, được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị UNESCO công nhận người phụ nữ huyền thoại thế giới.

Nhớ ơn công đức của Nguyên phi Ỷ Lan, nhiều năm qua, huyện Gia Lâm, nhân dân, khách thập phương đã chung tay tu bổ, tôn tạo di tích đền Nguyên phi Ỷ Lan, đưa nơi đây trở thành điểm đến văn hóa, giáo dục lịch sử truyền thống và du lịch tâm linh nổi bật của địa phương và Thủ đô.

Dịp này, UBND huyện Gia Lâm tổ chức khai trương điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Điểm giới thiệu có vị trí sát khu đền Nguyên phi Ỷ Lan, tạo lợi thế trong quảng bá, nâng tầm thương hiệu sản phẩm, làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Đến năm 2020, huyện Gia Lâm có 49 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó 5 sản phẩm đạt thứ hạng 5 sao. Huyện đặt mục tiêu từ năm 2021 đến 2025 sẽ phát triển, đánh giá và xếp hạng từ 100 đến 150 sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nam Giang (TTXVN)
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP

Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh Hà Nam đã có 41 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, có 16 sản phẩm OCOP 4 sao và 25 sản phẩm OCOP 3 sao. Sau khi được công nhận OCOP, các cơ sở đã duy trì và xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo chỗ đứng trên thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN