Tham dự buổi lễ có đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương; lãnh đạo Quân khu IV; lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn; tỉnh Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh); dòng họ Mai trên toàn quốc và đông đảo người dân địa phương.
Trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và tỉnh Nghệ An đã dâng hương, dâng hoa tại Lăng miếu Vua Mai; tri ân những công lao, đóng góp của Vua Mai Hắc Đế trong thời kỳ dựng nước và giữ nước.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế đến đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa Thể thao và huyện Nam Đàn.
Tri ân công lao của Vua Mai Hắc Đế
Đọc diễn văn tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, Mai Hắc Đế, tên chữ là Mai Thúc Loan, sinh năm Canh Ngọ (670). Thân mẫu Mai Hắc Đế sinh ra và lớn lên ở làng Mai Phụ, huyện Thiên Lộc (nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Theo truyền thuyết, sau khi mang thai, bà đã chuyển đến thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) sinh sống, Bà sinh hạ con trai và đặt tên là Mai Thúc Loan. Lúc bấy giờ, nước ta dưới sự đô hộ của nhà Đường, nhân dân trăm họ lầm than, oán thán.
Năm Quý Sửu 713, ở đất Hoan Châu (thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay), Mai Thúc Loan đã phất cờ khởi nghĩa. Ông phát hịch kể tội giặc Đường và kêu gọi người dân đứng lên đánh đuổi ngoại xâm. Với tài năng quân sự và ngoại giao đặc biệt, Ông đã chiêu tập quân của 32 châu, liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Xảo Oa, Ja Va để đánh giặc. Vùng đất Vạn An được chọn để xây dựng đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa, cùng với một hệ thống căn cứ: Vệ Sơn, Hùng Sơn, Thung Sơn, Biều Sơn, Liêu Sơn.
Được sự ủng hộ của nhân dân ở lưu vực sông Lam và các châu quanh vùng, Mai Thúc Loan cùng ba quân tướng sỹ nhanh chóng lật đổ bộ máy thống trị do nhà Đường thiết lập ở Hoan Châu. Chớp thời cơ thuận lợi, Mai Thúc Loan dẫn đại quân giải phóng toàn bộ Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), rồi thẳng tiến ra đồng bằng Bắc Bộ, bao vây, tiến công, hạ thành Tống Bình (nay là Thủ đô Hà Nội).
Đất nước sạch bóng ngoại xâm, Mai Thúc Loan lên ngôi Vua, xưng là Mai Hắc Đế và tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền từ triều đình trung ương đến địa phương, ban hành nhiều chính lệnh quan trọng nhằm xây dựng, củng cố, duy trì nền độc lập tự chủ, mang lại cuộc sống an lạc, thanh bình cho trăm họ, muôn dân suốt hơn 10 năm (từ năm 713 đến năm 723).
Sự kiện Mai Thúc Loan xưng Đế, dựng xây đất nước là minh chứng hùng hồn cho khát vọng độc lập, tự chủ, ý chí tự cường, thoát khỏi mọi sự ràng buộc, lệ thuộc vào các thế lực phong kiến phương Bắc của dân tộc Việt Nam nói chung và các thế hệ người dân xứ Nghệ nói riêng. Đã tròn 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu bùng nổ nhưng tinh thần, khí phách, ý chí quật cường, khát vọng độc lập tự chủ của Mai Hắc Đế và dân tộc Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu, đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được tổ chức đúng ngày khai hội Lễ hội đền Vua Mai năm 2023, là dịp để chúng ta tôn vinh, tự hào và trân quý hơn những giá trị lịch sử - văn hóa lớn lao của dân tộc được tạo dựng, bồi đắp, đánh đổi cả bằng máu xương của cha ông qua hàng nghìn năm.
Việc di tích Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt không chỉ là sự ghi nhận, tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa của Di tích mà còn là sự xác lập cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị lâu dài cho di tích.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng cho rằng, kế thừa truyền thống, dựng nước và giữ nước của cha ông, mảnh đất Hoan Châu xưa và Nghệ An hôm nay đã có nhiều thay đổi lớn lao. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát thấp, đến nay quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 10 cả nước. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, là một trong những điểm sáng của cả nước về xây dựng nông thôn mới; đời sống của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được nâng lên rõ rệt.
Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bồi đắp, làm nền tảng để xây dựng những giá trị mới. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường, mở rộng; khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.
Mảnh đất địa linh nhân kiệt
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, Nghệ An là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống yêu nước, cách mạng rất đáng tự hào. Ngay trong thời kỳ chống Bắc thuộc, nhân dân Nghệ An đã hưởng ứng mạnh mẽ các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Phùng Hưng.
Đặc biệt, từ cách đây 1310 năm, mảnh đất này đã làm nên Khởi nghĩa Hoan Châu cùng với công lao của Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế. Sức mạnh của ý chí độc lập, tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân là nhân tố quyết định, làm nên thắng lợi vang dội cho cuộc khởi nghĩa, đã lật đổ được ách thống trị của nhà Đường trên đất nước ta, thành lập chính quyền độc lập, tự chủ trong gần một thập kỷ và người thủ lĩnh khởi nghĩa Mai Thúc Loan đã lên ngôi Hoàng Đế, xây dựng thành Vạn An làm Quốc đô.
Cuộc khởi nghĩa là minh chứng cho tinh thần dân tộc, ý chí tự chủ, tự cường của người Việt Nam, với khát vọng xây dựng nền độc lập cho dân tộc, ngang hàng với phong kiến phương Bắc và cũng là nền tảng tinh thần cho con người xứ Nghệ vươn mình khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tầm vóc để sau này trong hầu hết các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc ta luôn có sự tham gia quan trọng, tích cực và nổi trội của những người dân xứ Nghệ. Bởi vậy, suốt chiều dài lịch sử cùng dân tộc, mảnh đất địa linh, nhân kiệt này luôn có sự gắn kết hữu cơ trong tiến trình mở mang bờ cõi, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; thời nào cũng có những anh hùng, hào kiệt, danh tướng, danh nhân đóng góp công trạng vẻ vang cho đất nước và quê hương.
Chính nơi đây đã sản sinh, nuôi dưỡng nhiều người con ưu tú, mà tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Vua Mai Hắc Đế, Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu… Cùng với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời gắn với quá trình lao động, xây dựng và bảo vệ quê hương, nhân dân xứ Nghệ nói chung, Nghệ An nói riêng còn tạo dựng, bồi đắp nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống đa dạng và giàu bản sắc dân tộc. Trên mảnh đất Nam Đàn nhiều trầm tích văn hóa phong phú, tiêu biểu, nơi 13 thế kỷ trước là đất đứng chân của Vua Mai Hắc Đế và là thành trì của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, nơi có di tích Đền thờ Vua Mai Hắc Đế cùng với Khu di tích Kim Liên, đình Hoành Sơn, Di tích lưu niệm Phan Bội Châu, tạo thành quần thể 4 di tích trên một huyện được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An có quyền tự hào về một lịch sử hào hùng với những dấu ấn văn hóa được tạo dựng từ bao đời mà cha ông để lại cho hậu thế ngày hôm nay.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Đền thờ Vua Mai Hắc Đế là Di tích Quốc gia đặc biệt không chỉ là sự vinh danh, tri ân công lao của Vua Mai Hắc Đế và những bậc tiền nhân có công với dân, với nước mà còn là sự khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa đang được bảo tồn, đồng thời xác lập cơ sở pháp lý cao hơn cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích trong tương lai.
Gắn với di tích Đền thờ Vua Mai Hắc Đế, lễ hội đền Vua Mai hàng năm là hoạt động mang đậm ý nghĩa truyền thống cao đẹp của đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc, vừa là bài học giáo dục sinh động lòng yêu quê hương đất nước và thiết thực đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, tôn vinh các bậc tiền nhân có công với nước, tôn vinh giá trị di sản văn hóa là việc làm vô cùng ý nghĩa không chỉ nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn tạo tiền đề cho phát triển trong tương lai. Khởi nghĩa Hoan Châu cùng khí phách kiên cường, quật khởi của Mai Thúc Loan đã viết nên trang sử nối tiếp truyền thống hào hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc ta để lại những dấu ấn hết sức sâu đậm trong lòng mỗi người con xứ Nghệ cũng như cả dân tộc Việt Nam. Hàng nghìn năm qua, truyền thống đó đã trở thành sức mạnh to lớn, không ngừng được các thế hệ người dân Nam Đàn, người dân xứ Nghệ và toàn dân tộc ta kế thừa, phát huy trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương đất nước.
Về với đất Hoan Châu xưa, quê hương của Vua Mai Hắc Đế, quê hương của Bác Hồ kính yêu, một xứ Nghệ Anh hùng, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, chúng ta vui mừng nhận thấy sự đổi thay, phát triển vượt bậc về kinh tế và xã hội. Nhất là thời gian gần đây Đảng bộ có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nhiều công trình, dự án đang được khởi công, xây dựng, góp phần vào những thành tựu chung của cả nước. Kết quả đó là sự minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà, mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng, hướng đến gần hơn với mục tiêu đưa Nghệ An trở thành trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được, khơi dậy, phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn hệ thống Đảng bộ, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc. Chủ động phối hợp với các Bộ, Ban, ngành Trung ương để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, định hướng và chính sách mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, đặc biệt là những chủ trương, chính sách, cơ chế cho vùng Bắc Trung bộ và tỉnh Nghệ An; tích cực, sáng tạo hơn nữa khơi dậy mọi tiềm năng lợi thế của tỉnh nhà, huy động tốt các nguồn lực xã hội để đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.