Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh cùng đông đảo các văn nghệ sỹ và đại diện gia đình Nhà thơ Huy Cận dự buổi lễ.
Nhà thơ Cù Huy Cận sinh ngày 31/5/1919, tại xã Ân Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình trung nông lớp dưới. Lúc nhỏ, Huy Cận học ở quê, sau vào Huế học, thi đậu Tú tài. Năm 1939, ông ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Canh nông.
Huy Cận là người đa tài, ông có thơ đăng báo từ năm 1936. Tập thơ “Lửa thiêng” ra đời năm 1940 đã đưa ông trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của phong trào thơ mới.
Phát biểu tại buổi lễ, Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Nói đến nền thơ đương đại Việt Nam, không thể không nhắc đến Huy Cận. Khi nhắc đến Huy Cận không thể quên tập thơ “Lửa thiêng” - một hiện tượng thơ ca có tiếng vang lớn vào năm 1940.
Năm 1942, Huy Cận tham gia hoạt động bí mật trong Mặt trận Việt Minh, được phân công nhiệm vụ vận động trí thức và thanh niên ở Hà Nội. Tháng 8/1945, ông được cử đi dự Đại hội quốc dân Tân Trào, được cử vào Ủy ban Dân tộc giải phóng.
Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà thơ Huy Cận là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời (gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận) vào kinh đô Huế để dự lễ thoái vị của Vua Bảo Đại.
Ông cũng là người được giao nhiều trọng trách trong Chính phủ như: Bộ Trưởng kiêm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Cách mạng lâm thời năm 1945, Bộ trưởng Bộ Canh nông, Bộ trưởng đặc trách Văn hóa tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ… Ông đi nhiều, viết nhiều, tên tuổi của ông trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.
Nhà thơ Huy Cận là đại biểu Quốc hội nhiều khóa và là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thứ 3, sau Nguyễn Tuân và Đặng Thai Mai.
Các tham luận, phát biểu của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học tại lễ kỷ niệm đã một lần nữa tôn vinh, đánh giá cao những đóng góp Nhà thơ Huy Cận cho văn hóa, văn học nước nhà, đồng thời nhìn nhận lại quá trình nghiên cứu, khẳng định tiếp tục tìm hiểu, khai thác giá trị từ di sản thi ca mà ông để lại.
Theo Giáo sư Phong Lê, nhà thơ Huy Cận là một trong số ít người có công định hình gương mặt thơ mới và cũng là thơ Việt nói chung. Ông cũng là một tác giả có sự nghiệp sáng tác dồi dào và liên tục trong đội ngũ các nhà thơ, nhà văn Việt Nam thế kỷ XX. Ông cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như tập thơ “Lửa thiêng” (1940), “Kinh cầu tự” (1942), “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958), “Đất nở hoa” (1960), “Bài thơ cuộc đời” (1963), “Chiến trường gần, Chiến trường xa” (1973), “Hạt lại gieo” (1984), “Ta về với biển” (1997), "Cha ông nghìn thuở” (2002)…
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thi ca, Nhà thơ lão thành cách mạng Cù Huy Cận đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật...