Chuyện một nhà thiết kế hay một nghệ sỹ nào đó bị tố “nhái” ý tưởng từ nước ngoài đã trở thành chuyện khá quen thuộc trong giới showbiz Việt. Điển hình như việc những thiết kế trong bộ sưu tập thời trang của NTK Đỗ Mạnh Cường có nhiều nét tương đồng với những mẫu thiết kế nổi tiếng trên thế giới. Khi bị “tố”, phản ứng của Đỗ Mạnh Cường khá gay gắt và cho rằng bản thân chỉ lấy cảm hứng mà thôi. Điều này diễn ra nhiều đến mức mỗi lần Đỗ Mạnh Cường chuẩn bị tung ra bộ sưu tập mới là dịp các tín đồ thời trang ngồi chờ xem anh sẽ “lấy cảm hứng” từ những nhãn hiệu quen thuộc nào.
Không chối bay chối biến như Đỗ Mạnh Cường, “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh khẳng định chắc nịch cửa hàng thời trang của cô sinh ra là để bán “đồ nhái”. Cô lấy 90% mẫu thiết kế của nước ngoài, thậm chí là của NTK trong nước để mang đến những sản phẩm đẹp giá rẻ cho người dùng. Điều này khiến các nhà thiết kế trong nước chỉ biết lắc đầu ngao ngán với sự “tự tin quá mức” của cô.
Ngọc Trinh thẳng thắn xác nhận cô lấy 90% mẫu thiết kế của nước ngoài, thậm chí là của NTK trong nước để mang đến những sản phẩm đẹp giá rẻ cho người dùng |
Thế nhưng Ngọc Trinh có lẽ là người duy nhất thành thật thừa nhận lấy ý tưởng trong khi các màn tố đạo ý tưởng vẫn liên tục diễn ra với những người khác nhưng bị chối bay chối biến, hoặc sử dụng lí do “lấy cảm hứng” để bao biện. Như ca sỹ trẻ Sơn Tùng M-TP nhiều lần bị nghi vấn “mượn beat” của ca sĩ nước ngoài đến mức bất cứ ca khúc tạo hit nào của anh cũng đều được cư dân mạng “điểm mặt chỉ tên” đúng beat của ca khúc gốc tiếng Hàn. Hay ngay cả cô ca sỹ trẻ đầy nội lực Văn Mai Hương cũng đã dính nghi án sao chép ý tưởng cho MV tiền tỉ Mona Lisa do Đỗ Hà – một cái tên có tiếng trong ngành thời trang làm giám đốc sáng tạo. Mặc dù phủ nhận hoàn toàn và cho rằng chỉ là “trùng ý tưởng” nhưng các fan của Katy Perry đã mặc định MV này đạo ý tưởng từ MV trăm triệu lượt xem "This is how we do".
Việc mượn tạm ý tưởng ngày càng bành trướng có lẽ do chính sự “đầu têu” của ông lớn trong ngành công nghệ như Samsung, khi Apple quyết định kiện Samsung về việc lấy ý tưởng, các bản quyền sáng chế và sao chép thiết kế, giao diện, tính năng trên Ipad, Iphone. Dù Samsung đã thua kiện và phải chịu phạt lên đến cả tỉ USD sau phán quyết của tòa án bang California, nhưng sản phẩm của Samsung vẫn được bán trên thị trường, vẫn được tiêu thụ tốt thứ 2 trên thế giới (sau Apple), điều này khiến tâm lý “đồ nhái vẫn bán tốt” lây lan vào cộng đồng những người làm trong mảng sáng tạo.
Những nét tương đồng trong video của Heineken và Budweiser. |
Mới đây, một ông lớn khác trong ngành F&B là Heineken cũng bị giới sáng tạo (Creative) cho rằng đã đụng ý tưởng khi chiến dịch mở màn 2016 mang tên “Trải nghiệm chuẩn sao” có nội dung na ná với “Khám phá cuộc vui đỉnh cao” của Budweiser trong năm 2015. Điều này đã mở ra một câu hỏi lớn về việc đây có thực sự là một vụ "đạo" ý tưởng hay không, từ đó đặt ra những câu hỏi nhức nhối về giới hạn sáng tạo của ngành quảng cáo hiện nay.
“Lấy cảm hứng” hay “đạo ý tưởng” - giới hạn mong manh
Vấn đề “lấy cảm hứng” hay "đạo ý tưởng” luôn là chủ đề được tranh luận vô cùng sôi nổi trên mạng bởi ranh giới giữa hai khái niệm này vô cùng mong manh, nếu sử dụng không khéo là đã trở thành “tội đồ” trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay. Trên trang cá nhân của mình, anh Lê Quang Vũ (Giám đốc điều hành Công ty Truyền thông Blue C) cho rằng: “Chuyện 'đạo' của xứ mình thì 'bình thường như cân đường hộp sữa', đến mức việc thản nhiên copy (sao chép) và paste (dán) một website cũng chả khiến chúng ta xao động là mấy. Chúng ta cứ gào lên đòi tự do sáng tạo, nhưng cái cách chúng ta lười nhác 'tự do' vay mượn ý tưởng của người khác thế này thì thử hỏi bao giờ ngành công nghiệp sáng tạo của chúng ta mới ngóc đầu lên được (chưa nói gì đến cất cánh)”.
Các bạn trẻ làm trong ngành sáng tạo cũng đã lên tiếng về vấn đề đạo nhái ý tưởng hiện nay. Bạn có nick Quyen Do Tran chia sẻ: “Làm sáng tạo hay nghệ thuật, chuyện cho ra đời những thứ na ná nhau thì không thể tránh khỏi. Nhưng quan trọng là thái độ, nếu copy thì nói là copy chứ đừng giấu, như thế chẳng khác nào cổ vũ cho xu hướng bình thường hóa chuyện ăn cắp sức sáng tạo của người khác?”. Hay như bạn Bùi Thu Nguyệt thẳng thẳn lên án: “Chuyện đạo ý tưởng, sao chép bây giờ quá nhiều, nhưng chuyện sẽ chẳng có gì nếu người ta còn có thể tự hào mà nói "Tôi copy thì sao, copy mà đẹp được như vậy là giỏi rồi. Quá khó hiểu!”.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên nhìn ra xa hơn một chút như Thái Lan chẳng hạn, học hỏi từ nền quảng cáo của họ cách kể những câu chuyện đầy rung động cho dù có sử dụng cùng một chất liệu ý tưởng ban đầu. Có như thế, sức sáng tạo mới được khuyến khích phát triển và những người làm sáng tạo chân chính mới có thể chuyên tâm dồn lực cho ra đời những ý tưởng độc đáo mà không còn lo sợ một ngày nào đó sẽ được mượn mà không được hỏi một lời. Nhờ đó, khán giả lẫn người tiêu dùng không còn phải trở thành những “chuyên gia thẩm định ý tưởng” bất đắc dĩ và được cảm thấy tôn trọng hơn từ những nghệ sỹ hay nhãn hàng mà họ ủng hộ. Điều này cũng khẳng định được lòng tự trọng của các nghệ sỹ, danh tiếng của nhãn hàng, cũng như sự tự hào của những người làm sáng tạo trong thời đại hiện nay.