Khát vọng biển

Trường ca: “Khát vọng biển” của nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên (NXB Hội nhà văn, năm 2013) kết hợp khá nhuần nhuyễn yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình, chắc tay cả về nội dung tư tưởng và cấu trúc nghệ thuật với cảm hứng mạnh mẽ, tự nhiên, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo quê hương gắn liền với những biến động lịch sử của dân tộc và tâm tư của bao người trong suốt quá trình dựng nước và bảo vệ đất nước.


Trường ca “Khát vọng biển” gồm 7 chương: “Cùng cây bút”, “Lời ru đất nước”, “Truyền thuyết biển”, “Chủ quyền”, “Tượng đài quyết tử trên biển”, “Trường Sa hôm nay” và “Khát vọng và ngôn ngữ biển”. Mỗi chương như những mạch nguồn trong mát nhẹ nhàng chảy từ quá khứ oai hùng của dân tộc thấm dần vào lòng người đọc để rồi dâng lên thành ngọn sóng khát vọng trọn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho muôn đời sau.


Trách nhiệm người cầm bút


Trong “Khát vọng biển”, lịch sử được tái hiện một cách bình dị, dễ hiểu và dễ cảm: “Đất nước phải có tên/ Phải trọn vẹn chủ quyền/ Bởi“Độc lập tự do” là thiêng liêng hơn tất cả”. Mỗi người có quan niệm khác nhau về tài nguyên biển đảo, với nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên: “Đã là sở hữu của mẹ cha/ Một tấc đất cũng không rời/... Đã là tài sản Ông Cha/ Phải quyết giữ muôn đời”. Đó không chỉ là cách nghĩ của tác giả mà hơn thế, đó là chân lý. Ý thức công dân trước cương vực của dân tộc được kế thừa và phát huy. Mỗi người đóng góp theo khả năng, sở trường của mình cho đất nước.

 

 

Đáng quí thay, khi con người nhận ra trách nhiệm của mình và dù ở cương vị nào, lập nên công trạng đến bao nhiêu, trước Tổ quốc, trước nhân dân mãi là bé nhỏ.


Tác giả Nguyễn Quang Thuyên đưa người đọc đến với “Lời ru đất nước”: “Lời ru thăm thẳm cõi người/ ru tròn quả phúc/ ru trời đất say... / Đất nước có tên sau lời ru của mẹ”. Những người con sinh ra và lớn lên trong nghĩa đồng bào, thấm đượm lời ru của Mẹ, nhân ái, cần cù và dũng cảm nhận thức rất rõ: “Đất nước! Là của anh/ là của tôi/ của những đứa trẻ còn nằm trong nôi...” và thật bất ngờ khi tác giả nói về đất nước: “Rất giản đơn chỉ hai từ ghép chung/ mà là máu, là mồ hôi/ là lời ru/ với trí tuệ khát vọng bao đời/ để thành Đất nước”.


Quá khứ oai hùng


Chương: “Truyền thuyết biển” dẫn người đọc trở lại buổi hoang sơ khi: “Lịch sử Đất Nước tôi chưa vuông nếp thành pho”, “dân tộc tôi mộc mạc dịu hiền như câu Ghẹo câu Xoan/ bất diệt!/ như nhịp Cồng Chiêng/ như điệu Ca Trù/ như khúc Quan Họ nồng nàn da diết tựa lời ru”. Văn hóa dân tộc từng bước hình thành và hoàn thiện, phát triển thấm vào hồn mỗi người làm nên cốt cách dân tộc Việt. Có thể nói “Truyền thuyết biển” như những thước phim tái hiện quá khứ oai hùng của dân tộc, khẳng định chủ quyền đã có tự ngàn xưa.


Chương “Chủ quyền” được tiếp nối một cách logic. “Chủ quyền” đầu tiên mà tác giả gửi đến người đọc là quyền được sống, được làm người. Và đứa trẻ khi hồn nhiên hỏi mẹ: “Năm mươi người con lên rừng/ tròn năm mươi xuống biển/ vậy nhà ta ở lối nào?”, sau khi được mẹ trả lời đã ngộ ra chân lý: “Nhưng ở đây cũng non sông nước Việt/ bất cứ ai ai/ cũng nòi giống Tiên Rồng”. Cội nguồn dân tộc thấm vào hồn đứa trẻ, nâng ước mơ bay cao, bay xa: “Mẹ thủ thỉ đêm đêm/ tôi thiêm thiếp mơ màng/ rồi chập chờn... mơ mọc cánh...”. Khi ra biển cùng suất đội, ta bắt gặp “ngôi miếu chủ quyền có tự ngàn xưa/ .../ xác lập chủ quyền cho muôn đời con cháu/ rằng: Hoàng Sa, Trường Sa là Tổ quốc Việt Nam”.

 

Cuộc “gặp gỡ” giữa tác giả còn là một đứa bé với các âm binh suất đội xưa ra giữ Hoàng Sa và Trường Sa thật cảm động. Ta như thấy sự giao hòa của hai cõi âm dương và linh hồn của những bậc tiền nhân luôn bên chúng ta ngày đêm canh giữ biển trời, khát vọng cao cả ấy theo cậu bé vào cả giấc mơ nhưng rất thực: “Tôi ú... ớ gọi ông/ mẹ đã sát bên giường/ có lẽ tôi mơ/ mà hình như là thực/ vẫn đồng vọng/ biển đảo là Tổ quốc/ là thịt, là xương, là máu của bao đời”. Khát vọng giữ toàn vẹn chủ quyền biển đảo truyền từ đời này sang đời khác, cả trong những giấc mơ con trẻ!


Tượng đài quyết tử


Không phải tự nhiên mà tác giả dành chương 5 để nói về: “Tượng đài quyết tử trên biển” bởi “khi nền tảng của sự tồn, vong/ không còn được tôn thờ/ khi lịch sử bị sới, cày bằng bom đạn/ ... /Khi chân lý bị đảo xoay/ mà công lý chưa về...”. Những vấn đề nhạy cảm của đất nước được tác giả diễn đạt một cách sâu sắc, gợi bao điều về lương tri, ý thức trách nhiệm của mỗi người. Song đấy cũng là lúc: “Chính các anh/ những phiến đá chở che/ là chứng tích/ là những dòng đầu trang sử mới...”. Những người con của Mẹ Việt Nam đã anh dũng hy sinh quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, những câu thơ như lửa cháy: “Biển lại động thêm một lần giông bão/ Sóng thét gào tung bọt trắng Trường Sa/ biển lại động, sóng dâng thềm lục địa/ biển gầm rung ngầu đỏ Trường Sa...”. Tác giả dùng hình ảnh “máu” nhiều lần trong chương này như một biểu tượng của sự hy sinh to lớn của bao người con dũng cảm từ xưa đến nay bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.


Trường ca: “Khát vọng biển” của nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên tuy giàu chất trữ tình công dân, giàu tính thế sự phản ánh những sự kiện lớn lao của dân tộc và thời đại nhưng không mất đi vẻ đẹp của ngôn ngữ đặc trưng của thơ. Tác giả sử dụng khá nhuyễn cách nói của dân gian với nhiều hình ảnh đẹp, ngôn từ trong sáng, tiết tấu thay đổi phù hợp trong từng chương, từng trường đoạn, thống nhất giữa nội dung và nghệ thuật, cùng với cảm xúc thẩm mỹ khá tinh tế đã tạo nên một giá trị thẩm mỹ không nhỏ trong lòng người đọc. Với tập trường ca này nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên đã tạo cho mình một giọng điệu riêng, góp thêm một tiếng nói thức tỉnh nhân tâm về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


Hà Nội 1/2014

 

Trần Vân Hạc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN