Khám phá những địa danh lịch sử từ thủa khai hoang mở cõi Sài Gòn - Gia Định

Không phải ai sống lâu năm ở TP Hồ Chí Minh cũng biết đến những địa điểm văn hóa, lịch sử hình thành từ hơn 300 năm ở quận Gò Vấp. Thế nhưng chỉ cần tham gia tour du lịch “Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa” trong một ngày, mọi người có thể hiểu rõ được những công trình kiến trúc, những địa danh văn hóa, lịch sử từ thủa khai hoang mở cõi của người Sài Gòn – Gia Định năm xưa.

Ngôi miếu độc đáo giữa sông ở Sài Gòn 

Chú thích ảnh
Miếu nổi Phù Châu (quận Gò Vấp) gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên với hình ảnh nhiều con rồng. 

Miếu nổi Phù Châu còn được gọi với nhiều tên khác như Phù Châu Miếu, Chùa Miếu Nổi... Đây là một ngôi miếu cổ nằm trên sông Vàm Thuật (một nhánh của sông Sài Gòn) thuộc Phường 5, quận Gò Vấp và là một trong những công trình tín ngưỡng độc đáo bậc nhất ở TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Miếu nổi Phù Châu có lịch sử 3 thế kỷ, được nhiều người tìm đến bởi sự linh thiêng. Vào những ngày lễ quan trọng, nơi đây thu hút đông đảo người dân bản địa và khách du lịch tới chiêm bái. Do Miếu nổi Phù Châu nằm giữa dòng sông Vàm Thuật, xung quanh 4 bề đều là sông nước nên để đến được miếu, khách phải di chuyển bằng thuyền.

Thuyền máy được chờ sẵn tại bến đò nhỏ thuộc Phường 5, quận Gò Vấp. Trung bình khoảng 5 - 10 phút có một chuyến, giá cho 2 lượt đi - về là 10.000 đồng. Những ngày cuối tuần, rằm, lễ, tết... lượng khách đông hơn thì sẽ có 3 - 4 thuyền luân phiên phục vụ khách.

Chú thích ảnh
Không chỉ có địa thế độc đáo nằm ở giữa sông mà Miếu nổi Phù Châu còn có hình ảnh hơn 100 con rồng lớn nhỏ được đặt khắp nơi, tạo điểm đặc biệt của miếu. 

Tương truyền, có một người đàn ông làng chài đã vớt được một xác phụ nữ ở khúc sông này. Ông đã mang chôn ở cù lao và lập một ngôi miếu nhỏ để thờ oan hồn. Ban đầu, ngôi miếu khá đơn sơ, chỉ được dựng bằng tre để cầu bình an mỗi khi ra biển đánh bắt. Một thời gian sau đó, miếu bị bỏ hoang.

Năm 1992, một người dân đã đứng ra cải tạo và tu sửa miếu để thờ Ngũ Hành, Long Mẫu. Sau nhiều lần trùng tu, ngày nay Miếu nổi Phù Châu đã khang trang hơn, sở hữu nét kiến trúc vô cùng độc đáo của sự giao thoa trong văn hóa Việt - Hoa và trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Vào các ngày lễ quan trọng, ngôi miếu thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tới chiêm bái.

Kiến trúc của Miếu nổi Phù Châu gồm ba toà nhà nối liền nhau bởi hai sân, mái lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc. Trên nóc các tòa nhà là hình ảnh rồng chầu hạt ngọc, rồng chầu tháp Cửu phẩm, rồng chầu cuốn thư... Ngoài ra, hình tượng Long, Ly, Quy, Phụng và các họa tiết hoa cúc dây, lá nho, sông nước... cũng được thiết kế tỉ mỉ, sống động trên nhiều kết cấu của Miếu. Bên trong Miếu, toàn bộ kiến trúc được trang trí tinh xảo, đắp nổi hình rồng, phượng và cẩn sứ, các mái vòm cũng được cẩn sứ và ghép hình tỉ mỉ.

Tiền điện của miếu được bố trí thờ Phật Di Lặc, hai bên thờ Phật Tổ Như Lai và Địa Mẫu. Ở trung điện, chính giữa thờ Tề Thiên Đại Thánh. Sau cùng là chính điện, chính giữa thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu, bên trong đặt năm tượng gỗ thờ Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ. Trước điện kê bàn hương án, thờ Bà Chúa Xứ Châu Đốc và Cửu Huyền. Bên phải chính điện thờ Quan Công, bên trái thờ Bao Công. Đối diện điện thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu là điện thờ bà Kim Mẫu, Địa Mẫu, Long Thần, Hộ pháp...

Chú thích ảnh
Tại Miếu nổi Phù Châu còn có khu vực thờ ông Hổ. Đây là văn hóa tâm linh của người dân Nam bộ truyền qua nhiều đời. 

Từ lâu, Miếu nổi Phù Châu đã trở thành điểm đến hấp dẫn cả về thực hành tín ngưỡng tâm linh lẫn phục vụ nhu cầu du lịch. Khách tới đây để cầu bình an, sức khỏe, công việc, tình duyên... Nhưng cũng rất nhiều người đến đây chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, cảm nhận sự bình yên, tĩnh lặng của miếu.

Đình thần Thông Tây Hội - Ngôi đình cổ nhất phương Nam

Khi những người dân đầu tiên đặt chân đến vùng Sài Gòn - Gia Định mở đất hơn 3 thế kỷ qua thì ngôi đình cổ Thông Tây Hội (Phường 11, quận Gò Vấp) cũng được hình thành. Ở đây, hàng năm vẫn được người dân duy trì nhiều giá trị văn hóa - tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc. Đây cũng là ngôi đình lâu đời nhất không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà cả vùng đất phương Nam.

Chú thích ảnh
Đình thần Thông Tây Hội tọa lạc trên một khu đất rộng 5.188 m2 quay về hướng Đông, cổng đình xây theo kiểu tam quan.

Ông Nguyễn Văn Tý, Trưởng Ban quản lý di tích Đình thần Thông Tây Hội cho biết, ngôi đình được những người di dân có quê gốc Nghệ An dựng lên từ năm 1679. Ban đầu, đình chỉ được dựng bằng tre, vách lá; đến năm 1883, Đình thần Thông Tây Hội mới xây dựng theo kiến trúc như hiện nay.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngôi đình vẫn tồn tại sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa và được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật, văn hóa lịch sử Quốc gia năm 1998.

Chú thích ảnh
Lễ Kỳ Yên là lễ hội quan trọng nhất được tổ chức tại Đình thần Thông Tây Hội, diễn ra vào rằm tháng Tám (15/8 âm lịch) hàng năm.

Đình thần Thông Tây Hội là nơi thờ Thành Hoàng, người bảo vệ cư dân khỏi thiên tai, địch họa, tránh thú dữ… Đình là nơi thờ hai vị thần Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương, hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ (974 - 1028). Việc duy trì thờ cúng diễn ra quanh năm. Lễ vật cúng thường cũng đơn giản, mùa nào thức nấy, theo sản vật địa phương, chủ yếu bởi tấm lòng thành, thật thà chất phác đúng như bản chất lương thiện của những người dân Nam Bộ.

Chú thích ảnh
Toàn bộ ngôi đình đều lợp ngói âm dương, bộ vì kèo chịu lực bằng gỗ, nền lát gạch tàu. 

Đình thần Thông Tây Hội có kiến trúc hoàn toàn đúng với phong cách truyền thống của đình cổ ở miền Nam thế kỷ XXI. Đình có 3 thành phần chính là Võ ca, Chánh điện và Hội sở.

Võ ca là nơi xây chầu, hát bội chỉ có mái, cột gỗ và không có tường bao xung quanh. Nhà Hội sở là văn phòng ban trị sự, nơi tiếp khách và chuẩn bị tế lễ. Điểm nhấn và cũng là phần đặc sắc nhất của Đình thần Thông Tây Hội chính là Chánh điện, nơi thờ phụng các vị thần, được tạo nên bởi hai nếp nhà ghép trùng nhau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Trên nóc có tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh; phần chạm khắc, trang trí trong Chánh điện cũng có những đặc trưng Nam Bộ như các đầu kèo, đường xà đều được chạm khắc đầu rồng và cành mai; các bao lam chạm theo đề tài lân - ly - quy - phụng, hoặc đề tài mẫu đơn - trĩ.

Đặc biệt, các đồ thờ cúng trong Chánh điện đều vẫn giữ nguyên được nước sơn son thếp vàng cổ… Ngoài ra, Đình thần Thông Tây Hội còn có thêm các thành phần kiến trúc phụ, bao gồm: Bia Ông Hổ, bàn thờ Thần Nông, miếu Bà Chúa Xứ...

Nhà thờ Hạnh Thông Tây theo phong cách kiến trúc Byzantine

Nhà thờ Hạnh Thông Tây được xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine của châu Âu rất độc đáo, lạ mắt và khác với các nhà thờ thông thường ở Việt Nam.

Nhà thờ được khởi công xây dựng vào năm 1921, trên diện tích 2ha. Người đứng ra xây dựng là Denis Lê Phát An, cậu ruột của Hoàng hậu Nam Phương. Con trai ông Lê Phát An là ông Huyện Sỹ, một trong bốn người giàu nhất Nam Kỳ thời kỳ đó.

Chú thích ảnh
Nhà thờ Hạnh Thông Tây có tuổi đời hơn 100 năm và có kiến trúc Byzantine. Đây là lối kiến trúc có thiết kế mái hình vòm và dùng nhiều ô cửa kính để lấy ánh sáng.

Trước đó, xứ đạo Hạnh Thông Tây đã có từ năm 1861 tại một nơi hoang vắng vùng ngoại thành, giáo dân thưa thớt, phần đông là người nghèo nên không xây được khang trang. Do đó, ông Lê Phát An đã bỏ ra một số tiền lớn để xây nhà thờ mới khang trang hơn và đến nay nhà thờ này đã có tuổi đời hơn 100 năm.

Nhà thời có tháp chuông được ghép bằng đá vững chãi, phía trên đỉnh đặt ba quả chuông đúc năm 1925. Vì nằm gần sân bay Tân Sơn Nhất nên tháp chuông ban đầu cao 30 m, đến năm 1952 giảm xuống còn 19,5 m để đảm bảo an ninh hàng không.

Chú thích ảnh
Nhà thờ sẽ mở cửa cho người dân và du khách vào tham quan trong các dịp lễ lớn.

Thay vì kiểu kiến trúc Roman và kiến trúc Gothic khá phổ biến như nhiều nhà thờ khác, nhà thờ Hạnh Thông Tây được xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine của châu Âu. Nguyên mẫu của nhà thờ chính là Vương cung thánh đường Thánh Vitale ở thành phố Ravenna, Italia.

Phong cách Byzantine là lối kiến trúc có thiết kế mái hình vòm và dùng nhiều ô cửa kính để lấy ánh sáng. Trần nhà thờ có hình Roman làm từ khuôn bông vuông đúc vòng cung gắn lại với nhau, bàn thờ được khảm đá onyx chạm trổ tinh xảo, khéo léo nhập khẩu từ Ý.

Bên trong Thánh đường có diện tích hơn 500m2, được trang trí lộng lẫy, những hàng cột thiết kế theo kiểu vòm cung, thiết kế đối xứng nhau. Xen lẫn giữa các ô cửa sổ kính màu là những bức phù điêu được thếp vàng kể lại từng chặng đường khổ nạn mà Chúa Giêsu đã trải qua. Hai bên tường được trang trí bằng tranh ghép đá Mosaic độc đáo, tượng chính điện cũng được ghép bằng đá nhập trực tiếp từ Italy về, các bức phù điêu được vẽ rất tinh xảo.

Chú thích ảnh
Thiết kế với hình mái vòm cao nên khu vực bên trong Thánh đường nhà thờ khá thoáng mát và nhiều ánh sáng.

Ngoài ra, nhà thờ Hạnh Thông Tây còn có hai mộ tượng của vợ chồng ông Lê Phát An nằm đối diện nhau ở hai bên cánh nhà thờ. Đặc biệt, hai pho tượng này đều mang đậm tính Nam Bộ. Trước mộ ông Denis Lê Phát An có tượng người vợ mặc áo dài cầm bó hoa quỳ gối ôm choàng lấy bia mộ. Ngược lại, trước mộ của bà Anna Trần Thị Thơ thì có tượng người chồng đang quỳ cầu nguyện và thương tiếc. Cả hai bức tượng đều được điêu khắc vô cùng sống động và chi tiết.  

Bài và chùm ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Phố lồng đèn nhộn nhịp đón Trung thu
TP Hồ Chí Minh: Phố lồng đèn nhộn nhịp đón Trung thu

Sau một năm đóng cửa vì dịch COVID-19, dịp cận Tết Trung thu năm nay, phố lồng đèn trên đường Lương Nhữ Học, Quận 5, TP Hồ Chí Minh đã nhộn nhịp đón khách trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN