Khám phá di sản văn hóa Sasak 600 năm tuổi ở đảo Lombok

Nép mình giữa những ngọn đồi xanh mướt trên hòn đảo Lombok xinh đẹp và kỳ bí của đất nước vạn đảo Indonesia, ngôi làng Karang Bayan ở Lingsar, Tây Lombok, tỉnh Tây Nusa Tenggara, vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng qua hàng thế kỷ.

Chú thích ảnh
Nhà thờ Karang Bayan là một trong những di sản quý giá của cộng đồng Sasak, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15. Ảnh: Minh Thái/TTXVN tại Indonesia

Dù thời gian đã trôi qua hơn 600 năm nhưng người dân ở đây vẫn giữ được dấu ấn của những ngày đầu dựng làng với đền thờ Hồi giáo cổ kính Karang Bayan, một biểu tượng của sự giao thoa văn hóa độc đáo và sức sống bền bỉ của văn hóa cộng đồng đậm bản sắc.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, đền thờ Karang Bayan là một trong những di sản quý giá của cộng đồng Sasak, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15. Theo lời kể của những bô lão trong làng, đền thờ này ra đời cùng với sự hình thành của ngôi làng, khi những người Hồi giáo Watu Telu từ Bắc Lombok đến đây mang theo tín ngưỡng và những câu chuyện linh thiêng. Mặc dù đã trải qua bao biến động của hàng trăm năm, ngôi đền thờ cổ này vẫn là nơi để người dân địa phương cầu nguyện và thực hành các nghi lễ trong những ngày lễ trọng của người Hồi giáo như Idul Fitri (kết thúc tháng lễ Ramadan) hay Maulid Nabi (kỷ niệm ngày sinh của nhà tiên tri Muhammad).

Chú thích ảnh
Ngôi nhà cổ 600 năm tuổi ở làng Karang Bayan, Tây Lombok, tỉnh Tây Nusa Tenggara, Indonesia. Ảnh: Minh Thái/TTXVN

Điều đặc biệt của đền thờ Karang Bayan là kiến trúc cổ xưa, với nền móng được xây bằng đất sét nén, tường bằng đá sông kết hợp với đất sét và mái lợp bằng cỏ alang-alang (cỏ tranh). Đối với những người yêu thích kiến trúc và lịch sử, ngôi đền truyền thống này mang đến góc nhìn độc đáo về cách người Sasak xây dựng bằng các kỹ thuật và vật liệu truyền thống sẵn có từ thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đền thờ, một gian bếp cổ kính cũng được bảo tồn, nơi người dân tụ họp vào những dịp đặc biệt để cùng nhau tưởng nhớ và tổ chức các nghi lễ truyền thống.

Trò chuyện với phóng viên TTXVN, cụ bà Helma cho biết lý do để người đời xưa chọn vị trí xây đền ở đây là vì ngôi làng trù phú, giàu tài nguyên thiên nhiên và các sản phẩm nông nghiệp. Làng Karang Bayan nằm trên vùng đồi núi cao khoảng 139m so với mực nước biển, khô ráo và mát mẻ quanh năm. Bao quanh làng là màu xanh mướt của cây cối.

Những con suối trong vắt như Kayangan và Pancor Ancak đem lại nguồn nước dồi dào cho cuộc sống và mùa màng của người dân. Dân làng Karang Bayan qua bao thế hệ vẫn gìn giữ được nếp sống cộng đồng bền vững, nơi mà tình làng nghĩa xóm gắn bó như chính mạch nước trong lòng đất.

Chú thích ảnh
Lối vào nhà thờ với tường đá và hàng rào tre đan. Ảnh: Minh Thái/TTXVN

Điều làm ngôi làng thêm phần đặc biệt là sự pha trộn văn hóa giữa đạo Hồi Watu Telu và những tín ngưỡng cổ xưa của người Sasak. Những truyền thống vẫn được lưu giữ đến ngày nay như kikir (nghi lễ mài răng giống với tập tục của người Hindu) hay pijian (nghi lễ dâng sản vật nông nghiệp để bày tỏ lòng biết ơn).

Các nghi lễ này đã tồn tại qua nhiều thế hệ, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo. Sự kết hợp này không chỉ thể hiện sự linh hoạt của cộng đồng mà còn khẳng định sức mạnh của sự giao thoa văn hóa, tạo nên một Karang Bayan vừa giữ gìn được truyền thống, vừa cởi mở và hòa nhập với thế giới.

Tại ngôi làng đặc biệt này, cách không xa và cùng niên đại với đền thờ cổ là ngôi nhà truyền thống (Rumah Adat) tồn tại với vẻ đẹp nguyên sơ và ấm áp của thời gian. Được xây dựng từ gỗ, tre, đất sét và mái tranh giản dị nhưng nhà truyền thống rất vững chãi, phản ánh rõ nét hệ thống phân cấp xã hội của người Sasak.

Dẫn phóng viên thăm quan ngôi nhà, anh Rahmat Reza Aderyan, cháu đời thứ 9 của chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà cổ, cho biết các phòng trong ngôi nhà đều có mục đích sử dụng riêng: từ không gian cho các cuộc họp của thủ lĩnh làng đến nơi lưu trữ những vật phẩm gia truyền và đồ dùng phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo. Đặc biệt, lối kiến trúc phần mái nhà dốc và thấp có mục đích buộc khách phải cúi người trước khi vào trong thể hiện sự tôn trọng đối với chủ nhà.

Chú thích ảnh
Anh Rahmat Reza Aderyan, cháu 9 đời của chủ nhân ngôi nhà cổ, bên chiếc đèn quý gia truyền. Ảnh: Minh Thái/TTXVN

Theo lời kể của anh Aderyan, nhà truyền thống không chỉ là nơi sinh sống của chức sắc trong làng cổ xưa mà còn là nơi diễn ra những cuộc hội họp quan trọng, nơi cộng đồng cùng nhau giải quyết các vấn đề và bàn bạc về sự phát triển của làng. Dường như mỗi góc nhỏ trong ngôi nhà đều chứa đựng những câu chuyện của quá khứ, những mối quan hệ giữa con người với nhau và với thiên nhiên.

Ngôi nhà truyền thống của Karang Bayan đã được bảo tồn vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc nhưng đầy ắp giá trị văn hóa qua thời gian. Di tích lịch sử này chứa đựng những câu chuyện để người đời sau có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống giản dị nhưng đầy phong phú của người Sasak, về một cộng đồng luôn gắn kết với nhau trong từng nhịp sống.

Làng Karang Bayan, với vẻ đẹp tự nhiên mê hoặc của những cánh đồng lúa bát ngát và ngọn núi xa xa, mang đến một không gian thanh bình cho bất cứ ai muốn tạm rời xa sự ồn ào phố thị để tìm về sự yên tĩnh và hòa mình vào thiên nhiên. Những ngôi nhà truyền thống trong làng, với mái tranh và những bức tường tre đan, là điểm nhấn độc đáo, không chỉ là nơi sinh sống mà còn là minh chứng sống động cho một nền văn hóa Sasak đầy kiên cường.

Chú thích ảnh
Hai bên đường làng Karang Bayan vẫn giữ những hàng rào tre đan. Ảnh: Minh Thái/TTXVN

Hành trình tới Karang Bayan không chỉ là đến với một miền đất, mà còn là những trải nghiệm ấn tượng về lịch sử và văn hóa của người bản địa. Người dân ngôi làng thân thiện này sẵn sàng mời các vị khách tham gia các nghi lễ truyền thống, tìm hiểu về cuộc sống của họ và cảm nhận được sự gắn bó chặt chẽ giữa con người với thiên nhiên. Karang Bayan dù đã trải qua hơn 6 thế kỷ vẫn giữ vững được bản sắc riêng biệt của mình; một ngôi làng yên bình ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí và mang đậm giá trị văn hóa.

Đỗ Quyên (TTXVN)
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 'Lễ hội điện Huệ Nam'
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 'Lễ hội điện Huệ Nam'

Ngày 30/3, tại di tích Nghinh Lương đình, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội điện Huệ Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN