Khai hội Tịch điền Đọi Sơn

Ngày 31/1 (tức mùng 7 Tết Canh Tý), tại cánh đồng thôn Đọi Tín, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, UBND huyện Duy Tiên đã tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2020 - Ngày hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Chú thích ảnh
Tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày Tịch điền tại mùa Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2020.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức hàng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng bởi đây là một lễ hội giàu tính nhân văn, khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông.

Chú thích ảnh
Nghi lễ rước linh vị Vua Lê Đại Hành vào trung tâm lễ hội Tịch điền.

Năm 2020 là năm kỷ niệm 1.033 năm ngày Vua Lê Đại Hành về cày Tịch điền trên cánh đồng dưới chân núi xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên. Đây là năm thứ 12 lễ hội được UBND huyện duy trì, tổ chức nhằm quảng bá với du khách trong và ngoài nước về những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, độc đáo của địa phương. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng như kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Nam.

Chú thích ảnh
Màn biểu diễn múa trống, múa rồng do đội trống nữ, đội múa rồng của làng Đọi Tam thể hiện.

Theo sử sách ghi chép lại, mùa Xuân năm Đinh Hợi (năm 987), Vua Lê Đại Hành, người vốn coi trọng nông nghiệp, đã về vùng đất núi Đọi sông Châu khởi xướng và đích thân cầm cày trong lễ hội xuống đồng đầu năm. Được lưu truyền từ đó đến nay, Lễ hội Tịch điền được coi như một ngày Quốc lễ, một lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, bởi nó mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn trên chính đồng đất quê hương, để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chào mừng lễ hội là màn biểu diễn múa trống, múa rồng do đội trống nữ, đội múa rồng của làng Đọi Tam thể hiện. Tiếng trống da trâu từ ngàn xưa vọng lại, tiếp tục gióng lên những âm hưởng trầm hùng cầu cho một năm nhân khang, vật thịnh, quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Hình ảnh rồng múa lượn thể hiện lòng mong ước khởi đầu một năm mới nhiều điều tốt đẹp.

Chú thích ảnh
Các đại biểu thực hiện nghi lễ tâm linh tại lễ hội.

Trong bản văn trình trước linh vị Vua Lê Đại Hành do một bô lão uy tín làng Đọi Tam trình bày, nội dung đã báo cáo những thành tích nổi bật mà tỉnh Hà Nam đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là các thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới; đồng thời bày tỏ lòng thành kính đối với đấng minh quân đã khai sinh ra một mỹ tục lưu truyền ngàn đời cho dân tộc.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Hà Nam cùng một số đại biểu Trung ương, địa phương đã chính thức mở đường cày, gieo những hạt mầm đầu tiên mở đầu một năm mùa màng tốt tươi, bội thu, nhân khang vật thịnh.

Tại buổi lễ, các đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương mở đầu mỹ tục khuyến khích phát triển nông nghiệp, mong cho nhà nhà no đủ, đất nước mạnh giàu, quê hương yên bình.

Chú thích ảnh
Các thôn nữ gieo những hạt giống đầu tiên theo những sá cày của vua Lê Đại Hành tái hiện.

Lễ hội Tịch điền của Hà Nam được tổ chức hàng năm, đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng bởi đây là một lễ hội giàu tính nhân văn, khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông...

Chú thích ảnh
Lãnh đạo huyện Duy Tiên thực hiện những đường cày đầu tiên tại Lễ hội.

Việc tổ chức Lễ hội Tịch điền hàng năm tại tỉnh Hà Nam là việc làm thiết thực, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời động viên, khích lệ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7...

Xem clip nghi lễ bô lão cao tuổi của Đọi Sơn khoác Long bào, nhập linh khí quân vương, đi đường cày đầu tiên:

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2020 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 29 - 31/1 (tức ngày 5 - 7 tháng Giêng năm Canh Tý) tại khu vực chùa Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên. Lễ hội gồm 2 phần. Phần lễ sẽ có các nghi thức: Lễ cáo yết, Lễ rước nước, Lễ Sái tịnh, Lễ cầu an, Lễ rước kiệu, Lễ Tịch điền... Phần hội sẽ bao gồm các hoạt động sôi nổi: Hội thi vẽ và trang trí trâu, tổ chức các trò chơi dân gian (đánh đu, bịt mắt bắt dê, đi cầu khỉ, bịt mắt đập niêu, chọi gà, vật cầu), thi làm bánh dầy của các dòng họ làng Đọi Tam; thi kéo co; giải Vật Tịch điền huyện Duy Tiên mở rộng.

Xem clip Lễ hội Tịch điền đã được Nhà nước ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại Quốc gia:

Trước đó, ngày 30/1 (tức ngày 6 tháng Giêng năm Canh Tý), tại cánh đồng thôn Đọi Tín, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên đã diễn ra hội thi vẽ trang trí trâu lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2020. Đến với hội thi có 25 họa sỹ đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam; ngoài ra còn có một số họa sỹ người Nga cùng tham gia. Hội thi vẽ trang trí trâu cùng hòa vào không khí lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã làm nên nét văn hóa độc đáo, tiếp nối truyền thống mà vẫn mang hơi thở đương đại, góp phần khuyến khích, cổ vũ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của đất nước nói chung, tỉnh Hà Nam nói riêng.
Tin, ảnh: L. Sơn/Báo Tin tức
Độc đáo Hội thi vẽ trang trí trâu Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn
Độc đáo Hội thi vẽ trang trí trâu Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Ngày 30/1 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý), Hội thi vẽ trang trí trâu Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2020 đã diễn ra tại cánh đồng thôn Đọi Tín, xã Đọi Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN