Ngay từ sáng sớm, những chú trâu được Ban Tổ chức Lễ hội chọn lựa từ các thôn, xóm trong vùng đã được tập kết tại bãi gần sân khấu chính để làm "giá vẽ" cho các họa sĩ.
Sau hồi trống khai hội, các họa sĩ đến từ tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, thành phố Hà Nội và một nữ họa sĩ người Nga về khu sân bãi nhận trâu và bắt đầu thể hiện ý tưởng trên mình những chú trâu.
Họa sĩ Phương Vũ Mạnh đến từ thành phố Hà Nội cho biết, năm 2020 là năm thứ 12 anh tham gia Hội thi vẽ trang trí trâu Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn. Tuy nhiên, mỗi một lần tham gia, anh lại có một cảm xúc riêng. Mỗi năm ứng với một con giáp, các họa sĩ như anh thường liên tưởng đến con vật của năm đó để sáng tác những tác phẩm nghệ thuật trên mình trâu cùng mong ước một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Họa sĩ Lê Minh Sơn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi vẽ trang trí trâu Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2020 cho biết, Hội thi vẽ trang trí trâu là nội dung độc đáo trong Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn. Những chú trâu được chọn lựa từ các xã đều có hình dáng đẹp, béo khỏe và hiền lành. Hội thi thu hút không chỉ các họa sĩ mà còn rất nhiều người dân, nhất là các em nhỏ đến xem. Những chú trâu đoạt giải sẽ tham gia Lễ hội Tịch điền vào sáng 31/1 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Canh Tý).
Theo sử sách ghi chép lại, mùa Xuân năm Đinh Hợi (987), vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) đã cùng văn võ bá quan cày tịch điền ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm sau cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc. Vì thế, những thửa ruộng này sau được gọi là Kim Điền, Ngân Điền. Từ đó, Lễ hội Tịch điền được nhiều đời vua sau như Lý, Trần, hậu Lê duy trì.
Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại bài bản và duy trì cho đến nay.
Lễ hội Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, ý thức tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp để đời sống được no đủ, hạnh phúc.