Hứa hẹn bất ngờ trong 'Ngày thơ Việt Nam'

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XII năm 2014 sẽ được tổ chức trong hai ngày 14 và Rằm tháng Giêng (13 - 14/2/2014), tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Ngày thơ 2013 thu hút đông đảo khách tham quan và người yêu thơ. Ảnh: Minh Đức – TTXVN


Bước sang tuổi 12, sự kiện văn hóa đặc biệt này được chuẩn bị tích cực, chu đáo, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều bất ngờ, góp phần khẳng định “thương hiệu” đã đạt được hơn 10 năm qua.

Theo Nhà thơ Đỗ Hàn, thường trực Ban tổ chức, với chủ đề lớn “Mùa xuân đất nước”, các tiết mục văn nghệ, trình diễn, ngâm thơ của Ngày thơ sẽ tập trung và hướng đến việc khẳng định chủ quyền Tổ quốc nơi biển đảo và kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Những âm hưởng của thi ca về chủ quyền biển đảo sẽ được thể hiện với sự tham gia trình diễn của hơn 20 tác giả. Cùng với đó là các Tổ hợp ca khúc - thơ về mảnh đất Điện Biên lịch sử.

Ngày thơ Việt Nam năm nay vẫn duy trì ở hai sân thơ chính: Sân thơ Truyền thống và Sân thơ Trẻ. Bên cạnh đó còn có Sân thơ của 26 câu lạc bộ thơ và 4 trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội (Bách khoa, Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại Nam, Văn hóa nghệ thuật quân đội) với các hoạt động giao lưu, đọc thơ, giới thiệu các ấn phẩm văn học.

Trên Sân thơ Truyền thống, nơi nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đảm nhiệm vai trò dẫn chương trình, các bài thơ được trình bày là những tác phẩm lấy cảm hứng từ tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là những bài thơ ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ, tưởng nhớ những người con của đất nước đã ngã xuống để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.


Đặc biệt, năm nay, những vần thơ của Bác Hồ được lấy làm chủ đạo và được thể hiện bằng hình thức mới. Trong đó, bài “Nguyên Tiêu” được thể hiện bởi 2 nghệ sĩ theo hình thức ngâm và “múa bút” thành tranh thư pháp ngay trong Lễ khai mạc Ngày thơ.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn, Trưởng ban Nhà văn trẻ chia sẻ: Sân thơ Trẻ mang chủ đề “Từ Điện Biên đến Hoàng Sa, Trường Sa” sẽ được dàn dựng theo kịch bản kết nối, có sự tương tác giữa các nhà thơ trẻ để tạo nên không khí thơ sôi động, trẻ trung, đầy sức sáng tạo. Sân thơ này ấn tượng hơn dưới bàn tay thiết kế của họa sỹ Lê Thiết Cương và sự tham gia của hai nhà thơ với vai trò “hoạt náo viên” là Nguyễn Vĩnh Tiến và Vi Thùy Linh.

Có thể cho rằng Sân thơ Trẻ năm nay vẫn là “đất diễn” của tuổi trẻ bởi nó tiếp tục đề cao tuổi trẻ, trách nhiệm, tình yêu nước của những chủ nhân tương lai trong xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, sân thơ còn là sự tiếp nối mạch nguồn của Sân thơ Trẻ 2013 khi khơi dậy tinh hoa, khí phách, làm sống dậy không khí yêu nước ở thế hệ thanh niên ngày nay qua những áng thơ hùng tráng.

Sân thơ Câu lạc bộ với chủ đề “Thơ trăm miền” được đưa về Vườn Giám thay vì khu vực Hồ Văn như nhiều năm. Sân thơ này năm nay sẽ duy trì suốt cả ngày 14/2 theo tinh thần thi ca là hoạt động xã hội. Tại đây cũng có hoạt động cho chữ, cho thơ của các “ông đồ”; tặng sách, tặng thơ của một số nhà xuất bản, tác giả...

Việc chọn 50 câu thơ thả lên trời trong Lễ khai mạc Ngày thơ năm nay có phần vất vả hơn vì phải đáp ứng đủ các tiêu chí: thơ hay, độc đáo, thể hiện đúng tinh thần tôn vinh thi ca nước Việt. Bộ phận chọn thơ gồm 6 nhà thơ nghiêm túc, cần mẫn và tài năng đã bắt đầu công việc lựa chọn cách đây hơn 2 tháng. Thơ được thả sẽ in trên các giải phướn gắn với bóng bay; bên cạnh đó còn được in ra tặng tác giả hoặc các bạn yêu thơ.

Đến thời điểm này, hơn 50 tỉnh, thành có kế hoạch tổ chức Ngày thơ song Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn là tâm điểm của mọi hoạt động. Một trong những điểm mới nữa tại tâm điểm này là 7 tỉnh, thành: Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Giang, Lạng Sơn sẽ tụ hội tại Hà Nội với gian hàng, các hoạt động văn nghệ đặc trưng và góp hai nhà thơ trình diễn.

Đáng chú ý và đặc sắc không kém là trong Ngày thơ Việt Nam năm 2014 là các tiết mục văn nghệ của các vùng như: biểu diễn múa hát Mông (tỉnh Hà Giang), Đàn tính (Lạng Sơn), hát Quan họ (Bắc Ninh), múa Trống cơm (Hải Dương), hát Chầu văn (Nam Định)… sẽ biểu diễn xen kẽ góp phần nâng những cánh thơ.

"Các tiết mục nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc này sẽ góp phần tạo sự gắn kết, đồng thời cũng là dịp để công chúng thưởng thức những di sản văn hóa phi vật thể đã được Việt Nam và thế giới công nhận. Đó sẽ là một “món ăn lạ”, bổ ích trong Ngày thơ Việt Nam 2014”, nhà thơ Đỗ Hàn hào hứng.

Năm 2014 là mốc son đáng nhớ khi Việt Nam kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, do đó Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam sẽ mở những cuộc giao lưu với các văn nghệ sĩ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như: nhà văn Hồ Phương, Chu Phác, Lê Kim và nhạc sĩ Hoàng Vân để tạo sự kết nối, cảm xúc, hoài niệm giữa các tác giả với công chúng.


Bên cạnh đó còn có triển lãm “50 năm lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ”, triển lãm ảnh các nhà văn tuổi Ngọ của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán và triển lãm tranh của nhà thơ Mỹ Kevin Bowen vẽ chân dung các bạn văn cựu binh Việt Nam. Đặc biệt, để tiếp nối Ngày thơ, Hội Nhà văn chủ trì chuỗi đêm thơ, nhạc tại Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên trong tháng 3 tới.

Ngày thơ Việt Nam năm 2014 đang đến rất gần, mọi công việc chuẩn bị hầu như đã hoàn tất. Ban tổ chức đã, đang làm những gì tốt nhất để Ngày thơ vẫn sẽ là ngày hội lớn, nơi gặp gỡ và khơi dậy tình yêu thi ca; thắp sáng tình yêu quê hương, đất nước trong hàng triệu trái tim người Việt.



Mỹ Bình

Tết của ngày thơ
Tết của ngày thơ

Giờ đây, mái tóc tôi đã lên màu sương khói, nhưng mỗi lần xuân đến Tết về, nhìn những chậu hoa nhiều màu sắc chưng bán bên đường; nhìn những đàn cháu mặc áo mới đang vô tư, vui đùa trong nắng mới, lòng tôi rộn lên nỗi nhớ những cái Tết của quê nghèo trong ngày thơ bé...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN