Dự án do Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) tài trợ 25,042 USD; triển khai thực hiện từ tháng 5 đến hết tháng 12/2022 tại 4 huyện: Lắk, Krông Ana, Buôn Đôn và Cư M’Gar.
Sau 7 tháng thực hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương mở lớp truyền dạy đánh chiêng nữ Êđê Bih tại thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana), lớp truyền dạy đánh chiêng M’nông tại buôn Liêng Ông (xã Đắk Phơi, huyện Lắk). Tại đây, các nghệ nhân giàu kinh nghiệm đã hướng dẫn, truyền dạy cho 40 học viên hiểu và nắm được kỹ thuật đánh các bài chiêng cơ bản như: Đón khách, Mừng mùa, Cúng lúa mới, Tiễn khách. Qua đó, nhiều học viên, nhất là thiếu nhi dân tộc thiểu số có thêm môi trường bổ ích để tiếp cận với văn hóa truyền thống.
Trong khuôn khổ dự án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng một bộ chiêng Êđê Bih, 15 bộ trang phục thổ cẩm truyền thống cho Đội chiêng Êđê Bih, thị trấn Buôn Trấp, tặng 15 bộ trang phục nam Êđê cho buôn KaLa (xã Dray Sap, huyện Krông Ana), một bộ chiêng M’nông và 30 bộ trang phục thổ cẩm truyền thống cho buôn Liêng Ông (xã Đắk Phơi, huyện Lắk).
Sở phối hợp với UBND huyện Lắk tổ chức phục dựng nghi lễ kết nghĩa anh em của người M’Nông, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng các dân tộc, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương. Sở đã khảo sát, chọn 8 bài chiêng truyền thống của người Êđê và M’nông để ghi hình, dựng tư liệu, lưu giữ.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại nhấn mạnh, không gian văn hóa cồng chiêng là tài sản quý giá, linh thiêng, trở thành bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng như tỉnh Đắk Lắk, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại vào năm 2005, ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2008.
Địa phương đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, góp phần làm sống động đời sống tinh thần của nhân dân 49 dân tộc trên địa bàn, tạo sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Sở mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và hợp tác của Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Các đại biểu đánh giá cao hiệu quả của dự án, chia sẻ những khó khăn khi truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ như: nhiều nghệ nhân truyền dạy đã cao tuổi, không ít người đã qua đời; giải pháp để duy trì các hoạt động khi dự án đã kết thúc...