Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy: Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc trong điều kiện Internet và công nghệ truyền thông đang ngày càng phát triển là vấn đề được đặt ra lâu nay.
Theo Vụ Thư viện, trong những năm qua, sự phát triển của công nghệ, người đọc đã có thêm cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở không chỉ ở thư viện mà còn từ nhiều nguồn: nhà xuất bản, các trang thông tin điện tử, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin trực tuyến... Tại nhiều thư viện, tài nguyên thông tin mà thư viện xây dựng, phát triển, tạo ra cho bạn đọc tiếp cận cũng đã vượt ra ngoài phạm vi của các bức tường thư viện với sự hỗ trợ của Internet. Thói quen đọc và tiếp cận của người dùng đã có sự thay đổi với sự tác động của công nghệ mới. Thay vì trực tiếp đến thư viện, người sử dụng có thể đọc ở mọi nơi mọi lúc thông qua máy tính và các thiết bị thông minh.
Trong năm 2017, tổng số thư viện công cộng/ phòng đọc sách, tủ sách cơ sở là 20.768 thư viện (tăng 15% so với năm 2016), mạng lưới thư viện cấp xã là 3.257 thư viện (tăng 20% so với 2016), phòng đọc sách cơ sở là 16.727 (tăng 15% so với năm 2016). Tổng số bạn đọc đến thư viện đạt 29 triệu lượt, tăng 8% so với năm 2016; tổng lượt sách báo phục vụ của thư viện đạt 55 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2016; năm 2017 cũng là năm có sự bứt phá trong công tác phục vụ bạn đọc của thư viện cấp huyện với 9,9 triệu lượt bạn đọc và 20 triệu lượt sách báo luân chuyển, tăng 40% so với năm 2016. Với những kết quả này đã mang lại diện mạo mới cho ngành thư viện.
“Điểm đáng chú ý trong thời gian qua là sự phát triển của các nguồn tài liệu số. Các thư viện đã chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện số hóa tài liệu. Với sự triển khai dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và internet công cộng, hơn 7700 máy tính và đường truyền internet đã được lắp đặt và được trang bị cho hơn 900 thư viện thuộc 40 tỉnh, thành. Một số dự án số hóa đã được triển khai. Tuy nhiên, kinh phí cho hoạt động thư viện còn nhiều hạn chế; vốn tài liệu trong các thư viện thực sự phát triển, phong phú; nhận thức của một số lãnh đạo và người dân về vai trò của văn hóa đọc và thư viện còn chưa đúng mức tác động lớn đến văn hóa đọc”, bà Vũ Dương Thúy Nga cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về các tác động tích cực, thuận lợi và những hoạt động mang tính thách thức của công nghệ thông tin và truyền thông đến văn hóa đọc nói chung, hoạt động thư viện nói riêng; thực trạng vốn tài liệu điện tử,tài liệu số và các dịch vụ phục vụ sử dụng của thư viện và những giải pháp phát triển văn hóa đọc tại các thư viện; xác định các giải pháp đột phá nhằm phát triển văn hóa đọc, tăng cường liên thông vốn tài liệu điện tử, tài liệu số, tăng cường các dịch vụ trực tuyến trong thư viện, kinh nghiệm và mô hình hoạt động hiệu quả phục vụ phát triển văn hóa đọc... Thông qua hội thảo, Bộ VHTTD sẽ thu thập các dữ liệu để góp phần xây dựng những định hướng, giải pháp cụ thể trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc và hoạt động thư viện trong kỷ nguyên số.