Đây là chương trình do Nhà hát nhạc vũ kịch thành phố (HBSO) tổ chức, nhằm giới thiệu tới khán giả những bản nhạc phim nổi tiếng nhất với nhiều sắc màu cung bậc của âm nhạc.
“Đêm Nhạc phim” sẽ trình diễn những bản nhạc tuyệt vời của những bộ phim vô cùng nổi tiếng với nhiều giải thưởng cho nghệ thuật điện ảnh và âm nhạc: The Lion King, Beauty and the Beast, The Sound of Music, Pirates of the Caribbean, The phantom of the Opera, Out of Africa, Schindler's List, Cinema Paradiso …
"Đêm nhạc phim" diễn ra dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tài năng đến từ Hàn Quốc Lim Jun Oh. Ảnh:CTV |
Chương trình được biểu diễn bởi bởi các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng HBSO, dưới sự dàn dựng và chỉ huy của nhạc trưởng tài năng đến từ Hàn Quốc Lim Jun Oh, người đã có hơn 700 chương trình hòa nhạc trên khắp thế giới. Hai tác phẩm vô cùng xúc cảm cho đàn violin trong phim Cinema Paradiso và Schindler's List sẽ được trình diễn bởi nghệ sĩ violin tài năng gốc Việt đã từng dành giải Đặc biệt tại Cuộc thi violin quốc tế mang tên Wieniawsky tại Ba Lan và Giải Nhất tại Cuộc thi Violin quốc tế tại Áo, nghệ sĩ violin Dương Minh Chính.
Nghệ sĩ kèn clarinet Đào Nhật Quang cũng tham gia trong âm nhạc phim lần này. Ảnh:CTV |
Chương trình còn có sự tham gia của nghệ sĩ kèn clarinet xuất sắc Đào Nhật Quang trong âm nhạc của hai phim nổi tiếng The Mission và Out of Africa.
Từ cuối thế kỷ 19, khi kỹ thuật thu âm cho nhạc và âm thanh của phim chưa phát triển, âm nhạc đã là một thành tố quan trọng song hành với hình ảnh để dẫn dắt, nhấn mạnh xúc cảm của nội dung phim. Khi đó âm nhạc được biểu diễn trực tiếp tại phòng chiếu, sử dụng đàn piano, organ, hòa tấu thính phòng và nhiều khi sử dụng cả một dàn nhạc giao hưởng.
Nghệ sĩ violin Dương Minh Chính, giải Nhất tại Cuộc thi Violin quốc tế tại Áo cũng góp mặt tại "Đêm nhạc phim". Ảnh:CTV |
Đến thế kỷ 20 với hỗ trợ của công nghệ âm thanh đã tạo ra bước ngoặt lớn trong nhạc phim, âm nhạc gắn chặt với từng hành động, diễn biến của phim tạo lên hiệu ứng mạnh mẽ, góp phần to lớn trong việc thành công của nghệ thuật điện ảnh. Và người thành công đầu tiên trong lĩnh vực này, người được xem là “cha đẻ” của nhạc phim là nhà soạn nhạc, nhạc trưởng người Mỹ gốc Áo Max Steiner với phim King Kong (1993).
Từ đó nhạc phim ngày càng được khai thác mạnh mẽ, phát triển thành một loại hình riêng, mang đặc trưng riêng gắn bó mật thiết với nghệ thuật điện ảnh và đôi khi được thưởng thức như những tác phẩm âm nhạc độc lập. Đôi khi nhạc phim cũng sử dụng những tác phẩm đã rất thành công và phù hợp với tình tiết của phim, từ kho tàng âm nhac cổ điển thể giới.