Chợ Chuộng là phiên chợ chỉ họp một phiên duy nhất trong năm tại địa phận thôn Chùy Lạc Giang, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là dải đất rộng hơn 1.000 m2, nơi giáp ranh giữa 3 huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa và Triệu Sơn. Theo các vị cao niên, chợ Chuộng có từ rất lâu đời. Tương truyền vào thời Lê Lợi, có một vị tướng bị giặc truy đuổi và chạy đến làng Giang (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn) vào đúng ngày mùng 6 Tết. Vị tướng bèn nghĩ cách huy động người dân trong vùng tổ chức họp chợ nhằm che mắt giặc, cất giấu vũ khí trong hàng hóa ở chợ. Giặc nghĩ đây là phiên chợ bình thường nên mất cảnh giác, khi vị tướng phát lệnh, người dân dùng vũ khí giấu sẵn cùng các đồ vật như gạch, đá... để ném, đánh vào quân giặc khiến chúng không kịp trở tay. Từ đó, hằng năm cứ đến mùng 6 Tết, người dân trong vùng lại về đây họp chợ. Qua thời gian, chợ Chuộng trở thành nơi "nhận may, ném rủi" đầu Xuân.
Với quan niệm đó, mọi người đến chợ mang theo mong muốn rũ bỏ hết những điều không may của năm cũ và đón những điều may mắn trong năm mới. Vì thế, từ sáng sớm, người dân và du khách thập phương đã nô nức đến chợ Chuộng. Ai cũng mua cho mình vài túi cà chua chín hoặc trứng gà, trứng vịt bởi đây là "công cụ" ném nhau phổ biến ở chợ Chuộng. Những quả cà chua được bóp dập hoặc bẻ đôi cho nước bắn tung tóe để người ném và người bị ném đều gặp may mắn trong năm mới. Vì thế, dù bị ném bẩn hết quần áo, đầu tóc, mặt mũi nhưng ai cũng cười nói vui vẻ. Người càng bị ném nhiều thì càng nhận được nhiều niềm vui và may mắn trong năm mới.
Ông Trịnh Văn Quân (74 tuổi, thôn Hoàng Học, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn) cho biết: "Từ bé đến giờ, ông hầu như chưa bỏ phiên chợ Chuộng nào. Giờ già rồi, ông ra chợ ăn quà, nhìn mọi người vui chơi cũng thấy mình trẻ lại. Ông Quân mong muốn, thế hệ trẻ sẽ giữ gìn chợ Chuộng bởi đây là nét văn hóa cổ xưa còn lưu truyền tại địa phương".
Ngoài ý nghĩa văn hóa tâm linh, phong tục tập quán thì vài năm gần đây, Chợ Chuộng đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có ở huyện Đông Sơn. Ngành văn hóa địa phương đang phấn đấu xây dựng nơi đây trở thành "điểm đến" hấp dẫn du khách gần xa mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Chị Trần Thị Lan Anh, du khách đến từ thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho biết mình đã nghe rất nhiều về phiên chợ Chuộng nhưng năm nay mới có dịp qua Thanh Hóa và ghé thăm phiên chợ. Tôi cảm nhận được không khí vui vẻ ở phiên chợ "độc nhất vô nhị này". Ban đầu chưa quen cũng thấy hơi khó chịu khi mình mặc đẹp đến chợ nhưng bị cà chua ném vào dây bẩn quần áo, nhưng khi tận tay cầm cà chua ném vào những người xung quanh và mọi người đều cười đùa, phấn khởi chị lại thấy rất phấn khích, sẵn sàng hòa mình vào phiên chợ, cùng nhau ném đi những điều không may trong năm cũ và nhận lại những điều tốt lành trong năm mới.
Người dân trong vùng cũng mang đến chợ những đồng quà, tấm bánh tự làm cùng các món ăn truyền thống như bánh cuốn, bánh lá, bánh đa gấc… với mong muốn bán được giá hời cho một năm làm ăn thuận lợi.
Phó trưởng Công an xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn) Nguyễn Đức Anh cho biết: Lực lượng công an huyện và xã đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự tại chợ Chuộng, không để xảy ra các sự việc gây mất an ninh trật tự, các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, đánh bạc… Trong phiên chợ Xuân Giáp Thìn 2024, việc gây gổ, đánh nhau không hề xảy ra, nhân dân và du khách tham gia lễ hội với tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn.
Quá trưa, chợ vãn, mọi người lại trở về nhà. Mỗi người đều tự nhủ đã "ném" đi những điều không hay của năm cũ và mang về nhà những may mắn mới. Họ hẹn với nhau đầu Xuân sang năm, mùng 6 tháng Giêng lại gặp nhau ở chợ Chuộng.