Hải Dương: Phát huy giá trị của 11 bảo vật quốc gia

Hải Dương vừa có thêm 3 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, gồm: Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần, niên đại thế kỷ XIII - XIV, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn, niên đại thời Lê trung hưng, hiện thờ tại chùa Côn Sơn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh; Mộc bản chùa Trăm Gian, niên đại thế kỷ XVII – XX, hiện lưu giữ tại chùa Trăm Gian, xã An Bình, huyện Nam Sách.

Chú thích ảnh
Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn. Ảnh: Ban quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Ngoài 3 hiện vật trên, Hải Dương đã có 8 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia gồm: Trống đồng Hữu Chung, niên đại Văn hóa Đông Sơn, lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh; Bia “Thanh Hư Động”, niên đại Long Khánh (1372 - 1377) thời Trần Duệ Tông, lưu giữ tại chùa Côn Sơn, thành phố Chí Linh; Cửa phẩm Liên Hoa chùa Giám, niên đại thế kỷ XVII, lưu giữ tại chùa Giám, huyện Cẩm Giàng; Bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi”, niên đại năm 1362 đời vua Trần Dụ Tông, lưu giữ tại chùa Thanh Mai, thành phố Chí Linh; Cửu phẩm Liên Hoa chùa Động Ngọ, niên đại 1692 đời vua Lê Hy Tông, lưu giữ tại chùa Động Ngọ, thành phố Hải Dương; Hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ, niên đại thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, lưu giữ tại động Kính Chủ, thị xã Kinh Môn; Bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi”, niên đại năm 1607 niên hiệu Hoằng Định thứ 8, lưu giữ tại chùa Côn Sơn, thành phố Chí Linh; Bia “Sùng Thiên tự bi”, niên hiệu Khai Hựu thứ 3 đời Trần năm 1331, lưu giữ tại chùa Dâu, huyện Gia Lộc.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, tỉnh đang lưu giữ nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đa dạng, độc đáo với trên 3.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng. Từ những dấu ấn thời kỳ đồ đá cũ có niên đại trên 3 vạn năm (di chỉ ở hang Thánh Hóa, núi Nhẫm Dương, thị xã Kinh Môn) đến những di chỉ, di vật có giá trị của thời đại đồ đồng (Đồi Thông, xã Lê Ninh, thị xã Kinh Môn; thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ; làng Gọp, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương)...

Tỉnh hiện có 4 di tích và quần thể di tích quốc gia đặc biệt (gồm Côn Sơn - Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Văn miếu Mao Điền, đền Xưa - chùa Giám - đền Bia), 142 di tích quốc gia, 263 di tích cấp tỉnh; 11 bảo vật quốc gia; 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 Nghệ nhân Nhân dân và 32 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể...

Hải Dương còn được gọi là xứ Đông với những phong tục, tập quán, lối sống tốt đẹp của cộng đồng dân cư, được lưu truyền và thể hiện qua các lễ hội truyền thống. Điển hình, lễ hội mùa Xuân và mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng trên 800 lễ hội truyền thống khác tại các di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, Hải Dương duy trì, khôi phục nhiều nghi lễ, diễn xướng truyền thống kết hợp hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, thể thao truyền thống, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Mạnh Tú (TTXVN)
Công nhận 29 bảo vật quốc gia
Công nhận 29 bảo vật quốc gia

Ngày 18/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận 29 bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN