Góc nhìn văn hóa: Làm phim hấp dẫn từ những nhân vật trong truyền thuyết

Gần đây có nhiều công trình về văn học dân gian (VHDG) Nam bộ đã và đang xuất bản, ví dụ bộ Văn học dân gian Đồng Tháp do La Mai Thi Gia chủ biên, sắp trình làng. Do ảnh hưởng của đô thị hóa nhanh, giải trí và mạng xã hội, VHDG và truyền miệng liệu còn sống trong dân gian?

Phóng viên TTXVN có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ La Mai Thi Gia (Trưởng bộ môn Văn hóa dân gian, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) về vấn đề này.

Bắt đầu câu chuyện, TS La Mai Thi Gia cho biết: “Dù bây giờ thì điều kiện đi lại, sinh hoạt và sưu tầm đã tốt hơn rất nhiều, nhưng tỷ lệ nghịch với đó là số lượng và chất lượng của tài liệu sưu tầm được, mỗi năm mỗi kém dần đi. Có lẽ vì số người già còn nhớ, thuộc VHDG đã không còn nhiều, mà thế hệ trẻ thì cũng không còn mấy mặn mà, vì môi trường sống hiện đại và đa văn hóa tác động mạnh. Tôi nghĩ đây cũng là điều tất yếu”.

Tục ngữ mới xuất hiện nhiều hơn

Được biết khoa Văn học nơi chị làm việc đã tiến hành sưu tầm, chỉnh lý, xuất bản VHDG phía Nam từ năm 1978. Vậy thể loại, tầm quan tâm hoặc các chủ đề mà VHDG Nam bộ thường gặp là gì?

Trong kho tàng VHDG Việt Nam nói chung, Nam bộ nói riêng, truyện cổ tích và ca dao luôn chiếm số lượng nhiều nhất và phổ biến nhất. Tuy nhiên, tầm gần 10 năm trở lại đây thì lượng truyện kể thu được mỗi năm cứ mỗi ít dần đi, có lẽ do người dân không còn thời gian để dành cho việc nghe, nhớ và lưu truyền những tác phẩm dài như các truyện kể nữa.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ La Mai Thi Gia. Ảnh: NVCC.

Đặc biệt ở Nam bộ, thể loại thần thoại trong nhiều năm nay hầu như mất hẳn, truyền thuyết thì giảm dần. Truyện cổ tích vẫn chiếm ưu thế nhất trong loại hình tự sự dân gian, nhưng trùng lặp rất nhiều giữa các tỉnh.

Ngược lại, thể loại truyện cười mang nhiều yếu tố thời đại thì lại phát triển nở rộ, thành ngữ, tục ngữ mới cũng xuất hiện nhiều hơn. Truyền thuyết hoặc ca dao về nhân danh, địa danh, hoặc các sự kiện lịch sử lớn của địa phương cũng là chủ đề được dân gian sáng tác nhiều, đây cũng chính là nhóm tác phẩm giúp nhận diện lịch sử, văn hóa địa phương rõ ràng nhất.

Chị có nghĩ là lúc nào đó VHDG sẽ kết thúc đời sống truyền miệng của nó, chỉ còn tồn tại trong các văn bản in ấn/chuyển dần thành văn học viết?

Còn dân gian thì còn văn học dân gian. Dân gian lại được hiểu là tất cả chúng ta, chứ không riêng gì nhân dân lao động ở nông thôn. Mỗi nhóm dân gian đều có văn học dân gian của riêng mình, chẳng hạn văn học dân gian của các nhóm nghề, của các tầng lớp nhân dân, văn học dân gian ở đô thị. Đã có văn học dân gian trên mạng xã hội…

Văn học dân gian luôn tiếp tục sản sinh trong quá trình truyền miệng, dù đã được in ấn, nhưng bối cảnh sử dụng trong những tình huống khác nhau, thời gian khác nhau thì có dị bản hoặc cách hiểu mới. Chưa kể là thời đại nào thì cũng có nguồn văn học dân gian của nó, tiếp tục được sáng tác, vừa mang tính thẩm mỹ của thời đại, nhưng vẫn vừa đảm bảo được các tiêu chí của văn học dân gian truyền thống như tính tập thể, tính vô danh, tính truyền miệng và hình thức ngôn ngữ đặc trưng.

Mỵ Nương hoặc Tiên Dung là ­đầy chất điện ảnh

Hollywood thường làm mới cốt truyện hoặc mô-típ dân gian bằng các hình ảnh thị giác, phim ảnh thu hút cả nhân loại, nhắc nhớ lại được tích cũ. Ngoài các mô-típ quen thuộc như Tấm Cám, trạng này trạng kia, chị nghĩ văn học dân gian Việt Nam còn những mô-típ nào thú vị nếu chuyển lên truyện tranh hoặc phim ảnh?

Quá nhiều nhân vật trong truyền thuyết có thể làm phim rất hấp dẫn. Chẳng hạn hình ảnh người anh hùng làng Gióng trong các thần tích ở các địa phương, trong lễ hội, trong thần thoại, trong truyền thuyết và thậm chí cả trong văn học hiện đại. Hoặc câu chuyện về nàng công chúa Tiên Dung cãi lệnh cha để tự do quyết định đời sống hôn nhân và đứng ra lập làng, dạy dân chúng làm ăn buôn bán. Hoặc câu chuyện về Mỵ Nương với Sơn Tinh, Thủy Tinh mà đằng sau đó là mối quan hệ giữa các tộc người lớn, bé. Hoặc chuyện tình đẫm nước mắt Mỵ Châu - Trọng Thủy gắn liền với hình thức hôn nhân giao hảo vì vận mệnh quốc gia dân tộc.

Chú thích ảnh
Các nghiên văn học dân gian của La Mai Thi Gia thu hút sự chú ý của học giới. Ảnh: NVCC.

Gần đây nhất, năm 2020 Walt Disney đã cho làm lại phim Hoa Mộc Lan phiên bản người đóng, từ truyền thuyết rất nổi tiếng của Trung Quốc, dù trước đó đã có phiên bản hoạt hình đình đám vào năm 1998. Chỉ từ 1 truyền thuyết mà Hoa Mộc Lan đã có đến gần chục phiên bản điện ảnh, cả ở mẫu quốc lẫn ở Hollywood. Truyền thuyết của chúng ta cũng có rất nhiều đề tài hay như thế, quan trọng là các nhà làm phim có dám làm và đủ khả năng để làm hay không mà thôi.

Nhiều người ngại rằng các mô-típ Việt Nam sẽ bị khu biệt hóa, địa phương hóa khi chuyển thể thành phim. Chị có nghĩ vậy không?

Nếu chỉ xét riêng thể loại truyện cổ tích, thì tất cả các mô-típ mà chúng ta có đều nằm chung trong danh mục mô-típ truyện kể dân gian trên toàn thế giới. Nếu có khác nhau, thì khác ở các dạng thức của mô-típ được thể hiện trong các cốt truyện khác nhau trong cùng một kiểu truyện mà thôi.

Và sự khác nhau tuyệt đối trong VHDG của Việt Nam chính là ở nội dung thể loại truyền thuyết. Như tôi nhắc ở trên, một Hoa Mộc Lan rất Trung Hoa, một cô gái giả trai ra chiến trường đánh giặc cũng đủ sức tỏa sáng trên màn ảnh thế giới. Vậy thì tại sao chúng ta phải ngại việc khu biệt hóa hoặc địa phương hóa khi chuyển thể. Chúng ta có quyền mơ đến một phiên bản Mỵ Nương hoặc Tiên Dung trong điện ảnh, nơi có thể mang truyền thuyết của chúng ta đi xa hơn, ra khỏi các tuyển tập văn học dân gian.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

La Mai Thi Gia sinh năm 1980 tại Quảng Nam, là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội Dân tộc học TP Hồ Chí Minh. Chị là chủ biên các tác phẩm: Văn học dân gian Tiền Giang (2018), Văn học dân gian Vĩnh Long (2019), Văn học dân gian Đồng Tháp (2022); là đồng biên soạn Văn học dân gian An Giang (2010), Văn học dân gian Bến Tre (2012). Cuốn sách riêng của chị - Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian: lý thuyết và ứng dụng (2014) - đã được tái bản. Tất cả các sách này đều đoạt giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Văn Bảy/Thể thao&Văn hóa (thực hiện)
Hưng Yên dừng tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến
Hưng Yên dừng tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến

Ngày 24/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) Bùi Tuấn Anh cho biết, thành phố vừa ra thông báo dừng tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2021, để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, lễ hội này tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh.   

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN