Giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương - Bài 1: Sức sống bền bỉ

Liên hoan Cải lương toàn quốc đang được tổ chức tại tỉnh Long An thu hút gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên với 27 vở diễn. Đây là liên hoan có đông nghệ sĩ tham gia nhất từ trước đến nay. Liên hoan đã và đang để lại nhiều ấn tượng trong lòng những người yêu mến bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Long An thực hiện 2 bài viết về giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương nhằm khẳng định sức sống của bộ môn nghệ thuật này và những hành động để phát huy giá trị của cải lương trong đời sống.

Bài 1: Sức sống bền bỉ 

Đa số các vở diễn tham gia liên hoan được đầu tư bài bản từ quy mô, hình thức và diễn xuất của diễn viên. Theo Ban Tổ chức, trong số gần 1.000 nghệ sĩ tham gia Liên hoan có khoảng 300 nghệ sĩ trẻ. Điều này góp phần minh chứng cho sức sống bền bỉ của loại hình nghệ thuật này.

Đam mê với nghề diễn

Chú thích ảnh
Bên dòng Long Khốt (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An) là 1 trong 2 vở xuất sắc nhất tại Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN

Đến với Liên hoan Cải lương toàn quốc năm nay, Hội Sân khấu Bạc Liêu biểu diễn vở “Một thời để nhớ” kể về nỗi mất mát đau thương trong chiến tranh của người mẹ Nam Bộ. Bà có 4 người con đều theo cách mạng, chồng tập kết ra Bắc và 3 người con đã hy sinh. Trong đó, người con trai út bị bắt và bị giặc bắn, hy sinh ngay trước mặt mẹ và vợ anh, để lại nỗi đau dai dẳng.

Nghệ sĩ Lâm Minh Nghiêm sinh năm 1995, 27 tuổi vào vai người con trai út. Với giọng hát ngọt ngào da diết, lối diễn chân thật, anh để lại ấn tượng trong lòng người xem. Không sinh ra trong thời chiến, lại là nghệ sĩ rất trẻ về tuổi đời và tuổi nghề, làm được điều đó vì “mình tin, mình hiểu thì sẽ làm được cho khán giả tin”, anh Minh chia sẻ.

Lâm Minh Nghiêm vào đoàn được 4 năm, sau 2 năm tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Bạc Liêu. Hai năm đầu anh học việc. Cơ duyên đưa anh đến với nghề. Lúc còn đi học, anh làm phụ việc tại Vũ đoàn của Bạc Liêu để có thêm chi phí trang trải việc học. Tiếp xúc với các nghệ sĩ, sẵn có khiếu, anh mê từ lúc nào không hay. Sau khi ra trường, anh được gọi về Nhà hát Cao Văn Lầu. Với khả năng có sẵn và đam mê nghề, anh Nghiêm khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực, rèn luyện để theo nghề.

Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre mang đến Liên hoan vở diễn "Trái tim và đôi mắt" nói về cuộc đời, sự nghiệp của cụ Đồ Chiểu. Diễn viên Khánh Dũng, 51 tuổi, đã thể hiện trọn vẹn vai diễn cụ Đồ Chiểu. Anh khá tự tin nhận vai diễn này và đây cũng là một trong các vai diễn anh tâm đắc trong sự nghiệp hơn 30 năm làm nghề.

Để mang vở diễn này đến với Liên hoan, các nghệ sĩ đã tập luyện hơn 1 tháng. Mặc dù còn nhiều khó khăn về vật chất, nhưng các nghệ sĩ luôn cần mẫn và tận tâm với nghề. “Khi tập, tôi và một số nghệ sĩ nhà ở huyện cách thành phố Bến Tre 30 - 40km, phải đi về mỗi ngày vì đoàn không có chỗ ăn ở cho diễn viên, nhưng mọi người vẫn cố gắng nỗ lực vì tình yêu với nghề”, anh Khánh Dũng bộc bạch.

Đặt niềm tin vào các nghệ sỹ trẻ

Chú thích ảnh
Trao giải cho 2 vở xuất sắc nhất tại Liên hoan. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN

Liên hoan năm nay không chỉ có sự tham gia của các đoàn cải lương công lập, mà có có nhiều đơn vị ngoài công lập. Ê-kíp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sự kiện và giải trí We mang đến Liên hoan vở Chân dung người mở cõi. Đạo diễn, diễn viên Minh Trường đã đặt nhiều niềm tin vào các cộng sự trẻ của mình.

Đạo diễn, diễn viên Minh Trường cho biết, khi lựa chọn nghệ sĩ cho vở diễn, điều anh quan tâm nhất là phù hợp với vai và hết lòng khi làm nghề. Ê-kíp lần này đa phần là nghệ sĩ trẻ, có thể không quá xuất sắc,  nhưng đều đam mê với nghệ thuật cải lương.

Theo nghệ sĩ Minh Trường, khán giả không quay lưng với nghệ thuật cải lương. Đặc biệt sau thời gian “im ắng” do dịch COVID-19, các đoàn đã hoạt động hết tốc lực, sân khấu sáng đèn thường xuyên. Nhiều suất chiếu không còn vé bán, đặc biệt là rất nhiều bạn trẻ đến xem. Qua những phản hồi trên mạng xã hội có thể thấy, nhiều bạn trẻ đến xem lần đầu đều thấy hay và hứng thú. “Nhưng thời đại hiện nay khán giả có quá nhiều lựa chọn, nên muốn đưa cải lương đến với người xem, trước hết phải thu hút được khán giả tới rạp. Để làm được điều đó không chỉ là nội dung, kịch bản, khả năng của diễn viên, mà phải làm tốt truyền thông. Nghệ thuật cải lương đang thiếu đội ngũ làm truyền thông chuyên nghiệp”, nghệ sĩ Minh Trường cho hay.

Tại Liên hoan năm nay, mỗi vở diễn đều có khá đông khán giả. Đoàn Thanh niên xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa đã tổ chức xe đưa đoàn viên, thanh niên đến xem vở cải lương Duyên kiếp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn giải trí sân khấu Kim Ngân. Đây là kịch bản cải lương nổi tiếng của soạn giả Hoàng Song Việt đã từng đem về doanh thu lớn cho nhiều đoàn hát thập niên 90.
 
Với một kịch bản nổi tiếng, đã qua dàn dựng của rất nhiều đoàn và nhiều loại hình nghệ thuật cùng các diễn viên kỳ cựu, vở diễn là thách thức lớn đối với diễn viên trẻ. Tuy nhiên, vở diễn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn giải trí sân khấu Kim Ngân đã để lại nhiều ấn tượng và xúc động mạnh cho người xem.
 
Em Huỳnh Quốc Khánh, sinh năm 2006 hào hứng cho biết, đây là lần đầu tiên em được xem một vở cải lương trực tiếp trọn vẹn. Vở diễn rất xúc động, được đầu tư bài bản về hình ảnh và diễn xuất của diễn viên.

Liên hoan Cải lương toàn quốc lần này tập hợp rất đông những nghệ sĩ trẻ, triển vọng và nhiệt huyết. Họ chính là sợi dây kết nối, là nguồn cảm hứng mới để những thế hệ trẻ đến và đón nhận nghệ thuật cải lương.

Chị Võ Huỳnh Mơ, Trưởng đoàn Sân khấu Võ Thị chia sẻ, được tham gia Liên hoan là thỏa lòng yêu nghề của những nghệ sĩ trong đoàn, là cơ hội quý báu để học hỏi, trau dồi bản thân. Thời học phổ thông, chị không thích cải lương nhưng khi học xong Cao đẳng ngành Công nghệ thông tin, chị lại vào trường Sân khấu Điện ảnh học diễn viên cải lương. Chị Mơ nghĩ, người trẻ như mình mà quay lưng với cải lương thì những thế hệ sau mình sẽ còn ai đam mê nữa.

“Được học, có kiến thức cùng quá trình thực tế, tôi nghĩ mình có thể làm những điều mới. Trước mắt tôi tập hợp những người cùng đam mê, chung sức làm từ cái nhỏ nhất. Khó khăn luôn là kinh phí. Chúng tôi nỗ lực kêu gọi xã hội hóa và cùng nhau hùn tiền, hùn công sức, ba tháng một lần biểu diễn phục vụ khán giả miễn phí tại rạp Thầy Năm Tú - là rạp cải lương đầu tiên của Việt Nam (phường 1, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
 
Chúng tôi mời nghệ sĩ ở Sài Gòn về biểu diễn cùng, kinh phí chỉ là hỗ trợ xăng xe, với mong muốn ban đầu là gây dựng lại tình yêu với nghệ thuật cải lương, để mọi người nhớ tới cải lương, nhớ tới rạp Thầy Năm Tú. Khi khán giả đến xem đông thì đó là niềm hạnh phúc của nghệ sĩ chúng tôi”, chị Võ Huỳnh Mơ xúc động cho biết.

Bài cuối: Để mạch nguồn văn hóa tuôn chảy

Đức Hạnh (TTXVN)
Giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương - Bài cuối: Để mạch nguồn văn hóa tuôn chảy
Giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương - Bài cuối: Để mạch nguồn văn hóa tuôn chảy

Cải lương là loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam, hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca Đồng bằng sông Cửu Long, nhạc xưa cổ. Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 cho thấy tình yêu với nghệ thuật cải lương vẫn luôn chảy bằng sự cần mẫn và bền bỉ của những người nghệ sĩ yêu nghề, say nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN