Giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương - Bài cuối: Để mạch nguồn văn hóa tuôn chảy

Cải lương là loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam, hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca Đồng bằng sông Cửu Long, nhạc xưa cổ. Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 cho thấy tình yêu với nghệ thuật cải lương vẫn luôn chảy bằng sự cần mẫn và bền bỉ của những người nghệ sĩ yêu nghề, say nghề.

Chú thích ảnh
Vở Trái tim và đôi mắt (Đoàn nghệ thuật cải lương Bến Tre) đạt Huy chương Bạc. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN

Gần với cuộc sống thực tế hơn

Tham gia Liên hoan năm nay, tỉnh Bạc Liêu có 4 vở diễn của 3 đơn vị gồm Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu với vở “Một thời để nhớ”, Nhà hát Cao Văn Lầu với vở “Làm vua” và “Thái sư Trần Thủ Độ”, Hội Văn nghệ dân gian Bạc Liêu với vở “Dòng sông đỏ”.

Vở “Dòng sông đỏ” của đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Minh Chiến; soạn giả Ngô Hồng Khanh; diễn viên Nghệ sỹ ưu tú Minh Chiến, Diễm My, Công Tràng... tái hiện cuộc chiến đấu quả cảm và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ đặc công rừng Sác thời kháng chiến chống Mỹ. Được dàn dựng công phu trên nền rừng Sác sống động, cùng lối diễn xuất ấn tượng, người xem cảm nhận sâu sắc về cuộc chiến hào hùng của các chiến sĩ đặc công rừng Sác.

Ông Trần Phước Thuận, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Bạc Liêu đánh giá, Liên hoan năm nay tập trung nhiều tác phẩm độc đáo, nhiều vở diễn có yếu tố lịch sử. Liên hoan lần này chuyên nghiệp hơn những lần trước, nội tâm nhân vật, kỹ năng diễn xuất của các nghệ sĩ và chủ đề của các vở diễn sâu sắc hơn.

Khó khăn hiện nay của cải lương nói riêng và các nghệ thuật truyền thống nói chung là kịch bản. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc cho rằng, đề tài hiện đại không khó với nghệ thuật dân tộc nói chung và cải lương nói riêng, nhưng người làm nghệ thuật chưa hiểu, chưa hết mình với cuộc sống đương thời.

Thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật cải lương được xem vào khoảng năm 1955-1975. Đó là thời kỳ hội tụ đầy đủ các yếu tố để làm nên hào quang, đặc biệt là có những nhà viết kịch tài ba. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc chia sẻ, chúng ta đang thiếu kịch bản hay, cải lương cần gần với cuộc sống thực tế hơn. Hiện không thiếu kỹ thuật, không thiếu con người tài năng nhưng thiếu vốn sống. “Có 5 thành phần làm nên nghệ thuật sân khấu là tác giả, đạo diễn, diễn viên, khán giả và nhà quản lý. Cả 5 chủ thể này phải cùng hành động để có những tác phẩm hay, được người xem đón nhận, trong đó chủ thể quyết định là nhà quản lý”, ông Trần Trí Trắc nhận định.

Nghệ sĩ cần sáng tạo, năng động

Chú thích ảnh
Trao Huy chương Vàng cho các cá nhân. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN

Nghệ sĩ Điền Trung, Nhà hát Trần Hữu Trang, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại Thành phố, nghệ sĩ được tạo điều kiện tham gia diễn xuất ở các sân khấu ngoài công lập. Điều đó không chỉ mang lại thu nhập, mà là cơ hội cho diễn viên trẻ cọ xát, thể hiện năng lực của mình. Còn những nghệ sĩ kì cựu muốn làm mới mình. Sân khấu xã hội hóa thường khó khăn do tự chủ kinh phí nhưng lợi thế là không bị gò bó, nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo mà mục tiêu cuối cùng là luôn hướng đến khán giả, làm sao để được khán giả đón nhận. Do đó, quan trọng là làm đúng cách, biết đối tượng mình hướng đến là ai…

Theo nghệ sĩ Điền Trung, may mắn của nghệ sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là được truyền thông mạnh, từ đó tiếp cận khán giả nhiều hơn. Bên cạnh đó lực lượng diễn viên nhiều, đa dạng cũng là một lợi thế không gây nhàm chán cho khán giả.

"Ai cũng biết hiện nghệ thuật cải lương đang gặp nhiều khó khăn, nhưng thực tế vẫn có rất nhiều nghệ sĩ yêu nghề, cống hiến hết mình và sống được với nghề. Được khán giả đón nhận và yêu mến chính là nguồn động viên, là động lực cho các nghệ sĩ cải lương có niềm tin mang đến cho khán giả những vở diễn mà khán giả cảm thấy mình được xem chứ không phải bị xem", diễn viên, đạo diễn Mai Thắm chia sẻ.

Bước vào nghề với giọng ca ngọt ngào, là đào chính của Đoàn Cải lương Long An, nghệ sĩ Mai Thắm lại được người hâm mộ sân khấu biết đến sau khi ra mắt vở kịch "Trời trao của lạ" do chính chị sáng tác và đạo diễn tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ Thành phố Hồ Chí Minh. Trở lại sau giai đoạn khó khăn, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ Thành phố Hồ Chí Minh liên tục sáng đèn và đều đặn trình làng những vở kịch mới. Vở kịch cuốn hút khán giả về một không gian miền sông nước Tây Nam Bộ bình dị và chất phác, những câu vọng cổ ngọt ngào, những làn điệu dân ca quen thuộc quê nhà là đặc điểm của kịch Mai Thắm. Thành công của vở diễn càng giúp chị chứng tỏ khả năng viết khỏe, có chiều sâu tư duy và góp thêm cho làng sáng tác một đạo diễn có nhiều trải nghiệm về diễn xuất, đồng thời góp thêm minh chứng cho những giải thưởng, những thành quả chị đạt được trước đó trong vai trò là diễn viên, biên kịch trên sân khấu Đoàn Cải lương Long An.

Tham dự Liên hoan năm nay, Đoàn Cải lương Long An mang đến vở diễn "Bên dòng Long Khốt". Vở diễn nói về cuộc chiến chống nạn diệt chủng Pôl Pốt, qua đó thể hiện tính nhân văn sâu sắc, lan tỏa tình yêu con người. Bên cạnh đó, đoàn có vở "Truyền tích Lúa Nàng thơm" tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm đang diễn ra tại Hà Nội.

Với mong muốn đạt kết quả cao như những Liên hoan trước đó, Long An chọn kịch bản văn học và đạo diễn 2 vở diễn này đều từ Hà Nội. Nghệ sĩ Mai Thắm Nam Bộ hóa từ ngữ cho 2 vở diễn, đồng thời chuyển soạn thêm bài bản cải lương cho phong phú hơn và mang đặc trưng Nam Bộ.

Đức Hạnh (TTXVN)
Giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương - Bài 1: Sức sống bền bỉ
Giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương - Bài 1: Sức sống bền bỉ

Liên hoan Cải lương toàn quốc đang được tổ chức tại tỉnh Long An thu hút gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên với 27 vở diễn. Đây là liên hoan có đông nghệ sĩ tham gia nhất từ trước đến nay. Liên hoan đã và đang để lại nhiều ấn tượng trong lòng những người yêu mến bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN