Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, sự phong phú, đa dạng, đặc sắc của văn hóa Huế và những phẩm chất tốt đẹp của con người Huế chính là nguồn lực nội sinh quan trọng, là động lực và sức mạnh mềm để Thừa Thiên – Huế phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên thời gian qua, việc khai thác giá trị văn hóa, sức mạnh con người chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thời gian tới, địa phương cần hoàn thiện thể chế chính sách phát triển Thừa Thiên - Huế nói chung và phát triển văn hóa, con người nói riêng; các chương trình phát triển văn hóa phải xây dựng theo tinh thần bền vững, đặt trong mối quan hệ đồng bộ hài hòa với các chương trình khác và trong tổng thể chương trình phát triển quốc gia; tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Huế và phát triển ngành công nghiệp văn hóa dịch vụ có trọng tâm, trọng điểm.
Ban tổ chức hội thảo nhận được 60 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo quản lý trong cả nước. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm nổi bật những vấn đề trọng tâm như: sự quan tâm và tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với sự phát triển của Thừa Thiên - Huế; vị thế của Thừa Thiên - Huế đối với sự phát triển của cả nước; những giá trị độc đáo, riêng biệt, hấp dẫn của văn hóa, con người Huế, những thành tựu trong quá trình phát triển… Đồng thời, đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng văn hóa và sức sáng tạo của con người Huế trong bối cảnh, tình hình hiện nay nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh, xác định văn hóa và con người xứ Huế là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, trong thời gian tới tỉnh sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện những quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; kiên trì mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, con người. Tỉnh luôn xác định các giá trị văn hóa, di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, tạo tiền đề cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, để Thừa Thiên – Huế phát triển nhanh và bền vũng đúng với thế mạnh và đặc trưng riêng của mình.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm cho rằng, để giữ gìn, nâng tầm và phát huy văn hóa Huế, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, địa phương cần tiếp tục giới thiệu, nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa Huế trong cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; làm tốt hơn nữa công tác trùng tu tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử; bảo vệ các giá trị văn hóa phi vật thể và tâm linh chống pha tạp và biến chứng; xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại để phổ cập các giá trị văn hóa mới và mở rộng giao lưu văn hóa. Bên cạnh đó, Thừa Thiên – Huế cần có kế hoạch chăm lo việc học cho các thế hệ học sinh, coi trọng giáo dục gia đình, bảo trợ học đường, giúp con em có định hướng tích cực về trí tuệ, nhân cách, kỷ năng, có khả năng hội nhập nhanh chóng vào cuộc sống
Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Để hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đề ra, việc khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa, sức mạnh con người Huế có nghĩa đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của Thừa Thiên - Huế trong hiện tại và tương lai.